Một điều nhịn, chín điều lành khi đi đường
Tất cả hành vi sử dụng bạo lực để giải quyết va chạm giao thông đều dẫn đến hậu quả bất lợi cho hai bên. Nhẹ thì bị xã hội tẩy chay, lên án, nặng thì bị xử phạt hành chính và nặng nữa có thể bị xử lý hình sự.
Dẫu biết vậy, song hầu như hàng ngày vẫn xảy ra những vụ cự cãi, ẩu đả sau va chạm giao thông, lối hành xử côn đồ, thiếu văn hóa khi đi đường. Có thể có những vụ người dân hoặc camera an ninh, camera hành trình ghi lại được và đưa lên mạng, song chắc chắn cũng có những vụ mà chỉ người trong cuộc mới biết.
Giọt nước mắt hối hận của bị cáo Hoàng Văn Tuyền sau khi bị tòa tuyên 19 năm tù. Bị cáo Tuyền phạm tội giết người chỉ vì va chạm giao thông rất nhỏ xảy ra tại Bình Dương.
Gần đây nhất là vụ hai nam thanh niên đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng trên đường rồi bất ngờ đạp vào một phụ nữ đi xe máy cùng chiều khiến cộng đồng vô cùng bức xúc. Vụ việc được cho là xảy ra tại quận Long Biên, Hà Nội. Hiện công an vẫn đang ráo riết truy tìm hai đối tượng trên.
Đặt giả thiết, nếu người phụ nữ trong clip không cứng tay lái, chiếc xe đổ xuống đường sau cú đạp kia, nạn nhân sẽ thế nào?
Bị phạt hành chính, bồi thường cho nạn nhân số tiền rất lớn hay phải nhận những bản án cả chục năm tù là điều mà nhiều người có lẽ đã không ý thức được khi xuống tay với các nạn nhân sau va chạm giao thông rất nhẹ. Thậm chí, trong nhiều vụ, lỗi hoàn toàn thuộc về các đối tượng, người bị đánh thậm chí còn là trẻ em, không có lỗi gì.
Hẳn nhiều người còn nhớ, cách đây chưa lâu, tại Bình Dương, một thanh niên chở theo vợ trên đường, đột ngột quay đầu xe ngang đường khiến một bé gái đi xe đạp điện chở theo bạn ngay phía sau không kịp xử lý nên xảy ra va chạm. Cú va chạm bất ngờ cũng làm một phụ nữ điều khiển xe máy khác phía sau té ngã.
Tuy nhiên, thay vì hỏi han, giúp đỡ các nạn nhân, thanh niên nọ lao tới đánh đập nữ sinh rất dã man, dùng cây sắt đập vào đầu bé gái và chỉ dừng tay khi người dân đến can ngăn. Đối tượng sau đó đã phải nhận bản án nghiêm khắc.
Còn ở Tây Ninh, nhiều người cũng chưa quên vụ em H.B.B.N (12 tuổi, học sinh lớp 7) bị nhiều đối tượng đánh, đạp xuống mương sau va chạm giao thông. Trong vụ việc này, người có lỗi là vợ của đối tượng đánh cháu N. Chị này đi bộ sai quy định, gây tai nạn rồi gọi chồng đến đánh người.
Thậm chí, trên địa bàn tỉnh Bình Dương từng xảy ra tới 2 vụ đánh chết người, nguyên nhân đều xuất phát từ những vụ va chạm giao thông rất nhẹ... Khi đứng trước tòa, các bị cáo đều tỏ ra ăn năn hối lỗi, xin lỗi gia đình bị hại. Nhưng tất cả đều đã muộn màng.
Có thể nói, việc sử dụng vũ lực khi xảy ra va chạm giao thông xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, đó là do nhận thức về pháp luật, ý thức trách nhiệm công dân của một số người còn thấp. Khi xảy ra va chạm, họ không hành xử theo quy định của luật pháp và các quy tắc đạo đức khác.
Thường thì tâm lý khi va chạm, nhiều người luôn luôn cho mình đúng, đó là một trong những điều khiến va chạm nhỏ cũng dẫn đến những vụ ẩu đả, cãi cọ.
Thậm chí, một số người đủ hiểu biết pháp luật nhưng vẫn sẵn sàng dùng bạo lực như một dạng "phủ đầu" đối phương. Đó là chưa kể, không ít người bị kích động bởi tâm lý đám đông, thích thể hiện.
Tất cả hành vi sử dụng bạo lực để giải quyết va chạm giao thông đều dẫn đến hậu quả bất lợi cho hai bên. Giải pháp để hạn chế việc này trước hết nằm ở chính những người tham gia giao thông. Nếu tuân thủ nghiêm luật lệ thì rất ít xảy ra va chạm.
Còn trong trường hợp không may, cần phải kiềm chế cảm xúc, ứng xử văn minh. Một điều nhịn, chín điều lành, không nên chỉ vì nóng giận tức thì mà hành động bạo lực. Bởi hậu quả sau đó sẽ rất khó lường, rất nhiều bài học đã chứng minh trong thực tế.