Một đề xuất khó khả thi
Sau những dư luận xã hội khá gay gắt liên quan đến sách giáo khoa như tăng giá bán, liên tục đổi mới nội dung, quá nhiều sách tham khảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có những động thái trấn an dư luận, một trong số đó là đề xuất với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam vào ngày 21-6-2022 sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa, đưa vào thư viện trường, cho học sinh mượn. Nhưng đây là sáng kiến thiếu tính thực tế.
Bộ GD&ĐT cho rằng làm như thế sách sẽ được sử dụng nhiều lần qua nhiều thế hệ; sách đi thẳng từ nhà in đến từng trường nên giảm được chi phí trung gian qua phát hành; nhà trường chỉ cần đăng ký qua sở GD&ĐT số bộ sách trên đầu học sinh của từng cấp học, sau đó thành phố, tỉnh lấy tiền ngân sách mua rồi phân phối về cho các trường. Hàng năm, các sở GD&ĐT chỉ cần bổ sung số đầu sách bị hư hỏng (10%) là được. Cách này, theo bộ, là tiết kiệm cho nhà nước và cho cả gia đình các học sinh.
Nếu số bộ sách dự kiến mua được tính trên đầu học sinh của từng cấp học tại từng trường như phương án trên thì sẽ rất lớn, rất tốn kém. Đến nay, cũng chưa có thông tin gì cụ thể, rõ ràng hơn về việc này. Hay là nhà trường chỉ đăng ký số bộ sách dự trù cho các đối tượng học sinh khó khăn mượn? Và phương án mượn là như thế nào, thư viện cho mượn về nhà rồi hết năm học trả lại như mấy chục năm trước hay sử dụng ngay tại thư viện như một số nước?
Về tổng thể, thoạt nghe, thấy đề xuất này hay và hợp lý, nhưng xem xét mọi khía cạnh mới thấy thực sự là không khả thi ít nhất là cho đến khi làm rõ được các vấn đề như: tính ổn định của nội dung; khả năng sử dụng lại nhiều lần của các bộ sách sau khi hoàn thành lộ trình đổi mới, tiến tới thực hiện số hóa; triển khai sách giáo khoa điện tử.
Cách nay chừng 15 năm, khi đến bất cứ trường đại học, cao đẳng và cả trung học trên thế giới và cả ở Việt Nam thì tòa nhà to lớn nhất, đẹp nhất bao giờ cũng là thư viện. Thời ấy thư viện được coi là trung tâm của nhà trường, điểm nhấn của khuôn viên (campus), và biểu tượng của khoa học, vì nó là nơi lưu trữ, trao truyền tri thức của nhân loại và khoa học chuyên ngành mà trường đó đang đào tạo.
Ngày nay, thư viện vẫn còn giá trị ở chừng mực nào đó, nhưng có một thực tế là số người đến giảm dần từ khi xuất hiện sách điện tử, các thư viện thực hiện số hóa thông tin, nên người đọc có thể tiếp cận tài liệu mà không cần tới thư viện, tất nhiên có một số loại sách, tài liệu có tính đặc thù nên không thể tiếp cận từ xa được.
Trong 10 năm trở lại đây, các trường đại học có xu hướng chuyển sang xây dựng thư viện thông minh, sử dụng triệt để công nghệ thông tin. Nhưng ở Việt Nam, nhiều thư viện của các trường đại học lớn cũng chỉ có số sinh viên đến đọc sách thưa thớt. Chưa kể đến chuyện các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu không đến thư viện nữa vì ai cũng có thư viện riêng chứa những loại sách quý mà thư viện không có.
Các trường phổ thông của nước ta hầu như không đầu tư nhiều vào thư viện. Một vài trường có thư viện riêng là do có sự hỗ trợ của một vài tổ chức hay cá nhân, chẳng hạn thư viện trường Trần Đại Nghĩa, thư viện trường Lê Hồng Phong. Trường Trần Đại Nghĩa đầu tư thư viện thông minh với nhiều tỉ đồng, nhưng nhiều ý kiến cho rằng học sinh đến thư viện chủ yếu là chơi game, lướt mạng và thư giãn. Còn thư viện của các trường tiểu học, trung học cơ sở đơn giản chỉ giống như một phòng học có vài kệ sách, dăm cái bàn, còn sách cũng nghèo nàn.
Nay Bộ GD&ĐT muốn đầu tư lớn, đưa sách giáo khoa vào thư viện cho học sinh học thì trước tiên phải đầu tư lớn vào cơ sở vật chất như phòng ốc, bàn ghế, máy lạnh, máy tính, trang thiết bị, tăng thêm biên chế thủ thư, mà phần này coi bộ rất khó. Nhưng giả sử phòng ốc có rồi thì liệu các em có đến đọc sách giáo khoa không – nếu là phương án cho mượn đọc tại chỗ? Câu này cũng không khó trả lời vì các em hết giờ học là cha mẹ đến đón về chứ có ai ở lại trường đọc sách; thời gian sau giờ học chính khóa ở trường còn phải đi học thêm, còn Chủ nhật thì chắc không cha mẹ nào cho con đến thư viện đọc sách. Ngay đầu năm học mới, chỉ trừ những nhà khó khăn quá, còn hầu như nhà nào cũng mua đủ mỗi đứa một bộ sách giáo khoa (chí ít là các cuốn cơ bản), vậy là sách ở thư viện coi chừng lúc nào cũng mới.
Ở một số quốc gia, học sinh không phải mua sách giáo khoa, nhưng họ có kế hoạch tái sử dụng. Tại Nga, các em được trường phát sách vào đầu năm và thu lại vào cuối năm để cho khóa sau, học sinh phải cam kết giữ gìn sách cẩn thận. Ở Nhật Bản, sách giáo khoa được phát miễn phí ở trường công. Phía sau mỗi cuốn đều in thông điệp “Cuốn sách giáo khoa này được gửi gắm đến các bạn là những chủ nhân tương lai của Nhật Bản. Sách được cấp phát miễn phí từ tiền thuế của nhân dân. Hãy sử dụng một cách cẩn thận”. Còn tại Mỹ, Phần Lan, các nước Bắc Âu chi phí mua sách do trường chi trả. Học sinh dùng sách tại trường như tài liệu tham khảo, không mang về nhà. Giáo viên dạy chủ yếu dựa vào khung chương trình và ít sử dụng sách giáo khoa.
Gần đây, nhiều nước triển khai sâu rộng sách giáo khoa điện tử nên sách bản giấy cũng giảm bớt số lượng in. Xu thế sách giáo khoa điện tử có thể trở thành chủ đạo vì nó không tốn tiền in ấn, mà việc thay đổi cấu trúc, nội dung cũng đơn giản. Dù vậy, cũng có quan điểm nên giữ sách giáo khoa bản giấy ở cấp tiểu học vì ở tuổi này cần giáo cụ trực quan hơn các cấp khác.
Sáng kiến là cần thiết, nhất là trong giáo dục, nhưng việc đề xuất mua sách giáo khoa đưa vào thư viện các trường cho học sinh học là điều rất khó thực hiện. Đừng cố gắng tốn tiền, vô ích.
Nguyễn Minh Hòa
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/mot-de-xuat-kho-kha-thi/