Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại
Ngày 14 tháng 6 hàng năm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn làm Ngày Thế giới Tôn vinh những Người hiến máu. Đây là dịp để tôn vinh những người tình nguyện hiến máu, những người đã cho đi món quà quý giá nhất mà không đòi hỏi sự đền đáp. Nghĩa cử cao đẹp của các tình nguyện viên hiến máu đã mang lại sự sống cho nhiều bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.
Với toàn xã hội, những người hiến máu có thể chỉ là những người bình thường, nhưng với những người bệnh, họ thực sự là những anh hùng vì đã tặng món quà vô giá - máu và thời gian dành để đi hiến máu. Chính nhờ lượng máu hiến tặng này mà hàng năm, hàng triệu người trên thế giới được cứu sống.
Để tri ân và khuyến khích những người hiến máu tình nguyện, đặc biệt là những người hiến máu nhiều lần, từ năm 2004, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế, Hiệp hội Truyền máu Quốc tế và Hiệp hội Người hiến máu Thế giới đã chọn ngày 14 tháng 6 để tôn vinh những người hiến máu. Ngày 14 tháng 6 được chọn để tưởng nhớ Giáo sư Karl Landsteiner, người Áo, người đã phát minh ra nhóm máu ABO vào năm 1900 và đạt giải Nobel Y học. Phát minh này đã mang lại bước tiến quan trọng cho lịch sử truyền máu thế giới.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, cứ 10 bệnh nhân sẽ có một người cần truyền máu. Máu là sự sống của mỗi người, bất kể khỏe mạnh hay ốm yếu. Đối với người bệnh, từng đơn vị máu trở nên quý giá vì đó không chỉ là sự giúp đỡ và sẻ chia của cộng đồng, mà còn là nguồn sống, là cơ hội để hồi sinh và tiếp thêm hy vọng. Nhờ có máu mà nhịp đập trái tim, hơi thở và cuộc sống của người bệnh được duy trì.
Chị Đỗ Thị Hồng, đoàn viên chi đoàn trường mầm non Hoa Hồng, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã nhiều lần tham gia hiến máu tình nguyện. Chị Hồng chia sẻ: “Bản thân tôi đã hiến máu rất nhiều lần và thông qua các đợt hiến máu, tôi cảm nhận đây là một hoạt động ý nghĩa thiết thực. Thông qua đó, tôi muốn hoạt động tình nguyện sẽ được lan tỏa rộng rãi đến các bạn, không chỉ trong đoàn viên thanh niên mà trong toàn xã hội nói chung. Một giọt máu cho đi thì một cuộc đời sẽ ở lại”.
Lựa chọn hiến máu, mỗi người tình nguyện đã thực hiện một hành động anh hùng bởi họ đã cứu được một sự sống, hay còn nhiều hơn thế nữa. Nhiều người trong số họ thậm chí đã hiến máu hàng chục lần trong nhiều năm liền. Truyền máu và các chế phẩm máu giúp cứu được hàng triệu sinh mạng mỗi năm, kéo dài tuổi thọ của các bệnh nhân mắc bệnh nguy hiểm có thể tử vong và cải thiện chất lượng cuộc sống của họ. Ngoài ra, truyền máu và các chế phẩm máu còn được sử dụng trong các thủ tục y tế và phẫu thuật phức tạp, đóng vai trò quan trọng trong việc cứu giúp sức khỏe của bà mẹ và trẻ em cũng như trong các thảm họa tự nhiên và nhân tạo.
Ở nhiều nước, nhu cầu về máu đang vượt xa khả năng cung cấp, và truyền máu đang phải đối mặt với sự cần thiết phải tìm đủ máu, đồng thời bảo đảm chất lượng và an toàn. Những người hiến máu tự nguyện là nguồn máu an toàn nhất so với những người hiến máu vì lợi ích của các thành viên gia đình họ trong trường hợp khẩn cấp hoặc những người hiến máu được trả tiền. Chính vì vậy, điều quan trọng đối với mọi quốc gia là cần phát triển một hệ thống hiến máu tự nguyện và thường xuyên để đáp ứng nhu cầu về máu, vốn luôn đóng vai trò quan trọng. Điều cốt yếu là mỗi quốc gia có một nguồn dự trữ ổn định những người hiến máu sạch và sẵn sàng hiến thường xuyên.
Ngày Thế giới Tôn vinh những Người hiến máu năm nay nhằm cảm ơn những người hiến máu – những người đã cứu được nhiều sự sống mỗi ngày nhờ sự đóng góp của họ. Mục đích của ngày kỷ niệm này cũng là để khuyến khích nhiều người trên thế giới hiến máu tự nguyện và thường xuyên. Chiến dịch của Ngày Thế giới Tôn vinh Người hiến máu năm nay sẽ làm nổi bật các câu chuyện của những người mà cuộc sống của họ đã được cứu sống nhờ hiến máu. Từ đó, chiến dịch sẽ tạo động lực cho những người hiến máu thường xuyên để họ tiếp tục hiến máu và khuyến khích những người chưa từng hiến máu, đặc biệt là giới trẻ, bắt đầu thực hiện hành động có ý nghĩa lớn lao này.
Nguồn Công Lý: https://congly.vn/mot-giot-mau-cho-di-mot-cuoc-doi-o-lai-435403.html