Một cuộc sống 'bình thường mới': Góc nhìn tâm lý và những thiên sử thi cổ
Bước sang năm thứ 3, nhân loại tiếp tục chìm trong làn sóng COVID-19. Bob Brody vừa thoát khỏi cửa tử, rời bỏ 'địa ngục trần gian' những tháng ngày điều trị vừa khốc liệt, vừa cô độc. Mong muốn lớn nhất của nhà báo đã gần 70 tuổi là được trở về quê nhà ở Italy từ New York hoa lệ bị thứ virus vô hình tàn phá. Hành trình kéo dài và khó khăn dai dẳng, hệt như Odysseus - người hùng thành Troy đối diện vô số chướng ngại vật trên con đường tìm về xứ Ithaca.
Cảm hứng được trở về
Một ngày tháng 2 ở New York, Bob Brody nhìn qua cửa sổ phản chiếu hình ảnh chiếc lá cuối cùng treo mình trên cành cây khô phủ tuyết trắng. Thành phố trải qua cơn bệnh nặng, gia đình chẳng thể tiễn biệt người quá cố, tiếng còi cứu thương réo vang cả đoạn đường dài, xen lẫn vài âm thanh khóc lóc, kêu gào. Nỗi sợ virus lan nhanh giữa loài người, đặt ra những khoảng cách “an toàn” vô hình chung khiến chúng ta trở nên ngày một xa cách. Dù vẫn có thể thấy nhau qua màn hình điện thoại, máy tính.
Bên trong phòng bệnh, một tâm trí trống rỗng được lấp đầy bởi tiếng vọng từ bản anh hùng ca “The Odyssey” của nhà thơ Hy Lạp cổ đại. Holmer tạo nên Odysseus trôi dạt vô định trên đại dương. Bob Brody cũng nhớ rất rõ bài thơ “Divine Comedy” (Thần khúc), soi chiếu hiện tại với cuộc đời lưu vong khỏi quê nhà Florence của nhân vật Dante trong chuyến đi thăm “Địa ngục và Luyện ngục”. Nhân vật ấy trải qua 9 nỗi thống khổ của đời người, tội ác phải trả giá, cơ thể bị giày vò đến vô cùng.
Giống như Odysseus và Dante, chúng ta của hiện tại lênh đênh trên biển cả, ở lưng chừng sinh tử bởi virus đã cô lập mọi thứ. Chúng ta muốn về nhà mà không được, chúng ta đành đổ lỗi cho “sự đóng băng” của ngành hàng không, của đường phố và chấp nhận đối diện với khủng hoảng y tế. Sự cô độc lên tới đỉnh điểm khi Bob Brody giãi bày ở trang nhật ký chiến đấu với COVID ngày thứ 7: “...không cho phép mình trở thành nguồn bệnh, chỉ biết chiến đấu như Odysseus chờ đến ngày được về nhà”.
Giống như Odysseus và Dante, chúng ta của hiện tại lênh đênh trên biển cả, ở lưng chừng sinh tử bởi virus đã cô lập mọi thứ.
Trong một bài phỏng vấn, giáo sư tâm lý học Steve Joordens nói rằng chẳng có khao khát nào lớn hơn mong muốn được... trở về nhà. Cánh cửa bình thường mới mở ra nhưng vẫn còn dè chừng vì COVID quá khó lường. Cảm hứng từ văn chương sẽ giúp nuôi dưỡng niềm tin, dù là ít ỏi, về tương lai đoàn tụ. Bob Brody là một trong số hàng triệu nhân chứng của thảm kịch COVID, trải qua những điều tồi tệ nhất để rồi dần hồi phục. Như cách Dante cuối cùng lên tới Thiên đường - chốn bình yên chẳng khác nào vắc-xin đầy hứa hẹn giúp con người chống lại mầm bệnh, đưa cuộc sống về với nguyên bản yên vui ban đầu của nó.
