Một hành vi, hai quan điểm định tội
Trong không ít vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng có quan điểm trái chiều trong việc định tội Giết người hay Cố ý gây thương tích
Vừa qua, TAND TP HCM xử phạt bị cáo Hồng Văn Vũ (SN 1992) 8 năm tù về tội "Cố ý gây thương tích" trong khi VKSND cùng cấp truy tố bị cáo Vũ tội danh "Giết người". Sau khi bản án sơ thẩm có hiệu lực, cơ quan công tố đã kháng nghị.
Lý lẽ các bên
Vũ cãi nhau với người yêu cũ nên nảy sinh ý định giết người rồi tự tử. Vũ uống thuốc chuột rồi cầm dao đi gặp người yêu cũ, đâm vào bụng khiến nạn nhân bị thương tật 39%. Sau khi gây án, Vũ tri hô cho mọi người biết, đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Tại tòa, luật sư bào chữa giải thích hành vi của bị cáo là phạm tội chưa hoàn thành. "Bị cáo không hề muốn giết bị hại. Điều này thể hiện qua nhiều lời khai tại tòa và thực tế bị hại chưa tử vong. Như vậy, hành vi đâm người như trên thuộc trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội" - luật sư dẫn chứng.
Trái lại, đại diện VKSND TP đề nghị tòa án xử phạt bị cáo Vũ từ 9-10 năm tù về tội "Giết người" vì tình huống bị cáo dùng dao đâm bị hại là tội phạm đã hoàn thành. Bị cáo hoảng sợ nên mới dừng tấn công chứ không phải lo sợ bị hại mất mạng. Đây là trường hợp người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại tội phạm. Tuy nhiên, HĐXX đã chấp nhận quan điểm luật sư đưa ra.
Trước đó, cơ quan tiến hành tố tụng các cấp tiến hành rút kinh nghiệm vụ án Y Yô Han (ngụ tỉnh Đắk Lắk) phạm tội "Cố ý gây thương tích". Tháng 1-2019, Y Yô Han tham gia xô xát rồi cầm một thanh gỗ, lén lút đi vòng ra phía sau bị hại để ra tay. Vì cú đánh này, bị hại bị thương tích 30%. Cấp xét xử giám đốc thẩm đã hủy 2 bản án sơ thẩm lẫn phúc thẩm liên quan đến tội danh "Cố ý gây thương tích".
Tùy bản chất từng vụ việc
Đối với tình huống gây án của Hồng Văn Vũ, tòa sơ thẩm nhận thấy ban đầu bị cáo có ý định tước đoạt mạng sống người khác nhưng đã chủ động dừng lại sau khi đâm một nhát lên người bị hại. Thấy bị hại bị thương, bị cáo không tiếp tục gây tội ác (dù xung quanh không có ai ngăn cản) mà tri hô mọi người đến đưa đi cấp cứu. Điều này phù hợp với lời khai người làm chứng. "Hành vi như trên thuộc trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội theo điều 16, BLHS hiện hành. Theo đó, bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm là tội "Giết người" - thẩm phán Phạm Lương Toản, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm, phân tích. Đó là lý do chính khiến HĐXX sơ thẩm không đồng tình với lập luận đại diện VKSND cùng cấp nêu tại tòa.
Ở trường hợp đánh người mà Y Yô Han (ngụ tỉnh Đắk Lắk) thực hiện, cơ quan có thẩm quyền giám đốc thẩm đồng ý với quan điểm truy tố bị cáo tội "Giết người". Trước đó, tòa sơ thẩm xử phạt bị cáo Y Yô Han 1 năm 3 tháng tù giam về tội "Cố ý gây thương tích". Bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo. Tòa phúc thẩm bác kháng cáo, giữ nguyên mức án sơ thẩm. Cho rằng hành vi bị cáo gây ra đủ yếu tố cấu thành tội "Giết người", VKSND kháng nghị, đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy 2 bản án để điều tra lại đối với bị cáo về tội "Giết người".
Bản án giám đốc thẩm chấp nhận quan điểm kháng nghị cơ quan công tố đưa ra bởi bị cáo dùng hung khí nguy hiểm (cây gỗ chắc, cứng, có cạnh với kích thước tương đối lớn) đánh vào vùng đầu bị hại - vùng trọng yếu trên cơ thể con người. Bị cáo dùng 2 tay đánh một lực mạnh từ trên xuống, với vị trí đứng đánh từ phía sau lưng, bị hại không hay biết và không có khả năng chống đỡ. Vết thương do hành động đánh người như vậy hoàn toàn có thể dẫn đến hậu quả tử vong, nếu bị hại không đi cấp cứu kịp thời. Chưa kể, dù thấy bị hại gục xuống nhưng bị cáo không tham gia cứu chữa mà bỏ về. Hành vi như trên cấu thành tội "Giết người". Tòa sơ thẩm lẫn phúc thẩm xét xử bị cáo tội "Cố ý gây thương tích" là không đúng tội danh bị cáo đã thực hiện.
Đâm người khi cướp giật là tội "Giết người"
TAND TP HCM vừa xét xử và tuyên phạt bị cáo Trương Tấn Tài (SN 1992) 17 năm tù về 2 tội "Giết người", "Cướp giật tài sản"; Lê Quang Thái (SN 1996) 5 năm tù giam về tội "Cướp giật tài sản".
Tài, Thái cùng đồng bọn giật túi xách của người đi đường. Chồng nạn nhân nhanh tay ngăn cản liền bị Tài dùng dao bấm đâm liên tiếp lên người gây thương tích 63%. Tại tòa, Tài trần tình không lường trước hậu quả nghiêm trọng xảy ra với bị hại. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng hành vi dùng dao đâm liên tiếp lên người bị hại để chống trả hòng cướp giật tài sản đã cấu thành tội "Giết người".
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phap-luat/mot-hanh-vi-hai-quan-diem-dinh-toi-20200826202853629.htm