Một câu, một chữ thay đổi trong luật quyết định đến vấn đề an sinh của cả một đời

ĐBQH mong muốn cố gắng làm rõ mọi khía cạnh, nhất là những tác động của những chính sách mới được đưa ra trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Làm rõ những tác động, ảnh hưởng của chính sách mới

Ngày 27/5 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Đại biểu Trần Thị Thu Phước - đoàn Kon Tum

Đại biểu Trần Thị Thu Phước - đoàn Kon Tum

Đại biểu Trần Thị Thu Phước - đoàn Kon Tum cơ bản thống nhất cao với dự thảo luật đã chỉnh lý và tiếp thu. Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này đã đáp ứng kể cả cơ sở lý luận và thực tiễn.

Điều này có ý nghĩa to lớn hơn trong điều kiện hiện nay khi nền kinh tế trong nước, khu vực và thế giới đang gặp nhiều khó khăn, do những hậu quả của dịch bệnh Covid-19 cũng như những xung đột chính trị diễn ra trên thế giới và từ đó có thể thấy rằng tác động rất lớn đến vấn đề thu nhập, việc làm của người lao động cũng như việc đảm bảo các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.

Do đó, đại biểu mong muốn cần cố gắng làm rõ mọi khía cạnh, nhất là những tác động, ảnh hưởng của những chính sách mới được đưa ra trong dự luật, đồng thời, phát huy tinh thần dân chủ, lắng nghe với tinh thần cầu thị, sẻ chia những khó khăn, nguyện vọng của người lao động, vì đối với họ chỉ cần một câu, một chữ thay đổi trong văn bản luật được ban hành quyết định đến cả vấn đề an sinh của cả một đời.

Tham gia góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm, đại biểu kiến nghị một số nội dung: Một là, theo phương án đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/7/2019 khi tính lương hưu phải tính mức bình quân tiền lương tháng toàn bộ quá trình đóng bảo hiểm xã hội.

Việc tính bình quân toàn bộ quá trình đóng bảo hiểm xã hội sẽ tác động lớn đến lương hưu của đối tượng thuộc lực lượng vũ trang do đa phần đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội trong lực lượng vũ trang thời gian từ 2 năm đến 6 năm. Đây là thời gian học viên công an, học viên quân đội, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ chỉ được Nhà nước đóng bảo hiểm xã hội trên mức lương cơ sở, đó là hệ số 1.0. Do đó, nếu tính bình quân cả quá trình sẽ làm giảm rất nhiều đối với lương hưu của lực lượng vũ trang.

Để khắc phục hạn chế trên, không làm giảm lương hưu, góp phần ổn định cuộc sống của đối tượng thuộc lực lượng vũ trang khi nghỉ hưu, đại biểu kiến nghị cần cân nhắc lại việc tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính lương hưu đối với đối tượng thuộc lực lượng vũ trang theo hướng là tính lương hưu của lực lượng vũ trang được tính mức bình quân tiền lương tháng toàn bộ quá trình đóng bảo hiểm xã hội sau khi trừ thời gian đối tượng được nhà nước đóng bảo hiểm trên mức lương cơ sở, đó là thời gian học viên công an, học viên quân đội, hạ sĩ quan và chiến sĩ nghĩa vụ.

Bên cạnh đó, việc tính tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu vẫn được tính bắt đầu từ thời gian đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội như quy định đối với các đối tượng khác.

Hai là, theo báo cáo của Chính phủ tiếp thu, giải trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), để tiếp tục thực hiện được các chế độ bảo hiểm xã hội hiện đang gắn với mức lương cơ sở, báo cáo có đề xuất sử dụng mức tham chiếu tính bảo hiểm xã hội để thay thế cho mức lương cơ sở.

Cụ thể, mức tham chiếu tính bảo hiểm xã hội được tính bằng 1,8 triệu đồng từ ngày 1/7/2024, thay thế cho mức lương cơ sở để thực hiện bảo hiểm xã hội theo quy định tại luật năm 2014 và để thực hiện bảo hiểm xã hội theo quy định của luật sửa đổi này.

Tuy nhiên, dựa theo dự kiến từ ngày 1/7 tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30%, vì vậy, đại biểu đề nghị cần có sự đánh giá một cách toàn diện và kỹ càng hơn về vấn đề trên.

