Một dự án thần tốc dưới chân Núi Cấm
Bấm nút khởi công vào ngày 15/1/2019 đến nay, cánh đồng pin năng lượng mặt trời với hơn 300.000 tấm đã phủ kín diện tích hàng trăm hecta đất khô cằn dưới chân Núi Cấm.
Chỉ trong vòng 4 tháng, gần 2.000 chuyên gia và công nhân đã làm việc liên tục để lắp ráp thành công hơn 800 container thiết bị và linh kiện với công nghệ hiện đại cho thành phố năng lượng sạch lần đầu xuất hiện ở vùng biên giới Tây Nam.
Tất cả đã được xác lập tại Nhà máy điện Năng lượng mặt trời An Hảo ngay dưới chân Núi Cấm, nơi mà trước đó không lâu người dân đã được chiêm ngưỡng “thần xà Hổ mây” vốn chỉ nghe trong giai thoại.
Công trình Nhà máy điện Năng lượng mặt trời An Hảo (Sao Mai Solar PV1) do Tập đoàn Sao Mai làm chủ đầu tư đã được đấu nối thành công vào điện lưới quốc gia vào khuya ngày 26/5/2019 trong niềm vui, tự hào của hàng ngàn nhân lực trong và ngoài nước lăn xả xúc tiến dự án. Thật khó để hình dung, một công trình trải rộng trên diện tích 120hecta (giai đoạn 1) với khối lượng công việc và thiết bị khổng lồ lại có thể hoàn thành với bước đi thần tốc như vậy.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Giám đốc Nhà máy điện năng lượng mặt trời An Hảo, vị tổng chỉ huy điều hành toàn bộ công trình cho biết, Sao Mai Solar PV1 có tổng công suất 210MW, vốn đầu tư gần 6.000 tỷ đồng (ở thời điểm hiện tại), được xây dựng trên diện tích 275 hecta đã “về đích” sớm hơn dự kiến.
“Đó là kết quả của sự nỗ lực rất lớn của những con người có lý tưởng phát triển quê hương. Sự quyết đoán đúng thời điểm của Ban lãnh đạo Tập đoàn và sự ủng hộ rất lớn và mạnh mẽ của lãnh đạo tỉnh và chính quyền huyện Tịnh Biên”, ông Minh nói.
Ông Minh cũng chia sẻ thêm: “Trong quá trình thực hiện dự án, do phải tự tạo quỹ đất nên đơn vị đã gặp không ít khó khăn, nhiều lực cản tưởng chừng như không thể vượt qua. Nhưng với quyết tâm cao độ, Tập đoàn Sao Mai đã thu phục được nhân tâm để có được sự đồng thuận của người dân tộc. Khối đại đoàn kết mà Sao Mai đã làm được như hiện nay đã chứng minh được với cộng đồng, với đất nước, thể hiện văn hóa ứng xử của một Tập đoàn luôn vì lợi ích chung và biết hướng đến mục tiêu to lớn”.
Do vậy, dù nằm trên địa hình bán sơn địa, thổnhưỡng nghèo nàn, sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả nhưng Sao Mai đã biết cách “làm giàu” phủ lên độ trù phú cho vùng đất vốn dĩ rất cằn cỗi bằng giải pháp ắp đầy tính nhân văn.
“Nếu như trước đây, 1.000 m2 đất (khoảng 1 công) chỉ được người dân sang nhượng chưa đến 20 triệu đồng nhưng chẳng có ai ngó tới, thì Sao Mai đã tự thỏa thuận từ 55 triệu đồng/công lúc ban đầu, sau đó nâng lên là 80 triệu đồng/công, gấp 3 - 4 lần giá trị thật. Điều này, khó có nhà đầu tư nào đủ can đảm, đủ tầm và đủ “tình thương” để gánh vác như Sao Mai”,vị tổng chỉ huy Minh cho biết thêm.
Có mặt bằng thi công dự án đã khó, việc xây dựng đường dây 220kV dài cả chục km để đấu nối hòa vào lưới điện quốc gia lại càng khó khăn hơn. Trong quá trình thực hiện, dù chính quyền địa phương đã tích cực hỗ trợ tạo điều kiện cho chủ đầu tư, song vẫn còn một số phần tử quá khích cản trở, đòi hỗ trợ “đội khung” một cách phi lý.
Tuy nhiên, điều đáng mừng là với tinh thần đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết và tâm huyết của nhà đầu tư luôn “đau đáu” cho sự khởi sắc, cuối cùng Sao Mai Group và người dân đã tìm được tiếng nói chung để cùng đồng hành trên “đại lộ năng lượng mặt trời” tầm cỡ. Tất cả cùng “khởi động”, cùng “tăng tốc” để “về đích” ngoạn mục không chỉ trên phương diện thời gian mà còn trên phương diện xã hội.
Kề vai sát cánh với hàng trăm kỹ sư, giám sát người Ấn Độ và người Sao Mai là những lao động rất tích cực tại địa phương, đa phần là người dân tộc Khmer. Đại công trình Năng lượng mặt trời đã tạo việc làm và thu nhập cao cho cộng đồng Khmer ở chân Núi Cấm là câu chuyện giữa dời thực chứ không còn là cổ tích. Đặc biệt, sự xuất hiện của dự án đang và sẽ mở ra nhiều cơ hội đột phá trong thu hút nhà đầu tư khắp nơi đổ bộ vào vùng đất thiêng Núi Cấm, phát triển kinh tế -xã hội, tăng thu ngân sách địa phương trong những năm tới.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang ghi nhận và đánh giá cao việc Sao Mai Group triển khai dự án Năng lượng mặt trời trên địa bàn tỉnh.
“Sao Mai Solar PV1 là một trong những dự án Năng lượng mặt trời quan trọng vùng biên giới, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, mang lại nguồn điện phục vụ đời sống, sản xuất cho nhiều hộ dân vùng biên. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống người dân An Giang nói chung và khu vực bảy núi nói riêng”, ông Bình nói.
Bốn tháng cho một dự án nghìn tỷ, tốc độ triển khai “nhanh như chớp” này là chưa có tiền lệ ở khu vực Tây Nam Bộ từ trước tới nay. Sự nỗ lực của các chuyên gia, công nhân và nhà thầu là đương nhiên, song vai trò cầm trịch của vị tổng chỉ huy Nguyễn Hoàng Minh mới là điều cần biểu dương. Cựu chiến binh trên chiến trưởng Bảy Núi năm xưa luôn phất cờ xung trận thì hôm nay vẫn vẹn nguyên “hào khí” tác chiến ở mặt trận mới.
Dù ở trong hoàn cảnh nào, ông luôn biết cách xốc tinh thần cho đồng đội và đồng nghiệp của mình. Đứng bên cạnh là Tập đoàn Sao Mai với tiềm lực tài chính ổn định, sáng suốt tầm nhìn và đưa ra quyết sách đúng thời điểm là “nước cờ” giải quyết mọi vấn đề để có ngày “hái quả ngọt” như hôm nay.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/mot-du-an-than-toc-duoi-chan-nui-cam-post213475.html