Một đời tình nguyện gắn bó với người bệnh phong
Năm 1987, cô giáo Nguyễn Thị Xuân, quê ở xã Ðại Xuân, huyện Quế Võ (Bắc Ninh) quyết định xin vào Trại phong Quả Cảm (nay là Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh) để được chăm sóc người bệnh phong trước sự phản đối, can ngăn quyết liệt của người thân, bạn bè. Kể từ đó, cô Xuân coi trại phong là nhà, gắn bó, chăm sóc, yêu thương người bệnh như người thân của mình.
Cô Xuân nhớ lại, một lần tình cờ, cô đọc được cuốn sách kể về hành trình của một linh mục ở Pháp sang Việt Nam, tìm đến huyện Di Linh (Lâm Ðồng) để chăm sóc những người mắc bệnh phong và thành lập trại phong Di Linh. Câu chuyện ấy cứ ám ảnh, khiến cô luôn trăn trở: Vì sao một thanh niên nước ngoài tìm đến Di Linh để giúp người bệnh phong, trong khi mình là người Việt Nam lại không làm được?
Thế là cô lặng lẽ một mình tìm đến Trại phong Quả Cảm, nằm cách biệt, khuất nẻo dưới chân đồi thuộc xã Hòa Long, huyện Yên Phong (Bắc Ninh), nơi có hàng trăm người bệnh phong đang sinh sống và điều trị. Lần đầu trong đời, cô nhìn thấy nhiều người bị tàn tật cụt hết ngón tay, ngón chân, bàn chân, và những lớp da thịt vẫn tiếp tục bị ăn mòn, hoại tử. Họ hầu hết sống cô đơn, không con cháu, người thân bên cạnh.
Một cụ già 84 tuổi nằm cô đơn ở góc căn phòng. Trước lúc lâm chung, cụ chỉ mong được gặp con cháu lần cuối. Lần đầu trong đời, cô chứng kiến một đám tang không có vành khăn trắng, không có tiếng khóc, chỉ có mấy người bệnh cùng cảnh ngộ, tàn tật đưa cụ đi chôn ở chân núi. Sau hôm ấy, cứ vào cuối tuần, cô lại đến trại phong, chuyện trò, thăm hỏi, chăm sóc người bệnh. Cô cõng, dìu bước những cụ già bị cụt chân, nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh thân thể cho các cụ, việc gì cô cũng không quản ngại. Ðến giữa năm 1987, cô Xuân quyết định xin nghỉ hẳn dạy học ở trường mầm non để đến trại phong làm việc, dù người thân, bạn bè phản đối quyết liệt. Chính ban giám đốc trại cũng rất bất ngờ vì trước đó chưa từng có trường hợp nào tự nguyện đến trại phong xin việc làm. Nhưng bằng tình cảm chân thành và những hành động tận tâm với người bệnh, cô Xuân đã thuyết phục được ban giám đốc trại phong đồng ý nhận cô vào làm việc.
Một năm sau, cô được cử đi học lớp y tá ở Trại phong Quy Nhơn (Bình Ðịnh). Năm 1992, cô trở về và chính thức là y tá, điều dưỡng của Trại phong Quả Cảm. Ðể tiện thăm khám và chăm sóc người bệnh, cô xin được ở hẳn trong trại, phòng ở ngay sát dãy nhà của người bệnh. Không kể giờ giấc, ngày hay đêm, hễ người bệnh cần là cô có mặt. Ngoài công việc chăm sóc y tế như: vệ sinh vết thương, hướng dẫn, hỗ trợ tập phục hồi chức năng, cô còn giúp đỡ người bệnh đi lại, ăn uống, tắm giặt, sửa chữa vật dụng trong nhà, chăm sóc khi đau ốm, kể cả việc khâm liệm cho người đã mất, như những người ruột thịt trong gia đình. Hơn 30 năm qua, cô tự tay tắm rửa, chôn cất, xây mộ cho gần 200 bệnh nhân phong. Hơn 30 năm qua, cô đã mai mối cho hơn 20 cặp bệnh nhân phong nên duyên vợ chồng. Cô vừa làm y tá, vừa làm con của nhiều cụ ông, cụ bà bất hạnh, cô đơn, vừa làm mẹ của những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở trại phong.
Những năm qua, cô Xuân đã kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí xây nhà ở cho người bệnh, sửa chữa, xây mới các phòng chức năng, đường đi, xây mộ cho những người bệnh đã mất, hỗ trợ gây dựng đàn gà, nuôi cá, trồng cây ăn quả cho các gia đình người bệnh. Cô Xuân còn là cầu nối, cùng các nhà hảo tâm chung tay xây dựng gần 200 ngôi nhà mới cho những người bệnh phong trong cả nước. Năm 2012, cô về hưu nhưng đã viết đơn tự nguyện xin ở lại trại phong, tiếp tục gắn bó với người bệnh. Ngần ấy năm ở trại phong, cô Xuân chưa từng nghĩ cho hạnh phúc của riêng mình, cho đến giờ cô vẫn là người độc thân.
Cụ Hoàng Thị Các, 85 tuổi, người bệnh đã gắn bó với Trại phong Quả Cảm hơn 60 năm đã tự sáng tác những vần thơ cảm ơn "xơ Xuân", người phụ nữ nhân hậu đã hy sinh cả một đời để gắn bó, chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân phong, những người phải chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh:
"Vì thương người bệnh quá chừng
Nên ở một mình xơ vẫn thấy vui".