Một gia đình Việt đã 'sống sót' ở thành phố đắt đỏ nhất thế giới như thế nào
Một gia đình người Việt Nam đã 'sống sót' tại Hong Kong - thành phố đắt đỏ nhất thế giới chỉ với mức thu nhập của 'người nghèo'.
18 tháng trước, khi đặt bước chân đầu tiên đến Hong Kong, tôi hoàn toàn bị choáng ngợp bởi cuộc sống nơi đây. Căn hộ nơi gia đình tôi sinh sống nằm trên tầng 23 có các cửa sổ nhìn ra vịnh Victoria và công viên Victoria Park trong một tòa nhà ở giữa khu phố đông đúc thuộc khu mua sắm sầm uất nhất của đảo Hong Kong- khu Causeway Bay.
Nơi đây được mệnh danh là 'trái tim mua sắm' của đảo Trung Hoàn - với những trung tâm thương mại khổng lồ như Sogo, Time Square, Lee Gardens…; những cửa hàng, nhà hàng ăn uống san sát với những biển hiệu quảng cáo khổng lồ lấp lánh ánh đèn; những con phố nườm nượp khách du lịch đi lại suốt ngày đêm và những đoàn tàu, taxi, bus nêm chặt tấp nập di chuyển trên đường phố.
Cú sốc đầu tiên của tôi với cuộc sống mới ở Hong Kong không nằm ở rào cản văn hóa, ngôn ngữ hay khí hậu… mà chính là nằm ở sự khác biệt về lối sống.
Trước khi định cư ở Hong Kong, tôi làm việc cho một tập đoàn hàng đầu ở Việt Nam với mức thu nhập tầm 50 triệu đồng/ 1 tháng. Vì thế, cuộc sống của tôi ở Hà Nội khá thoải mái từ việc chi tiêu cho nhu cầu thực phẩm, đi lại, y tế, giáo dục cho đến các nhu cầu giải trí như ăn nhà hàng, xem phim, mua sắm…
Ở Hong Kong, tôi vào 'vai' một bà nội trợ với mức thu nhập là con số '0'; gia đình 4 người sống dựa vào lương của chồng tôi dao động từ 10 nghìn đến 15 nghìn đô la HK/1 tháng (khoảng 30 triệu đến 45 triệu VND).
Trừ đi các khoản tiền thuê nhà, điện, nước, truyền hình, internet, khí gas… đã được bao cấp; chúng tôi phải giải bài toán chi tiêu trong khoảng 5000 đến 7000 đô la Hong Kong cho một gia đình 4 người để duy trì cuộc sống trong một thành phố có chi phí sinh hoạt liên tục được xếp hạng là đắt đỏ nhất thế giới.
Nhiều người ví von, cùng một số tiền, bạn có thể mua được một tòa lâu đài tráng lệ ở ngoại ô nước Pháp nhưng chỉ đủ mua một “chuồng chim” nằm chót vót trên một tòa nhà chọc trời ở Hong Kong.
Nếu như ở Hà Nội, bạn có thể nhâm nhi một ly café với giá 25 đến 30 nghìn đồng thì ở Hong Kong ly cà phê đó “đội giá” lên 120 đến 180 nghìn đồng. Gần như tất cả hàng hóa, dịch vụ ở Hong Kong đều đắt gấp 3 cho đến hàng chục lần so với với mặt bằng giá cả nói chung ở Hà Nội.
Đó chính là điều khiến tôi phải mất nhiều thời gian để làm quen và thích nghi với một cuộc sống mới - một cuộc sống mà hầu như tôi phải cắt bỏ tất cả thói quen tiêu dùng trước đây của mình. Vậy tôi đã đối mặt và giải quyết bài toán sinh hoạt đắt đỏ đó như thế nào?
Bước 1: Xác định tư duy, chiến lược, mục tiêu tài chính dài hạn cho gia đình, sau đó, lên kế hoạch tiêu dùng cụ thể cho từng tuần, từng tháng với những mẹo, bí quyết, chi tiêu tiết kiệm.