Bởi vì sau cải cách tiền lương thực tế thì tiền lương đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 1/7/2024 trở đi đối với người thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đều tăng, do vậy cần nghiên cứu tính toán, điều chỉnh lại mức tham chiếu tính bảo hiểm xã hội cho phù hợp hơn.

Dự báo có khoảng 1,4 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Sau khi nghiên cứu hồ sơ dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Trần Khánh Thu - đoàn Thái Bình đánh giá cao các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu tối đa ý kiến các đại biểu Quốc hội và làm rõ hơn nhiều vấn đề, bổ sung hồ sơ, minh chứng cho các vấn đề còn nhiều ý kiến.

Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Tuy nhiên, đây là một dự án luật có nhiều nội dung lớn, phức tạp, mang tính xã hội cao và đối tượng chịu tác động trực tiếp rất rộng. Dự án luật sau khi được tiếp thu, chỉnh sửa đã tăng 11 điều mới và chỉnh sửa ở hầu hết tất cả các điều.

Góp ý về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần ở Điều 74 và Điều 107, đại biểu nêu, trong bối cảnh và yêu cầu đặt ra khi xây dựng các phương án về bảo hiểm xã hội một lần phải đảm bảo mục tiêu kép.

Cụ thể, vừa phải thể chế hóa mục tiêu của Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Đó là giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng tăng quyền lợi, nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí và giảm quyền lợi nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần; vừa hài hòa quyền lợi của người lao động phù hợp với thực tiễn Việt Nam nhưng đồng thời bảo đảm nguyên lý của bảo hiểm xã hội.

Mục tiêu của chúng ta là phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt, hiện đại, bền vững và tiếp cận các chuẩn mực quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, có sự sẻ chia giữa Nhà nước - xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ gắn kết trong tổng thể hệ thống an sinh xã hội và tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân.

Tuy nhiên, theo đại biểu đoàn Thái Bình, hai phương án được đưa ra trong dự thảo luật đều chưa phải là những phương án tối ưu vì chưa giải quyết được triệt để tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần và tạo được sự đồng thuận cao.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến tháng 4/2024 số người nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần cao nhất từ trước đến nay. Dự báo nếu theo đà này tăng tiếp tục thì đến năm 2024, ước có khoảng 1,4 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Ở giai đoạn 2016 đến 2021 trung bình mỗi năm chỉ có hơn 700.000 người và riêng năm 2022 có gần 900.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Trong khi mục tiêu của Nghị quyết 28 đặt ra tỷ lệ bao phủ đạt 45% lực lượng lao động trong độ tuổi vào năm 2025 và bảo hiểm thất nghiệp đạt 35%.

Theo Báo cáo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến năm 2023 số người tham gia bảo hiểm xã hội chiếm 39,25% so với lực lượng lao động trong độ tuổi và có bảo hiểm thất nghiệp tỷ lệ 31,52%. Nhưng, số người hưởng các chế độ bảo hiểm cũng đều tăng, trong đó tính đến ngày 31/12/2023 số người nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng 20,58%. Điều này có nghĩa hàng triệu người lao động ra khỏi lưới an sinh và không được đảm bảo cuộc sống sau này.

Theo tổ chức lao động, bản chất bảo hiểm xã hội là sự bảo vệ của xã hội đối với các thành viên trong xã hội thông qua một loạt các biện pháp công cộng để đối phó với các rủi ro, trước hết là khó khăn về kinh tế, sau đó là cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế và trợ cấp cho các gia đình đông con.

Xu hướng chung của thế giới là tiếp cận chính sách bảo hiểm xã hội trên cơ sở thực hiện bảo đảm quyền con người theo hướng phổ quát bảo hiểm xã hội toàn dân. Từ đó, thiết kế chính sách bảo hiểm xã hội đa tầng theo nguyên tắc đóng - hưởng, có sự sẻ chia trên cơ sở hình thành và sử dụng quỹ tiền tệ tập trung, được Nhà nước bảo hộ và tham gia đầu tư phát triển bền vững quỹ.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/mot-cau-mot-chu-thay-doi-trong-luat-quyet-dinh-den-van-de-an-sinh-cua-ca-mot-doi-322575.html