Còn Homer khắc họa chân dung người cha - người chồng anh hùng để ca ngợi dũng khí và nghị lực của con người. Odysseus ấp ủ khát vọng vượt qua mọi nghịch cảnh, đứng lên từ gian khổ để trở về đoàn tụ với người vợ Penelope, con trai Telemachus và cả một vương quốc Ithaca 20 năm vắng bóng người cai trị. Bob Brody, và tất cả chúng ta nữa, đều thấy mình trong đó, nhưng ở những tháng năm của thế kỷ 21. Nơi ấy, chúng ta cần ba chữ “kiên”: kiên nhẫn, kiên cường và kiên trì - như lời Steve Joordens từng chia sẻ: “Có dũng khí như Dante, lại lanh trí tựa Odysseus, chúng ta vẫn không thể chủ quan trước một cuộc chiến còn rất dài”.
Tất nhiên, quay về bình thường mới sẽ còn nhiều chông gai. Nhà biên kịch người Hy Lạp Sophocles, với tác phẩm Philoctetes, đã gián tiếp gửi tới hiện tại một thông điệp từ quá khứ: cái giá của sự cô lập, cách ly nằm ở những khổ đau cả về thể chất lẫn tinh thần. Có một thực tế rằng, chúng ta buộc phải trở nên phi xã hội, ít nhất về mặt vật lý, trong nhiều tháng liên tiếp, biến mọi tương tác “bằng xương thịt” đều trở nên kỳ cục. Giới tâm lý học cũng thừa nhận, nhiều người trải qua cảm giác rệu rã về mặt xã hội vì cô đơn và cách ly dài ngày.
Tự do giờ bị gò bó trong một khuôn khổ định hình bởi COVID, mọi khao khát, kể cả giản đơn nhất là về nhà với bố mẹ, cũng treo lơ lửng tựa phim kết thúc mở. Thời đại dịch, nhiều người cảm thấy khó chịu khi bị nhắc nhở đeo khẩu trang, cảm tưởng khuôn mặt mất đi tự do. Đó chính là phản kháng - một hiệu ứng tâm lý do nhà tâm lý học Jack Brehm gọi tên vào năm 1966. Kiểu phản ứng hệt như suy nghĩ nếu ai đó không phải là sếp thì đừng nên áp đặt chúng ta phải làm theo ý họ, phổ biển trong các nền văn hóa đề cao tự do và chủ nghĩa cá nhân. Sống với COVID, niềm tin được tự quyết dường như tan biến.
Hiệu chỉnh từng chút một
Cuộc sống mới, theo phân tích của Steve Joordens, bắt đầu từ việc tìm cách “huấn luyện” cả hệ thống “cơ bắp” xã hội vốn bị hao mòn vì dịch bệnh. Trên thực tế, khối cơ này khá đàn hồi, và cảm hứng đến từ nhiều vùng chịu ảnh hưởng nhẹ của COVID có tốc độ hồi phục ấn tượng, cần ít thời gian để quay về một hình thức bình thường xã hội nào đó.Thế nhưng, con người bản tính nóng vội, luôn thiếu kiên nhẫn, nhưng lại muốn mọi thứ thật hoàn hảo theo ý mình.
Điều quan trọng bây giờ là chúng ta phải thật kiên nhẫn, cẩn trọng, đồng thời tử tế với bản thân, chấp nhận hiện thực “tôi vẫn còn nhiều vụng về nhất định trong giao tiếp hậu COVID”. Cảm giác như thể chúng ta đang phải học lại cách ngồi trong phòng để tự mình bắt chuyện với người khác, từ từ xây dựng quan hệ xã hội giống các các em nhỏ mẫu giáo. Một số căng thẳng và ngượng ngùng sẽ xảy ra, nhưng lại vô cùng đáng tận hưởng để não bộ tái điều chỉnh theo thời gian.
Trong cuốn sách Tâm lý thời đại dịch, nhà nghiên cứu Steven Taylor tin rằng mọi ám ảnh về COVID sẽ dần được loại bỏ khi con người chấp nhận sống chung với virus, coi chúng như một loại bệnh đặc hiệu. Vẫn còn đó tâm lý do dự nhất định trước thách thức chữa trị, nhưng điều quan trọng là thế giới đang chuyển mình để dần cải thiện tâm lý chống vắc-xin ở nhiều nơi, như Mỹ chẳng hạn. Trên thực tế, vắc-xin ngày càng chứng minh sự an toàn và hiệu quả cao trước virus.
