Một góc nhìn về lịch Khao Đoi của người Mường

Theo truyền thuyết Sử thi Đẻ đất, đẻ nước, bà Nhần là nhân vật thần thoại sáng thế, sinh ra trời, đất, nước, trăng, sao, mây, mù và các loài sinh vật… Con người nhỏ bé và ít ỏi nhưng được hưởng không gian vô cùng rộng lớn. Khi có không gian rồi lại phải có thời gian. Nếu không, với thời gian vô biên không có điểm dừng, mọi hoạt động sẽ mất phương hướng, sẽ bị đảo lộn. Việc ý niệm, phân chia về thời gian là cả một vấn đề thuộc về nhận thức nên hết sức khó khăn. Phân chia thời gian không hợp lý sẽ không thuận lẽ tự nhiên. Mo Mường đã miêu tả như sau: 'Ka̭ dỉ chim pi̭p chuô hăi tắi te̒w/ Tew khew chuô hăi tắi dốn/ Kháng pốn kon chim kôông mă̒i nhă̭w/ Kái kẳw chuô hăi khwẳw hôông/ Chim kôông chuô hăi muố pe̒l, muố ma̭/ Ka kỏ chuô hăi oỏng dác khu̒ng kôô̒ng khương/ Chuô dêênh tinh dêênh mươ̒ng kon khang, kẻ khó' (Khi ấy bìm bịp chưa biết ngủ cành cao/ Chào mào chưa biết ngủ cành la/ Tháng tư con chim công đi dạo/ Chim cú chưa biết ngoáy lỗ, sửa lông/ Chim công chưa biết múa đuôi, múa cánh/ Gà rừng chưa biết uống sương đêm, sương mai/ Chưa nên bản, nên mường con sang, kẻ khó) (Mo Mường).

Ông trời tiếp tục nhiều lần cho các vị thần xuống trần gian phân chia ngày tháng năm nhưng vẫn chưa hoàn thiện. Cuối cùng: "Cho Za̭ Zi̭t thuổng chiê têm/ Cho Za̭ Zê̒m thuổng chiê ngă̒i/ Pă̭c pă̒i chiê năm bôn kháng/ Mô̭ch năm chiê la̒ mươ̒l hal khảng/ Hal khảng chung khấw mươl ngă̒i/ Chiê la̒ pí hơ ma̭ kó/ Năm thă̒i, năm do, khảng thiếw” (Cho Bà Dịt xuống chia đêm/ Cho Bà Dềm xuống chia ngày/ Đặt bày chia năm, chia tháng/ Một năm chia 12 tháng/ Hai tháng chung 60 ngày/ Chia như thế mới có/ Năm đủ, năm dư, tháng thiếu). Chia như thế mới thuận lẽ tự nhiên. Mọi sinh hoạt hoàn toàn đổi khác theo chiều hướng thuận lợi: "Chiê la̒ pí chim pi̭p ma̭ hăi tắi te̒w/ Tew khew ma̭ hăi tắi dốn/ Kháng pốn kon chim kôông mă̒i nhă̭w/ Kái kẳw ma̭ hăi khoẳw hôông/ Chim kôông ma̭ hăi muố pe̒l, muố ma̭/ Ka kỏ ma̭ hăi oỏng dác khu̒ng kôô̒ng khương/ Ma̭ dêênh tinh dêênh mươ̒ng kon khang, kẻ khó” (Chia như thế chim bìm bịp mới biết ngủ cành cao/ Chào mào mới biết ngủ cành la/ Tháng tư con chim công đi dạo/ Chim cú mới biết ngoáy lỗ, sửa lông/ Chim công mới biết múa đuôi, múa cánh/ Gà rừng mới biết uống sương đêm, sương mai/ Mới nên bản, nên mường con sang, kẻ khó) (Mo Mường).

Từ đây mọi sinh vật, con người đều tươi tỉnh và tràn đầy sức sống. Toàn bộ tri thức về thời gian của người Mường nói chung và người Mường Bi nói riêng thể hiện trong lịch khắc bằng thẻ tre, gọi là lịch Khao đoi. Lịch Khao đoi là dấu mốc quan trọng, là khung thời gian, là dấu ấn khắc ghi thời gian, là bộ chữ cổ xưa đơn sơ và duy nhất còn tìm thấy của người Mường. Trên hết, đây là bộ lịch ứng dụng thực tiễn, qua việc đúc kết những kinh nghiệm, những quy luật của tự nhiên, phục vụ trực tiếp cho đời sống con người.

