'Một chiến dịch ở Bắc Kỳ' và tâm lý kế hoạch hóa
Cuốn 'Một chiến dịch ở Bắc Kỳ' của bác sỹ Hocquard (1853-1911) đang gây tranh luận nhỏ trong cộng đồng người yêu sách. Bởi một lí do hết sức bất ngờ: Một cuốn sách có tới 3 'nhà' cùng nhảy vào làm, nào bản của Đông A, bản của Nhã Nam, bản của Omega+.
Tất nhiên, 3 bản với 3 người dịch khác nhau. Thoạt trông đã thấy độc giả được hưởng lợi, vì họ có nhiều sự lựa chọn hơn quanh một tác phẩm đáng giá. Nhưng trong bình luận trên mạng xã hội, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đưa ra ý kiến khác biệt: Ba “nhà” cùng làm một cuốn sách là lãng phí, “phí sức phí của”. Theo ông, đã cho “nhà” này làm thì “nhà” kia nên thôi. Nếu cuốn sách nào cũng nhiều bản dịch như “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ” thì sao?
Thực ra, một tác phẩm có nhiều bản dịch không phải sự lạ. Thí dụ: “Cuốn theo chiều gió”, ngoài bản của Dương Tường còn có những bản khác… Song theo Phạm Xuân Nguyên “Cuốn theo chiều gió” với 3 bản dịch khác nhau ở 3 lần xuất bản khác nhau, không phải như trường hợp “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ”.
Có thể do người đọc chưa thực sự để ý những trường hợp vài nhà cùng làm một cuốn trong những thời điểm tương đối gần nhau. Nhà vănTạ Duy Anh cho biết, anh từng biên tập cuốn “Tâm lý người An Nam” cho hai “nhà” khác nhau, mà không thấy vấn đề gì, thậm chí còn thích thú, vì trong quá trình biên tập, anh đã đối chiếu để tìm sự khác nhau của hai người dịch, cuối cùng nhận ra, họ dịch giống nhau chẳng qua phong cách khác nhau, một người dịch hàn lâm, một người dịch gần với ngôn ngữ tiếng Việt nên dễ hiểu hơn. Cuốn “Tâm lý người An Nam” bán khá chạy, hai “nhà” cho ra cách nhau chỉ tầm 20, 30 ngày.
Tại sao một cuốn sách lại có đến 3 nơi cùng làm? Tính độc quyền ở đâu? Biên tập viên lâu năm của NXB Hội Nhà Văn Tạ Viết Đãng, tức nhà văn Tạ Duy Anh, lí giải: “Phải xem lại luật bản quyền. Trên thế giới và Việt Nam, khi một tác giả đã ra đi 50 năm nghĩa là bản quyền đó thuộc về công chúng. Không chỉ 3 nhà làm, mà 30 nhà làm thì vẫn được cấp phép”.
Quay trở lại tranh luận 3 “nhà” cùng làm cuốn “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ” liệu có lãng phí không? Chi phí cho việc in cuốn sách ấy, nếu một nơi làm có thể sẽ bớt “tốn” hơn? Song nếu đứng ở góc độ kinh doanh thì không chắc. 3 “nhà” cùng làm, khả năng phổ biến, phát hành cuốn sách sẽ lớn hơn nhiều. “Một tác phẩm được 3 “nhà” cùng in, phải hiểu ngay cuốn sách có sự hấp dẫn. Nên bỏ tư duy kế hoạch hóa. Giống điện thoại thông minh, bạn không thích Iphone có thể chuyển sang Sam Sung hoặc thương hiệu khác…”, Tạ Duy Anh bình luận.