Một hành tinh khác nhiều lần đẩy Trái Đất lệch quỹ đạo
Trái Đất đã nhiều lần bị đẩy đến gần Mặt Trời rồi trôi ngược trở lại, song song với sự xuất hiện của các xoáy nước khổng lồ và một 'kẻ giấu mặt'.
Theo Live Science, dựa trên các bằng chứng địa chất có từ hơn 65 triệu năm trước, được thu thập từ hàng trăm địa điểm trên thế giới, các nhà khoa học phát hiện ra cứ mỗi 2,4 triệu năm, Trái Đất lại trải qua "chu kỳ thiên văn lớn".
Chu kỳ thiên văn lớn được đánh dấu bằng các dòng chảy mạnh hơn - được gọi là "xoáy nước khổng lồ" - xuất hiện ở các đại dương, mạnh đến nỗi chạm tới đáy các vực thẳm.
Những xoáy nước mãnh liệt này sẽ làm xói mòn những mảng trầm tích lớn tích tụ trong thời kỳ yên tĩnh của chu kỳ.
Viết trên tạp chí khoa học Nature Communications, các tác giả chỉ đích danh thủ phạm: Sao Hỏa.
"Trường hấp dẫn của các hành tinh trong hệ Mặt Trời giao thoa với nhau và sự tương tác này - được gọi là sự cộng hưởng - làm thay đổi độ lệch tâm của hành tinh" - GS Dietmar Muller từ Đại học Sydney (Úc), đồng tác giả, cho biết.
Độ lệch tâm quyết định quỹ đạo của một thiên thể. Nếu một hành tinh quay quanh sao mẹ trên một đường tròn hoàn hảo, độ lệch tâm bằng 0.
Độ lệch tâm càng lớn trong khoảng giá trị từ 0-1, quỹ đạo càng trở thành hình elip thuôn dài. Với độ lệch tâm bằng 1, hình elip bị phá vỡ thành đường parabol và thiên thể đó sẽ bay mất khỏi hệ.
Do vậy, sự cộng hưởng trường hấp dẫn Sao Hỏa - Trái Đất đã khiến quỹ đạo của hai hành tinh bị biến đổi đôi chút sau 2,4 triệu năm, ngoài việc tạo ra các xoáy nước khốc liệt.
Một trong các tác động khác mà các tác giả ghi nhận được đó là việc Trái Đất bị Sao Hỏa đẩy lại gần mặt trời khi tương tác hấp dẫn đạt đỉnh.
Điều này giải thích cho sự biến đổi khí hậu theo chu kỳ của địa cầu. Khi Trái Đất ở gần Mặt Trời hơn thì môi trường sẽ nóng hơn, sau đó lại mát dần khi hành tinh trôi dần về vị trí cũ, trước khi bị đẩy lần nữa.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh hiện tượng nóng lên theo chu kỳ này không liên quan đến hiện tượng nóng lên do con người phát thải khí nhà kính. Đó không là lý do để chúng ta biện hộ.
Chu kỳ tương tác hấp dẫn này còn góp phần giúp các dòng hải lưu sâu được duy trì trong đại dương mỗi khi hiện tượng nóng lên toàn cầu làm ảnh hưởng đến chúng.
Nhìn chung, nghiên cứu mới cho thấy các hành tinh trong một hệ sao hoàn toàn có thể tác động sâu sắc đến nhau, từ quỹ đạo cho đến khí hậu và các hoạt động tự nhiên khác giúp hành tinh đó duy trì sự sống.