Vẫn giữ thói quen tiêu dùng như ở Việt Nam, hầu như ngân sách của gia đình tôi trong ba tháng đầu tiên đều rơi vào tình trạng 'cạn kiệt' khi còn hai tuần nữa mới cán mốc cuối tháng. Tình cờ khi tham gia sinh hoạt ở nhóm 'Những bà mẹ nước ngoài ở Hong Kong', tôi đã được chị Kimberly Hollis (người Mỹ), là một chuyên gia tài chính gia đình có kinh nghiệm 15 năm trong lĩnh vực tư vấn, chia sẻ về một số bí quyết về cách 'thu ra, hào vén, tích lũy, đầu tư' cho gia đình.
Trước tiên, chị hướng dẫn tôi thiết lập một bảng mục tiêu về tài chính gia đình, trong đó phải đặt rõ các mục tiêu ngắn hạn trong năm và các mục tiêu dài hạn trong 5 hoặc 10 năm tới như: Mua căn nhà hoặc xe ô tô mới, có sổ tiết kiệm 2 tỷ vào năm 40 tuổi, có tài khoản 1 tỷ cho con đi du học hoặc có thể du lịch vòng quanh thế giới khi 50 tuổi…
Bên cạnh đó, tôi cũng phải thiết lập những mục tiêu 'an toàn tài chính' cho cả nhân gia đình như lập tài khoản tiết kiệm hưu trí, mua bảo hiểm y tế và bảo hiểm rủi ro, quỹ dự phòng khẩn cấp khi có biến cố như tai nạn, bệnh tật, hay ốm đau…
Sau đó, tôi sẽ xây dựng một kế hoạch chi tiêu cho từng tháng, chia thành các gói cố định như: nhà ở (thuê nhà hoặc khoản vay mua nhà); thực phẩm; giao thông; chi phí gửi trẻ; chi phí chăm sóc trẻ như bỉm, sữa, đồ uống, thức ăn…; vật dụng gia đình; điện - nước - internet - truyền hình cáp…; gói chi tiêu linh hoạt như giải trí, ăn uống nhà hàng, ma chay hiếu hỉ, đầu tư cá nhân, hoạt động ngoại khóa cho trẻ con…; số còn lại sẽ được đổ vào gói tiết kiệm để đảm bảo an ninh tài chính cho gia đình.
Một mẹo quan trọng là tôi cần ghi chép những chi tiêu hàng ngày để có thể nắm được bức tranh toàn cảnh, từ đó, cắt giảm những khoản chi không cần thiết để có thể đạt được những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn mà mình đã đề ra.
Theo nghiên cứu của tổ chức New Savvy, mức tiêu dùng trung bình của một gia đình Hong Kong cho một tháng rơi vào khoảng $9,473 (hơn 28 triệu VND) cho thuê nhà, $7,539 (23 triệu VND) cho thực phẩm, $2,205 (7 triệu VND) cho giao thông, $887 (2,7 triệu VND ) cho quần áo giày dép, $738 (2,5 triệu VND) cho điện, nước… Vì các khoản chi thuê nhà, điện nước, gas… đã được bao cấp, nên bài toán của tôi là làm sao chi tiêu cho các khoản thực phẩm, thức ăn, giao thông, quần áo, giày dép, y tế, giáo dục, giải trí trong ngân sách cố định từ 7000 đến 10000 đô la HK, tương đương 21 triệu đến 30 triệu VND, trong bối cảnh sinh hoạt tại thành phố có mức sống đắt đỏ nhất thế giới.
Bước 2: Tiết kiệm, tiết kiệm, và tiết kiệm…
Đó là 'mind-set' (tư duy) đeo bám trong tâm trí tôi trong tất cả những quyết định tiêu dùng trong 18 tháng sống ở xứ Hương Cảng.
