'Một đêm nằm một năm ở', là sao?
'Một đêm nằm một năm ở' hay còn được nói gọn là 'đêm nằm năm ở', là câu thành ngữ quen thuộc ta thường nghe nói. Ví dụ: 'Chuyện đâu dễ quên nhanh thế được. Đêm nằm năm ở, hai anh em đã chung lưng đấu cật, ăn ở cùng nhau bao nhiêu năm. Bây giờ anh có nơi có chốn đàng hoàng, mà lại quên ngay tình xưa nghĩa cũ vậy sao?'...
Câu thành ngữ được hình thành từ bốn từ (đêm, nằm, năm, ở), trước tiên chúng ta cần phải hiểu nghĩa đen của nó là gì đã.
Nghĩa đầu tiên của nó nằm ở tổ hợp “đêm nằm”. Đêm là lúc chúng ta nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng sau một ngày lao động mệt nhọc. Vậy làm sao có một nơi nằm nơi ngủ qua đêm là rất cần thiết. Nơi đó có thể là một cái giường, một cái chõng hay là một tấm chiếu trải xuống đất. Gì gì thì cũng phải đủ không gian và khá tiện lợi cho việc nghỉ. Mùa hè thì sao cho thoáng mát. Mùa đông phải kín gió và ấm cúng. Có những người đi xa phải tá túc ngủ nhờ thì gia chủ cũng phải lo liệu sao cho tươm tất. Cái chu đáo của một đêm làm nên giá trị cả một “năm ở” đó. “Con vào trong nhà lo giường chiếu cẩn thận để bác nghỉ tạm. Mai bác đi, cũng để bác thư thái chút chứ. Một đêm nằm một năm ở cơ mà! Đừng có úi xùi quá mà mang tiếng con ạ”. Ông bố ôn tồn dặn con dâu như vậy. Giấc ngủ qua đêm quả là cần thiết với mỗi người.
Nhưng câu này cũng còn một hàm ý nữa, xa hơn. Nó hàm chỉ một nghĩa tình rất đáng trân trọng, rất đáng ghi nhớ đối với ai đó đã có lúc cưu mang, giúp đỡ mình, cho mình ăn ở cùng nhà lúc khó khăn cùng cực. Có nhiều người vì điều kiện mà rơi vào cảnh cơ hàn, không nơi nương tựa, phải nhờ vả “tá túc” nơi người thân, bạn bè hay người nào đấy. Có khi một hai ngày, có khi cả tháng, có khi hàng năm trời. Song dù ít ỏi, một đêm thôi mà nghĩa tình vẫn thật lớn lao. Một đêm cùng nhau với bạn bè chiến hữu, một đêm chung sống của một cặp vợ chồng nào đó mà đáng giá, mà ý nghĩa vô cùng. Chính từ một “đêm nằm” đó mà làm cho người ta hiểu nhau, thông cảm với nhau và gắn bó chia sẻ với nhau hơn. Nó chính là tiền đề để người ta trở nên tri âm tri kỉ trong suốt cuộc đời cũng nên. “Trung và Hân giờ mới gặp nhau. Cả hai đều bùi ngùi nhớ lại thời chiến tranh. Hai anh em phải sống mấy tháng trong rừng, uống nước suối, ăn rau tàu bay. Ôi, đêm nằm năm ở. Giờ nghĩ lại sao thấm thía biết bao” (báo Cựu Chiến binh).
Một đêm nào có là bao
Mà thương, mà nhớ, mà xao xuyến lòng…
Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/mot-dem-nam-mot-nam-o-la-sao-21132.html