'Một cửa số' hướng tới nền hành chính hiện đại, hiệu quả, minh bạch
Từ ngày 1/7, Cổng Dịch vụ công quốc gia chính thức trở thành 'Một cửa số' tập trung, tiếp nhận hồ sơ trực tuyến duy nhất sau khi đóng toàn bộ các Cổng Dịch vụ công tỉnh, thành phố.

Hướng dẫn người dân làm thủ tục qua cổng dịch vụ công.
Điều này mang ý nghĩa chiến lược trong cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam, hướng tới mục tiêu phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt nhất, thuận lợi nhất.
Cùng với nỗ lực của các tỉnh, thành phố hiện nay các bộ, ngành cũng đang đẩy mạnh lộ trình để sớm thực hiện đóng giao diện Cổng Dịch vụ công cấp bộ và sử dụng duy nhất Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Như vậy, “Một cửa số” sẽ giúp người dân và doanh nghiệp chỉ cần ghi nhớ và truy cập một địa chỉ duy nhất là dichvucong.gov.vn để thực hiện tất cả các thủ tục hành chính trực tuyến, bất kể đó là thủ tục thuộc bộ, ngành hay địa phương nào. Quá trình trên hoàn toàn không làm thay đổi quyền giải quyết thủ tục, mà chỉ giúp đơn giản hóa điểm tiếp nhận, minh bạch quy trình và dễ dàng theo dõi tiến độ.
Với sự thay đổi trong phương thức cung cấp lần này được kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, góp phần xây dựng một nền hành chính hiện đại, minh bạch, hiệu quả, đúng với mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm của sự phục vụ; giúp người dân dễ dàng, thuận lợi trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, giảm chi phí, thời gian cũng như tránh nhầm lẫn hoặc truy cập vào các trang web giả mạo, lừa đảo.
Người dân có thể nộp hồ sơ trực tuyến mọi lúc, mọi nơi từ máy tính, máy tính bảng, điện thoại di động có kết nối internet. Đồng thời, qua đó cũng dễ dàng theo dõi, đánh giá được tiến độ, hiệu quả xử lý công việc, trách nhiệm của mỗi cấp, mỗi đơn vị, mỗi cá nhân; tránh được tình trạng nhũng nhiễu, hạch sách từ một bộ phận cán bộ quan liêu, hách dịch. Việc áp dụng “Một cửa số” là hoàn toàn phù hợp với xu hướng tất yếu của sự phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay.
Cổng Dịch vụ công quốc gia được xây dựng và đưa vào vận hành từ tháng 12/2019 đem lại nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, sau hơn một tuần vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, theo chia sẻ của các cán bộ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công các phường, xã, hiện nay, thủ tục hành chính được người dân thực hiện trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia tăng đáng kể. Những đột phá này không chỉ nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với các dịch vụ công, mà còn góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Vai trò và ý nghĩa khi vận hành “Một cửa số” đã thấy rõ. Tuy nhiên, để đạt như kỳ vọng, đòi hỏi Cổng Dịch vụ công quốc gia phải bảo đảm một hạ tầng đủ mạnh, sẵn sàng vận hành trơn tru trong trường hợp có yêu cầu về dung lượng tăng đột xuất; đồng thời, bảo đảm an toàn an ninh thông tin. Cùng với đó, một số bộ thủ tục hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ cũng cần được hoàn thiện, sớm công bố để các địa phương triển khai quy trình áp dụng, bảo đảm liên thông, vận hành thông suốt.
Để vận hành “Một cửa số” hiệu quả, cần phát huy hơn nữa tinh thần chủ động, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, nhất là cấp xã. Đối với một số tỉnh, thành phố thực hiện sáp nhập, hợp nhất cần vận hành đồng bộ hệ thống phần mềm dùng chung, không để xảy ra ách tắc.
Hiện nay, trên thực tế vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân “ngại” sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân nâng cao kỹ năng số, khuyến khích người dân, doanh nghiệp chủ động thực hiện có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến.
Trong giai đoạn đầu đi vào vận hành không tránh khỏi những khó khăn, hạn chế nhất định, vì vậy Ban Chỉ đạo cũng cần có những đánh giá tổng thể để rút kinh nghiệm, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, những điểm nghẽn để “Một cửa số” thật sự hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thiết thực cho người dân, doanh nghiệp cũng như công tác chỉ đạo điều hành.