Trong vòng 48 giờ kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở nước láng giềng Ukraine, nhiều đoạn phim xuất hiện cho thấy trên một sân bay Ukraine có tới sáu máy bay chiến đấu MiG-29 bị hư hại nghiêm trọng, nguyên nhân đến từ một cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga.
Tên lửa Nga sử dụng được cho là 3M14 Kalibr của hải quân, được triển khai trên nhiều loại tàu từ tàu hộ tống hạng nhẹ Buyan-M đến những con tàu có trọng tải tới 24.000 tấn như tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Borei.
Ngay từ những ngày đầu của chiến dịch quân sự, quân đội Nga đã xác định các máy bay và địa điểm phòng không của Ukraine sẽ trở thành mục tiêu ưu tiên. Và cảnh quay những chiếc MiG-29 bị phá hủy dường như là dấu hiệu đầu tiên cho thấy hiệu quả của một chiến dịch như vậy.
Việc mất 6 chiếc MiG-29 là một đòn giáng mạnh vào sức mạnh không quân Ukraine, bởi vì hiện nay chỉ có tổng cộng khoảng 30 chiếc MiG-29 đang biên chế trong không quân Ukraine, nghĩa là số máy bay bị phá hủy này chiếm tới 1/5 quân số của phi đội.
Không quân Ukraine cũng trang bị một số lượng máy bay chiến đấu Su-27 được đánh giá là hiện đại hơn, tuy nhiên thực tế lại gây thất vọng khi một chiếc thì bị bắn nhầm, còn một chiếc Su-27 khác lại bỏ chạy sang nước láng giềng Romania và còn những tổn thất khác khi đối đầu với chiến đấu cơ Nga.
Một điểm yếu nữa của Su-27 là yêu cầu nhiều bảo trì hơn và cần đường băng dài hơn MiG-29 để hoạt động, điều này khiến máy bay dễ bị tổn thương hơn trong một cuộc xung đột mà các sân bay của Ukraine đang bị các tên lửa Nga nhắm mục tiêu.
MiG-29A mà Ukraine đang sử dụng trong biên chế có niên đại từ năm 1982, mặc dù khung máy bay có hiệu suất bay cao nhưng các cảm biến, vũ khí và hệ thống điện tử hàng không của máy bay đều bị coi là lỗi thời đặc biệt so với các máy bay chiến đấu hiện đại của Nga.
Ukraine được ước tính đã kế thừa 260 chiếc MiG-29 và Su-27 sau khi Liên Xô sụp đổ, tuy nhiên vì không đủ khả năng bảo đảm chi phí hoạt động của những chiếc máy bay này, đồng nghĩa với việc 3/4 phi đội bay này sẽ phải dừng hoạt động.
Nga cũng đang triển khai các biến thể MiG-29 hiện đại hóa với số lượng nhỏ, cụ thể là máy bay phản lực MiG-29K của hải quân và một đơn vị máy bay phản lực MiG-29SMT trong không quân, nhưng lực lượng này không tham gia vào các hoạt động ở Ukraine.
Mối đe dọa chính đối với máy bay Nga là các bệ phóng tên lửa phòng không cầm tay hạng nhẹ - đáng chú ý nhất là Stinger được Mỹ cung cấp. Tên lửa được sử dụng bởi bộ binh và không phát ra tín hiệu vô tuyến khiến chúng khó bị phát hiện và khó bị vô hiệu hóa hơn.
Tuy nhiên, mối đe dọa mà các hệ thống tên lửa này gây ra vẫn hạn chế hơn do tầm hoạt động rất ngắn, không có khả năng tấn công các mục tiêu ở độ cao lớn và máy bay Nga có nhiều biện pháp đối phó có sẵn để vô hiệu hóa dẫn đường bằng tia hồng ngoại.
Một báo cáo khác cho biết, chiếc máy bay lớn nhất thế giới, chiếc máy bay phản lực 6 động cơ An-225 độc nhất được chế tạo ở Liên Xô, đã bị phá hủy trong cuộc đụng độ giữa lực lượng Nga và Ukraine vào ngày 27/1. Số phận của chiếc máy bay vẫn chưa chắc chắn, nhưng những hình ảnh về một chiếc máy bay bị cháy trông rất giống An-225.
Khả năng máy bay bị hư hại vẫn còn có thể được khôi phục sau khi các cuộc xung đột chấm dứt. Chiếc máy bay này bay lần đầu tiên vào năm 1988 và chiếc thứ hai đang được sản xuất thì Liên Xô tan rã, dẫn đến không thể hoàn thành.
Vào năm 2006, Trung Quốc đã quyết định tài trợ việc hoàn thiện chiếc máy bay An-225 thứ hai, máy bay được cho là đã hoàn thành 60-70% vào thời điểm đó, tuy nhiên trước sức ép từ Mỹ đã khiến chính phủ Ukraine phải dừng việc hợp tác với Trung Quốc và khiến chiếc máy bay bị bỏ dỡ.
Máy bay An-225 giữ kỷ lục về sải cánh lớn nhất, khung máy bay nặng nhất và sức chở hàng hóa lớn nhất với 640.000kg và được thiết kế để có thể phóng máy bay vũ trụ Buran.
Nếu một chính phủ thân Nga lên nắm quyền ở Kiev sau cuộc xung đột quân sự hiện tại, thì khả năng chương trình An-225 có thể được tiếp tục với sự tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật của Nga.
Chương trình An-225 cung cấp nền tảng công nghệ mạnh mẽ để phát triển thế hệ máy bay rất lớn mới, mặc dù tương lai của nó phụ thuộc phần lớn vào kết quả của cuộc xung đột hiện tại ở Ukraine và định hướng chính trị của chính quyền Kiev sau đó.
Thái Hòa