Đầu tiên, tôi dành ngày chủ nhật để lên kế hoạch ăn uống cho cả gia đình trong tuần lễ tiếp theo, trong đó chú trọng vào thực phẩm cho hai con. Để đảm bảo tiêu chí nhanh, gọn nhưng vẫn an toàn, chất lượng, tôi mua thực phẩm (trừ rau, củ, hoa quả) cho cả tuần và chia thành những túi nhỏ trữ đông trong ngăn đá.
Điều này cũng xuất phát từ thực tế là các siêu thị ở Hong Kong thường có những ưu đãi rất lớn nếu bạn mua cánh gà, đùi gà, sườn lợn… với số lượng lớn như kiểu 'mua 2 tặng 1'.
Ngoài ra, bữa sáng cho các con được tôi lựa chọn là bánh mỳ trứng, xúc xích, thịt viên bánh pancake hoặc muffin làm sẵn vừa tiện lợi vừa tiết kiệm. Các loại nước sốt nấu kèm mỳ được chia thành từng hộp nhỏ và sử dụng luân phiên trong tuần. Hầu hết các bữa ăn được nấu tại nhà và những chi phí cho việc ăn nhà hàng hay bánh kẹo, nước ngọt cho trẻ con đều cắt giảm.
Nhiều bà nội trợ ở Hong Kong đã mách nhau 'mẹo' mua sắm thông minh là phải khảo sát một loạt giá cả ở các cửa hàng, siêu thị, chợ dân sinh hoặc web mua sắm online để lựa chọn ra mặt hàng có giá rẻ nhất nhưng chất lượng vẫn đảm bảo thì mới chi tiền. Ở Hong Kong, các hệ thống cửa hàng như 360 độ, Prize Mart, Best Mart, DS Groceries … chuyên bán bánh kẹo, sô cô la, đồ khô, rượu, đồ uống, gia vị nhập khẩu từ các nước phương Tây hay Hàn Quốc, Nhật Bản… có giá rẻ 20% đến 30% so với giá tại siêu thị. Còn các cửa hàng dispensaries (chuyên bán đồ bỉm, sữa, xà phòng, nước giặt, kem đánh răng, giấy vệ sinh, sữa rửa mặt… ) bán các mặt hàng chỉ bằng 2/3 giá thị trường. Những cửa hàng này có mặt ở khắp các khu phố và thu hút rất nhiều người địa phương (local) mua sắm.
Những chợ dân sinh ở Hong Kong hay còn gọi là Wet Market dường như là kho thực phẩm khổng lồ của tất cả các mặt hàng trên thế giới. Hai khu chợ gần nơi gia đình tôi sinh sống là chợ Bắc Cọp (North Point) hay chợ Cổ Ngỗng (Causeway Bay) bày bán đủ mặt hàng từ rau, củ, quả đến thịt, cá,… với giá rẻ chỉ 20%, thậm chí 50% so với giá siêu thị.
Ở khu chợ này, tôi có thể mua những khúc cá trắm tầm 8 lạng/ 1 khúc với giá 70 nghìn VND hoặc một con gà 1,5kg với giá 115 nghìn VND. Sau 4 giờ chiều, các chợ lại đồng loạt giảm giá những mặt hàng còn tồn đọng, chủ yếu là rau, củ, quả với giá rẻ như cho nên nhiều người đã chọn mua sắm vào thời điểm này.
Ở những chuỗi siêu thị lớn như Wellcome hay Park & Shop luôn có chương trình giảm giá cho các mặt hàng tươi sống sau 6h chiều hoặc sẽ giảm giá cho các gói cá hồi, thịt bò vào trước ngày hết hạn (gọi là best before dates) với giá chỉ bằng ½ hoặc 1/3 so với giá thông thường. Táo Envy New Zealand, xoài Thái, Cherry Mỹ… bị xước vỏ hoặc dập một vài chỗ cũng được giảm 50% vào cuối ngày. Như vậy, nếu biết cách mua sắm và cân đối chi tiêu, thì một gia đình bốn người có thể chi cho gói thực phẩm từ 3000 đến 5000 đô la HK/ 1 tháng nhưng vẫn đảm bảo tươi ngon và đủ đầy dinh dưỡng.