Nhà nghiên cứu Bùi Huy Vọng đã có công trình nghiên cứu khá công phu về cách tính thời gian và lịch Khao đoi của người Mường ở Hòa Bình. PGS-TS Nguyễn Duy Thiệu cũng có công trình nghiên cứu lịch Khao đoi của người Mường ở Thanh Hóa. Bài viết này không có ý khảo sát lại nữa mà chỉ bổ sung thêm một góc nhìn về lịch Khao đoi, chủ yếu ở Mường Bi là mường sử dụng lịch này nhiều nhất. Có thể tóm tắt cách tính lịch của người Mường là theo chu kỳ của mặt trăng, gần giống với âm lịch. Nhưng lịch của người Mường khác với âm lịch là "ngày lui tháng tới”, riêng ở Mường Bi là lui 1 ngày và tới 3 tháng. Ví dụ, ngày 3 tháng 3 lịch Mường Bi là ngày 4 tháng 12 âm lịch. Một năm chia làm 12 tháng, mỗi tháng 10 ngày. 10 ngày đầu trăng khuyết gọi là kâl (cây). 10 ngày giữa trăng tròn gọi là lôô̒ng- tlôô̒ng (lồng). 10 ngày cuối không trăng gọi là cối hay cối chắt. Như ngày 30 âm lịch, cuối tháng gọi là 9 cối. Cứ thế thời gian tuần hoàn theo chu kỳ Mặt trăng.

Về tên lịch, có sự biến âm ở nhiều nơi nên cũng có nhiều cách hiểu và diễn đạt khá mông lung. Ở Mường Bi tên gọi là lịch Khao đoi. Đoi trong tiếng Mường là động từ, chỉ khi dùng động tác khá vắt vẻo trong không gian để bước qua, ví dụ đoi qua cầu, đoi qua nâ̭m na̒ (bờ ruộng), me̒w doi kwa dôống pái (mèo đi trên nóc mái gianh)…Khao đoi là một câu đơn, trong đó Khao là danh từ làm chủ ngữ, đoi là động từ làm vị ngữ. Nếu tách ra chỉ là cách gọi địa phương nhưng ý nghĩa của câu sẽ bị tách rời. Theo các Nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Khẩn, Bùi Văn Xiên ở xã Phong Phú và Nghệ nhân ưu tú Đinh Công Tỉnh ở xã Mỹ Hòa, huyện Tân Lạc, vào đêm mồng 4 lồng tháng Giêng lịch Mường Bi, tức đêm rằm 15 tháng 10 âm lịch, dàn sao đi qua Mặt trăng và tiếp tục đi vào theo hướng Đông - Tây. Ngày Khao đoi là ngày sao hội tinh trên bầu trời. Từng chùm sao nhấp nháy trên cầu vồng đầy sao. Đêm Khao đoi trăng sao vằng vặc không một gợn mây. Chắc chắn trước và sau đó 1 ngày không hề có mưa nên nhà nông chọn thời điểm đó để gieo mạ. Gieo mạ mà gặp mưa rào là hỏng ăn cả vụ. Gieo mạ ngày Khao đoi là kinh nghiệm từ nghìn năm đã được đúc kết của người Mường. Có lẽ từ việc này dẫn chúng ta tới một suy nghĩ: Phải chăng từ việc gieo mạ là việc số một của nhà nông là phải chọn ngày tốt, các công việc tương tự khác như: trồng cấy, làm nhà, cưới hỏi, săn muông, bắt cá, đi xa, chôn cất… người ta cũng đều đúc kết thành kinh nghiệm và đều chọn ra ngày giờ tốt theo tính đặc trưng của từng công việc đó, mới hy vọng có kết quả tốt, tránh được rủi ro. Tất cả được viết lại trong "cuốn sách” có tên chung là "lịch Khao đoi” để mở ra xem hàng ngày và truyền lại đời sau. Hay nói cách khác, lịch Khao đoi (Sao đi) là thẻ lịch ứng dụng cổ truyền của người Mường được khắc trên 12 thẻ tre, tượng trưng cho 12 tháng trong 1 năm, khắc ghi những may rủi của các công việc quan trọng để họ áp dụng thực hành trong đời sống.

Với lịch Khao đoi, không phải ai ở xứ Mường cũng có và cũng biết xem. Chỉ những người có nhiều kinh nghiệm, thường là các ông mo, thầy cúng mới có và biết xem. Hiện nay họ vẫn còn sử dụng vào các công việc như đã nêu trên. Còn những người không biết xem nhưng vẫn tôn trọng phong tục tập quán thì thường đến hỏi thầy. Cả Mường Bi hiện nay ước tính chỉ có trên dưới 20, 30 bộ, kể cả những bộ vừa mới chế tác. Lịch Khao đoi đã hoàn thành vai trò lịch sử của mình. Lịch khác ứng dụng hơn đã thay thế nó trong đời sống, khiến người ta phải quên nó. Nhưng xét về cội nguồn, lịch Khao đoi là nhận thức, là sáng tạo của người xưa, tồn tại cùng với người Mường, luôn mang lại những điều tốt đẹp cho họ suốt mấy nghìn năm qua. Vì vậy đây xứng đáng là sản phẩm cần được lưu giữ và vinh danh. Khao đoi là từ rất đẹp, rất sinh động và rất sáng trong tiếng Mường của chúng ta.

Bùi Văn Nợi

Xóm Tân Phú, xã Phong Phú (Tân Lạc)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/171379/mot-goc-nhin-ve-lich-khao-doi-cua-nguoi-muong.htm