Một điểm đến nổi tiếng của Malaysia là bài học bảo tồn cho châu Á
Đồi Penang từ lâu đã là một điểm đến thu hút nhiều du khách khi đến du lịch tại Malaysia.
Tại Malaysia, trong thời gian giãn cách vì dịch Covid-19, bất cứ khi nào có cơ hội, nhiều người dân chọn đến các công viên địa phương để ngắm cảnh thiên nhiên và hít thở không khí trong lành. Và ở bang Penang, tây bắc Malaysia, khi các biện pháp cấm vận được nới lỏng, dự án du lịch sinh thái bền vững The Habitat Penang Hill là một điểm đến được nhiều người lựa chọn. Dự án này nằm ở rìa một khu rừng mưa nhiệt đới được cho là hơn 130 triệu năm tuổi.
Allen Tan, giám đốc điều hành của dự án The Habitat và đại diện của tổ chức phi lợi nhuận The Habitat Foundation chia sẻ rằng mục tiêu của dự án này vượt ra ngoài du lịch sinh thái mà còn nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự cân bằng giữa thế giới con người và thế giới tự nhiên.
Ông Tan chia sẻ: "Chúng ta là loài duy nhất có thể quyết định một cách có ý thức cách chúng ta tồn tại và tương tác với thiên nhiên, trái ngược với những loài khác được sinh ra chỉ để làm nhiệm vụ của mình" và mục đích chung của dự án là "bảo tồn, giáo dục và truyền cảm hứng."
Hầu hết các điểm tham quan trong dự án đều được phát triển xoay quanh các cấu trúc, nền tảng hiện có và không làm ảnh hưởng đến cảnh quan và hệ thống thực, động vật bên dưới. Dự án này cũng cấm chặt cây, ngoại trừ lý do an toàn, để giảm thiểu tác động của việc xây dựng. Ví dụ, một khu vực nơi ban đầu chỉ có vài cây dương xỉ hiện đang là một khu vườn dương xỉ và có trồng thêm gừng. Đường đi bộ có mái che dài 230m Langur Way được lấy tên từ sự hiện diện của loài khỉ cùng tên.
Ngoài khu bảo tồn thiên nhiên The Habitat, đóng góp của nhóm The Habitat Foundation trong khu vực còn đến từ việc hỗ trợ cho một cuộc khảo sát đa dạng sinh học về hệ động thực vật địa phương. Vào năm 2017, một cuộc khảo sát và nghiên cứu đã được các nhà nghiên cứu của Tổ chức Habitat, các nhà khoa học và sinh viên từ Đại học Sains Malaysia và Học viện Khoa học California thực hiện.
Những phát hiện này, được chia sẻ với chính quyền bang Penang, là một yếu tố quan trọng trong quyết định của UNESCO năm ngoái công nhận Đồi Penang và các khu vực lân cận ở phía tây bắc đảo Penang là khu dự trữ sinh quyển toàn cầu - một trong 727 khu dự trữ cho đến nay đã được quy hoạch ở 131 quốc gia.
Ông Tan cho biết: "Ngoài việc ghi chép lại hàng trăm loài động thực vật, nhóm nghiên cứu còn phát hiện ra nhiều loài mới, chẳng hạn như cua ma cà rồng, một loài cua trên cạn lớn bằng đồng 50 xu của Malaysia, sống ở các vùng đồi núi rừng rậm và là loài đặc hữu của đảo Penang".
Sự hiện diện của các loài chưa được xác định cũng là điều được nhiều người kỳ vọng vì địa hình và khí hậu rừng mưa nhiệt đới rất giàu đa dạng sinh học và nơi đây cũng là nơi cư trú của hơn 50% các loài động thực vật trên cạn, mặc dù loại địa hình và khí hậu này chỉ bao phủ 6% bề mặt Trái đất. Tuy nhiên, khám phá trên vẫn làm nổi bật ý nghĩa sinh thái to lớn của những khu vực như vậy và sự cần thiết của các dự án như The Habitat.
Du lịch sinh thái bền vững là một cụm từ đang nhận được nhiều sự chú ý trên toàn thế giới, nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng thực hiện các dự án như vậy. Ông Tan cho rằng sự thành công của The Habitat là do ba điểm mấu chốt của nó –tính đến lợi ích của con người, cả hành tinh và lợi nhuận cùng một lúc. Đây là một bài học quý giá cho châu Á, nơi một số khu rừng mưa nhiệt đới lâu đời nhất thế giới đang cần các chương trình bảo tồn mạnh mẽ và khẩn cấp.