Đó là dấu hiệu lạc quan, chí ít phản ánh xu thế “hiệu chỉnh từ từ” cùng nỗ lực bền bỉ của các quốc gia tạo niềm tin cho người dân. Tất nhiên, sẽ không tránh khỏi các đợt tái bùng phát, thế nhưng khi tâm lý đã ổn định thì chúng ta sẽ thấy mong muốn được hòa nhập cộng đồng bao giờ cũng mạnh mẽ hơn nỗi sợ bị lây nhiễm. Bob Brody thừa nhận, né tránh giao tiếp xã hội hậu COVID “như một thói quen lúc giãn cách” chẳng hề có lợi, vô hình chung khiến não trở nên lười biếng, tạo ra vòng xoáy trầm cảm.
Lúc đó, Steven Taylor gợi ý “làm mới” môi trường tiếp xúc để giảm thiểu cô lập, bao gồm tăng cường hoạt động thể chất, nói chuyện trị liệu hay hoạt động trí tuệ với ô chữ chẳng hạn. Những bức ảnh tụ tập đông đúc của chúng ta khắp nơi trong quá khứ, giờ đây trở thành động lực để thế giới sớm quay trở lại với đời sống xã hội bình thường.
Để quay trở lại cuộc sống “bình thường mới”, chúng ta cần ba chữ “kiên”: kiên nhẫn, kiên cường và kiên trì.
Rời khỏi bệnh viện, Bob Brody bắt đầu trị liệu tâm lý cùng với Steven Taylor. Những trang nhật ký viết về người bạn thân qua đời vì COVID luôn thường trực nỗi niềm nuối tiếc. Dư chấn khiến Brody bị sốc nặng, bởi ông chỉ có thể nhìn bạn lần cuối qua màn hình điện thoại. Tâm lý học cho rằng, “dấu ấn” mà Bob Brody phải chịu đựng là kết quả của kìm nén cảm xúc, những nỗi đau chồng chéo trong khoảnh khắc ngắn ngủi.
Con người vốn có ý thức cộng đồng, thế nên sự cách ly dài ngày, cùng với việc không thể ở bên người thân những phút cuối đời, khiến họ cảm thấy tội lỗi. Nếu đã từng đọc qua sử thi The Iliad, chúng ta sẽ thấy Homer tập trung nhấn mạnh yếu tố tưởng nhớ và tiếc thương người đã khuất để khai thác ý nghĩa của phần “người”. Thần Zeus chấp nhận cái chết của con trai Sarpedon bất tử, còn Achilles tưởng niệm người hầu cận thân thiết Patroklos.
Còn nàng Antigone trong sáng tác của Sophocles không chấp nhận chứng kiến hình phạt kinh khủng với anh trai Polynices nên đã làm trái lệnh vua, tự mình đi mai táng cho anh. Điều Homer và Sophocles muốn truyền tải, ấy là những con người thân thiết, hay cùng chung huyết thống đã thể hiện tình yêu cho người đã mất, để trân trọng những giá trị họ để lại trên cõi đời này.
Chìm đắm trong kho tàng văn học cổ, Bob Brody trở thành tình nguyện viên trong chương trình liệu pháp chuyện trò của Steven Taylor. Ông bắt đầu hành trình “chịu tang” COVID, gạt bỏ ký ức đau buồn, song song với ghi lại những bài học đắt giá cho tương lai về sức khỏe, gia đình và các mối quan hệ. Ông hiểu rằng bạn không còn nữa, nhưng cuộc sống là một cuộc chiến, và nó cần tiếp diễn. Tưởng nhớ người đã khuất nhắc nhở bản thân về ý nghĩa thực sự của đời. Về phương diện tâm lý, đó là khi con người lấy động lực từ đau thương ngày hôm qua để xây dựng căn nhà của hiện tại, vun đắp mơ ước trong tương lai...