Với những gia đình có con nhỏ như gia đình tôi thì chi phí child care, hay còn gọi là tiền bỉm, sữa, đồ chơi, quần áo, giải trí… chiếm một phần chi tiêu rất lớn trong bức tranh ngân sách. Vì thế, hầu hết quần áo, giày dép, đồ chơi của các con tôi đều lựa chọn cách mua lại đồ cũ qua những nhóm bán hàng online hay những apps mua sắm nổi tiếng của Hong Kong như Carousell.
Các mặt hàng bán qua đây đều mới, chất lượng tốt nhưng giá chỉ bằng ¼ so với giá hiện tại, hoặc có nhiều người còn cho tặng miễn phí. Bỉm, sữa được mua tại các cửa hàng địa phương hoặc các vitamin, thuốc bổ được tôi đặt mua qua trang web Iherb của Anh với mức giá chỉ bằng 2/3 hoặc ½ so với giá bán tại thị trường Hong Kong.
Hong Kong vốn được coi là thiên đường mua sắm của châu Á với những trung tâm mua sắm khổng lồ tập trung tất cả các thương hiệu từ bình dân đến cao cấp. Vào những mùa giảm giá như mùa hè hoặc dịp Noel, năm mới, bạn có thể mua được những món hàng hiệu ưng ý với giá rất hời. Không những vậy, ở các trung tâm mua sắm lớn như Times Square, Sogo, City Outlet… luôn có những tầng bán hàng hiệu cao cấp giảm giá quanh năm. Vì thế, chỉ cần bạn có những chiến lược và kế hoạch mua sắm thông minh, bạn có thể tồn tại “dễ thở” ở thành phố được coi là đắt đỏ nhất thế giới này với mức thu nhập chỉ từ 15 triệu VND/1 tháng trở lên.
Ngoài ra, nếu muốn ăn uống tại nhà hàng với giá rẻ, bạn có thể sử dụng ứng dụng giảm giá như Openrice hay Eatigo, trong đó có những deal giảm tới 50% cho đến 70% vào những khung giờ đặc biệt trong ngày. Thậm chí các ứng dụng này còn tải lên hàng trăm hình ảnh món ăn và menu, giá tiền cho từng món để bạn lựa chọn trước khi đến nhà hàng.
Một số người bạn nước ngoài ở Hong Kong của tôi chọn thuê nhà tại những hòn đảo nhỏ tại Hong Kong hoặc những vùng ngoại ô vừa có căn hộ rộng rãi, không gian khoáng đạt, nhưng giá thuê chỉ bằng một nửa hoặc 1/3 so với giá nhà tại khu trung tâm. Điều này xuất phát từ thực tế Hong Kong có hệ thống giao thông phong phú, đa dạng, tiện lợi, hiệu quả nhưng chi phí lại hợp lý nhất thế giới. Bạn có thể lựa chọn đủ các loại hình từ xe điện, xe bus, tàu điện ngầm cho đến taxi, xe tự lái… Chỉ cần 30 phút là dễ dàng đi từ đảo nhỏ vào khu trung tâm mà hiếm khi gặp cảnh tắc đường. Chi phí giao thông ở Hong Kong rẻ bất ngờ khi bạn di chuyển từ đầu bán đảo đến cuối bán đảo chỉ với 2,6 đô la Hong Kong (7000 VND) bằng xe điện Tram.
Nhiều phụ nữ phương Tây chọn cách thay đổi lối sống theo kiểu “Asia Style” để thích nghi với sự đắt đỏ của xứ Cảng Thơm. Thay vì duy trì cuộc sống bơ, sữa, họ chuyển sang mua thực phẩm và nấu ăn theo kiểu châu Á với nguồn thực phẩm tươi mới, đa dạng, giá cả hợp lý bày bán ở các khu chợ dân sinh len lỏi trong khắp các ngõ ngách Hong Kong.
(Còn tiếp) - Kỳ 2: Những trải nghiệm 'tinh thần' miễn phí
Thu Phương(Từ Hong Kong)