Một điểm xuất phát, 2 đích đến
Sir Alex Ferguson đứng giữa, tươi cười khoác vai 2 cầu thủ trẻ trong buổi chào sân Old Trafford.
Câu chuyện của Ronaldo và Kleberson là minh chứng sinh động cho câu nói: “Thiên tài chỉ có 1% là cảm hứng, còn 99% là nhờ cố gắng”.
Bên trái là chàng trai vừa bước qua tuổi 19, cầu thủ mang quốc tịch Bồ Đào Nha đầu tiên khoác áo “Quỷ đỏ”, đến từ Sporting Lisbon với giá chuyển nhượng 12,24 triệu bảng, Cristiano Ronaldo.
Bên phải là Jose Kleberson, nhà Vô địch World Cup 2002 - người đã vô hiệu hóa Paul Scholes của đội tuyển Anh ở bán kết và áp đảo Dietmar Hamann của đội tuyển Đức ở chung kết. Điều đó giải thích vì sao sau World Cup, Kleberson trở thành tiền vệ trung tâm được săn đón nhất thế giới. Anh cũng là cầu thủ mang quốc tịch Brazil đầu tiên khoác áo “Quỷ đỏ”.
Đó là bức ảnh được chụp cách đây tròn 17 năm, vào ngày 13-8-2003. Bức ảnh lưu lại câu chuyện dài giữa 2 tài năng trẻ được kỳ vọng nhất thế giới thời điểm đó, với 2 ngã rẽ, 2 đích đến đối lập.
Ngay mùa giải đầu tiên, chàng trai trẻ đến từ Bồ Đào Nha với thân hình mảnh khảnh, gương mặt “búng ra sữa”, mái tóc uốn nhuộm điệu đà đã thoải mái phô diễn lối chơi đậm chất kỹ thuật, tốc độ và tự tin.
Sự tự tin của Ronaldo một phần đến từ việc Sir Alex không ngừng tin tưởng, động viên, từ việc trao cho anh chiếc áo “số 7” huyền thoại đến việc bố trí ở vị trí sở trường trong đội hình.
Kết quả là, mặc dù chỉ ghi được 6 bàn thắng, song Ronaldo đã có tới 40 lần ra sân trong mùa giải đầu tiên. Điều đó giúp anh cải thiện đáng kể cả về kỹ thuật, tư duy chơi bóng, nâng tầm thể chất và sự tự tin.
Còn với Kleberson, sau 2 trận đầu tiên của mùa giải phải ngồi ngoài và trận ra mắt nhạt nhòa trước Wolverhampton Wanderers, anh dính chấn thương vai ở trận thua 0-1 trước Southampton. Chấn thương này khiến tiền vệ 24 tuổi chỉ góp mặt 16 trận trong cả mùa giải và có vỏn vẹn 2 bàn thắng.
Đáng nói là, rào cản trong ngôn ngữ và việc Ronaldinho “lật kèo” không đến Old Trafford như đã hứa với Kleberson, khiến anh rơi vào trạng thái đơn độc, “bị bỏ rơi”.
Còn trên sân, mặc dù Kleberson hợp với việc đá cặp với Nicky Butt ở trung tâm hàng tiền vệ, song chưa bao giờ cặp đôi này được xếp đá cùng nhau và thường xuyên phải cạnh tranh vị trí với Roy Keane, Djemba Djemba, Fortune, Phil Neville và Darren Fletcher. Ở một số trận, Kleberson thậm chí bị xếp đá “trái kèo” ở cánh phải.
Một năm sau, ở mùa giải 2004-2005, Ronaldo trở thành ngôi sao trên hàng công của “Quỷ đỏ”. Còn Kleberson, tất cả đều nhận ra anh không hợp với môi trường bóng đá ở “xứ sở Sương mù” - điều mà tất cả các cầu thủ Nam Mỹ trước và sau anh chơi cho Manchester United đều phải cay đắng chấp nhận.
Mùa giải 2005-2006, Ronaldo được ban lãnh đạo Manchester United gia hạn hợp đồng. Cuối mùa giải, “CR7” vinh dự góp mặt trong đội hình tiêu biểu của PFA (Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Anh). Kleberson thì chấp nhận mất chỗ đứng và rời Old Trafford gia nhập Besiktas với mức phí chuyển nhượng 2,5 triệu bảng, chưa bằng một nữa số tiền “Quỷ đỏ” đã bỏ ra chiêu mộ anh cách đó 2 năm.
Mùa giải 2006-2007, Ronaldo giúp Manchester United vô địch Premier League. Cá nhân “CR7” giành cú đúp danh hiệu Cầu thủ và cầu thủ trẻ hay nhất năm của PFA. Còn Kleberson, anh thậm chí còn không được góp mặt trong đội hình chính của Besiktas và đơn phương chấm dứt hợp đồng với đội bóng Thỗ Nhĩ Kỳ.
Ronaldo tiếp tục chinh phục những danh hiệu tập thể và cá nhân cao quý cùng Manchester United, Real Madrid và hiện tại là Juventus. Điều đó thì cả thế giới đều đã biết.
Kleberson hồi hương thi đấu cho Flamengo song dấu ấn để lại hết sức nhạt nhòa, sau đó sang Mỹ tìm kiếm cơ hội và kết thúc sự nghiệp cầu thủ tại đây.
Thomas A. Edison đã từng nói: “Thiên tài chỉ có 1% là cảm hứng, còn 99% là nhờ cố gắng”.
Cuộc sống của Ronaldo gần như là một vòng tròn khép kín: Tập bóng - thi đấu - tập gym - về nhà, ăn, bơi và ngủ. Mỗi buổi tập, bình quân Ronaldo nâng tổng khối lượng tạ tương đương 16 chiếc ô tô. Để khắc phục hạn chế về chiều cao trong “không chiến”, Ronaldo khổ luyện đến mức sức bật tại chỗ của anh lên đến 78cm, tức là nhảy cao hơn cả những vận động viên bóng rổ và tới 2m63 nếu có bước đà. Cậu bé mảnh khảnh năm nào đến Old Trafford sau vài năm đã lột xác thành một “nam thần”.
Ở tuổi 35, Ronaldo vẫn kiêu hãnh chứng tỏ sức mạnh và ý chí chiến đấu bền bỉ thách thức thời gian.
Kleberson thì ngược lại, thoái lui mỗi lần gặp khó khăn, trở ngại. Đọng lại trong lòng người hâm mộ “Quỷ đỏ” là cảm xúc “thương vay” tiền vệ người Brazil khi anh thường xuyên bị xô lấn, ngã dúi dụi ở khu vực trung tâm và đầy cố gắng, cam chịu và bế tắc bên hành lang cánh phải. Không có bất kỳ sự cải thiện nào, kể cả khi Kleberson đã chuyển sang chơi bóng ở... giải hạng 2 của Mỹ.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/the-thao-quoc-te/mot-diem-xuat-phat-2-dich-den/123001.htm