Một dự án nhiều triển vọng cần sớm tháo gỡ vướng mắc

Dự án MDF Dongwha Việt Nam (vốn Hàn Quốc) do Công ty TNHH Dongwha Việt Nam làm chủ đầu tư được Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tháng 7-2019 vào KCN Sông Công II, có tổng vốn đầu tư ban đầu gần 4.000 tỷ đồng. Đây là dự án về chế biến lâm sản, khi đi vào hoạt động sẽ tiêu thụ lượng gỗ nguyên liệu rất lớn. Tuy nhiên, Dự án đang gặp vướng mắc về thủ tục liên quan đến bảo vệ môi trường.

Một phần khu đất 50ha đã được giao cho chủ đầu tư triển khai Dự án MDF Dongwha Việt Nam tại KCN Sông Công II.

Một phần khu đất 50ha đã được giao cho chủ đầu tư triển khai Dự án MDF Dongwha Việt Nam tại KCN Sông Công II.

Theo nội dung giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Dongwha Việt Nam sẽ xây dựng tại KCN Sông Công II một nhà máy sản xuất ván gỗ MDF (ván sợi gỗ có mật độ trung bình) công suất 300.000m3/năm, sản xuất sàn gỗ công nghiệp với công suất 3.700.000m2/năm, sản xuất keo Ure Formaldehyde khoảng 6.390 tấn/năm (diện tích sử dụng 50ha). Ngày 7/1/2019, Công ty TNHH Dongwha Việt Nam (Công ty) nộp hồ sơ đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (báo cáo ĐTM).

Sau khi xem xét, đối chiếu với các quy định của pháp luật và các văn bản liên quan, Sở Tài nguyên - Môi trường thấy rằng loại hình sản xuất ván MDF, gỗ công nghiệp và hóa chất không có trong danh mục các ngành nghề đầu tư tại báo cáo ĐTM của KCN Sông Công II đã được Bộ Tài nguyên - Môi trường phê duyệt. Các loại hình sản xuất này thuộc danh mục có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường quy định tại Phụ lục IIa kèm theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ (về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường). Theo quy định thì khi bổ sung loại hình sản xuất ván MDF, gỗ công nghiệp và hóa chất vào KCN Sông Công II, chủ đầu tư hạ tầng (ở đây là Ban Quản lý các KCN tỉnh) phải lập lại báo cáo ĐTM của KCN, chỉ được thực hiện các thay đổi sau khi có quyết định phê duyệt lại ĐTM của Bộ Tài nguyên - Môi trường.

Ông Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết: Để đảm bảo các quy định, Sở đã trả lại hồ sơ đồng thời hướng dẫn Công ty phối hợp với chủ đầu tư hạ tầng báo cáo Bộ Tài nguyên - Môi trường việc bổ sung ngành nghề này vào danh mục ngành nghề của KCN Sông Công II và thực hiện đánh giá tác động môi trường. Sở cũng đã có công văn đề nghị Công ty Dongwha Việt Nam tạm dừng thi công cho đến khi báo cáo ĐTM của Dự án được phê duyệt.

Tuy nhiên, trong văn bản phản hồi, Ban Quản lý các KCN tỉnh khẳng định đã thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án MDF Dongwha Việt Nam (Dự án) đúng quy định của pháp luật. Đồng thời lập luận, ngoài các ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư nêu trong báo cáo ĐTM thì các ngành nghề khác mà pháp luật Việt Nam không cấm, có công nghệ hiện đại đều được phép đầu tư vào KCN Sông Công II. Do vậy, để có căn cứ giải quyết hồ sơ môi trường của Dự án đúng quy định và thống nhất, Sở Tài nguyên - Môi trường đã gửi công văn đề nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường cho ý kiến hướng dẫn. Đến đầu tháng 3 vừa qua, trong văn bản trả lời, Tổng cục Môi trường khẳng định KCN Sông Công II không có loại hình sản xuất ván MDF, gỗ công nghiệp và hóa chất; để có căn cứ tiếp nhận Dự án, chủ đầu tư hạ tầng KCN phải lập lại báo cáo ĐTM.

Nhằm tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy Dự án, ngày 17-3, UBND tỉnh sau khi tổ chức Hội nghị rà soát, đánh giá quá trình triển khai đã giao Ban Quản lý các KCN tỉnh khẩn trương lập lại báo cáo ĐTM của KCN Sông Công II, bổ sung đánh giá tác động môi trường loại hình sản xuất của Dự án MDF Dongwha Việt Nam và các loại hình khác có nhu cầu đầu tư, trình Bộ Tài nguyên - Môi trường phê duyệt; giao Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp, hướng dẫn thực hiện các nội dung này, khẩn trương thẩm định báo cáo ĐTM của Dự án sau khi được Bộ Tài nguyên - Môi trường phê duyệt báo cáo ĐTM của KCN Sông Công II.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, việc lập lại báo cáo ĐTM của Dự án Xây dựng hạ tầng KCN Sông Công II phải xong trước ngày 30-3, nhưng đến đầu tháng 4, Ban Quản lý các KCN tỉnh vẫn chưa hoàn thành. Do đó, ngày 10-4, UBND tỉnh đã có văn bản đôn đốc và yêu cầu Ban Quản lý các KCN tỉnh kiểm điểm làm rõ trách nhiệm với việc chậm trễ này. Ngày 24-4, trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Long, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh không nói về nguyên nhân chậm trễ mà cho biết: Ban đã hoàn thành việc lập lại báo cáo ĐTM của KCN Sông Công II và trình Bộ Tài nguyên - Môi trường xem xét…

Với quy mô và ngành nghề đăng ký hoạt động, có thể nói Dự án Dongwha Việt Nam tại KCN Sông Công II là một dự án lớn, hứa hẹn đóng góp đáng kể vào tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu và thu ngân sách của tỉnh; giải quyết nhiều việc làm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế rừng của tỉnh và các tỉnh lân cận. Việc thu hút được Dự án là một thành công đối với Ban Quản lý các KCN tỉnh nói riêng, với cả tỉnh nói chung. Những vướng mắc như đã nêu cho thấy quá trình triển khai các thủ tục tiếp nhận Dự án này của Ban Quản lý các KCN tỉnh ít nhiều có sự thiếu chặt chẽ. Hy vọng, vướng mắc nhanh được tháo gỡ để Dự án sớm trở thành hiện thực.

Trần Quyền

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/dau-tu/mot-du-an-nhieu-trien-vong-can-som-thao-go-vuong-mac-270862-102.html