Một cán bộ Công đoàn thắng kiện công ty
Mặc dù được trúng cử Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH KD Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, P.Long Bình, TP.Biên Hòa) khóa I, nhiệm kỳ 2016 -2021, ông Vương Quốc Anh vẫn bị công ty chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ).
Chính vì chấm dứt HĐLĐ đối với người lao động trái luật nên ngày 30-7, Công ty TNHH KD Việt Nam bị TAND tỉnh tuyên buộc bồi thường cho ông Anh số tiền trên 216 triệu đồng và đóng các khoản về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong suốt thời gian cho ông nghỉ việc trái luật.
* Bị thôi việc khi vừa tái trúng cử Chủ tịch Công đoàn cơ sở
Theo HĐLĐ ông Anh và Công ty TNHH KD Việt Nam ký kết (loại HĐLĐ xác định thời hạn 12 tháng từ 25-4-2015 đến 25-4-2016), ông Anh làm công việc nhân viên kỹ thuật gia công với mức lương gần 7 triệu đồng/tháng (bao gồm cả phụ cấp, xăng xe, công tác phí, độc hại).
Ngày 21-11-2015, Công đoàn Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa thành lập Công đoàn cơ sở lâm thời Công ty TNHH KD Việt Nam và ông Anh được bầu làm Chủ tịch Công đoàn công ty. Ông Anh cho hay, theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì Ban chấp hành Công đoàn lâm thời công ty có thời gian hoạt động kể từ ngày 25-11-2015 đến 25-11-2016. Do chưa hết nhiệm kỳ Chủ tịch Công đoàn lâm thời nên khi hết thời gian HĐLĐ ông vẫn được công ty gia hạn HĐLĐ cho ông đến hết ngày 25-11-2016.
Ngày 24-10-2016, Ban chấp hành Công đoàn công ty tiến hành Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2016-2021. Tại đại hội, ông Anh tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Công đoàn công ty. Tuy nhiên, ngày
25-11-2016, công ty giao cho ông Quyết định chấm dứt HĐLĐ vì lý do HĐLĐ ký kết giữa đôi bên đã hết hạn.
“Thời điểm công ty cho tôi nghỉ việc, tôi vẫn là Chủ tịch Công đoàn cơ sở. Việc tổ chức đại hội và bầu Ban chấp hành Công đoàn, Chủ tịch Công đoàn đều đúng với Điều lệ Công đoàn Việt Nam và được Ban chấp hành Công đoàn KCN Biên Hòa phê chuẩn. Do đó, việc công ty chấm dứt HĐLĐ với lý do hết hạn HĐLĐ khi tôi vẫn là Chủ tịch Công đoàn công ty là trái luật nên tôi mới khởi kiện ra TAND TP.Biên Hòa đòi quyền lợi” - ông Anh trình bày.
Tuy nhiên, Bản án lao động số 21/2019/LĐST ngày 21-11-2019 về đơn phương chấm dứt HĐLĐ của TAND TP.Biên Hòa đã bác yêu cầu khởi kiện của ông Anh. Tòa cấp sơ thẩm tuyên việc công ty chấm dứt HĐLĐ với ông là đúng quy định pháp luật. Do đó, công ty không phải bồi thường hay nhận ông trở lại làm việc.
* Niềm vui thắng kiện
Cho rằng cấp sơ thẩm bác đơn khởi kiện của mình không đúng pháp luật, ông Anh đã làm đơn kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm lên cấp phúc thẩm để đòi quyền lợi. “Luật Công đoàn năm 2012 đã ghi rõ khi hết HĐLĐ mà người lao động chưa hết nhiệm kỳ Công đoàn thì doanh nghiệp phải gia hạn HĐLĐ cho người lao động khi hết nhiệm kỳ. Trong khi nhiệm kỳ Chủ tịch Công đoàn của tôi từ năm 2016-2021 mới chấm dứt” - ông Anh cho biết.
Trong đơn kháng cáo gửi cấp phúc thẩm, ông Anh bày tỏ quan điểm, do quan hệ lao động giữa ông và công ty hiện không còn tốt đẹp nữa nên ông không muốn quay lại làm việc theo đúng HĐLĐ mà đôi bên đã ký kết. Chính vì vậy, ông yêu cầu công ty phải trả tiền lương trong thời gian ông không được làm việc (từ ngày 25-11-2016 đến ngày 21-11-2019) với số tiền hơn 204 triệu đồng. Đồng thời, công ty phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế đầy đủ cho ông từ tháng 11-2016 đến tháng 11-2019; bồi thường 2 tháng tiền lương do công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật.
Tại phiên xét xử phúc thẩm ngày 30-7, Hội đồng Xét xử phúc thẩm TAND tỉnh nhận thấy, yêu cầu khởi kiện việc Công ty TNHH KD Việt Nam đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với ông Anh là có cơ sở. Đồng thời, cấp phúc thẩm quyết định sửa Bản án số 21/2019/LĐST của TAND TP.Biên Hòa theo hướng có lợi cho ông Anh và buộc công ty phải bồi thường cho người lao động số tiền trên 216 triệu đồng và đóng các khoản về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong suốt thời gian cho ông nghỉ việc trái luật.
Rời phiên xét xử trong niềm vui thắng kiện, ông Anh bộc bạch, bản thân ông vui một, những đồng nghiệp của ông đang tiếp tục làm việc tại công ty sẽ vui nhiều hơn ông gấp bội. Bởi lẽ, Luật Công đoàn năm 2012 quy định, trường hợp HĐLĐ, hợp đồng làm việc hết hạn mà người lao động là cán bộ Công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ thì được gia hạn HĐLĐ, hợp đồng làm việc đến hết nhiệm kỳ.
Đồng thời, Luật Công đoàn năm 2012 cũng quy định đơn vị sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc, sa thải, buộc thôi việc hoặc thuyên chuyển công tác đối với cán bộ Công đoàn không chuyên trách nếu không có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của ban chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc ban chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Trường hợp không thỏa thuận được, hai bên phải báo cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Sau 30 ngày, kể từ ngày báo cáo cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, đơn vị sử dụng lao động có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh (Liên đoàn Lao động tỉnh) cho hay, Luật Công đoàn năm 2012 quy định, người lao động là cán bộ Công đoàn không chuyên trách bị cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc, buộc thôi việc hoặc sa thải trái pháp luật thì Công đoàn có trách nhiệm yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp; nếu được ủy quyền thì Công đoàn đại diện khởi kiện tại tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho cán bộ Công đoàn; đồng thời hỗ trợ tìm việc làm mới và trợ cấp trong thời gian gián đoạn việc làm theo quy định của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.