Một hành vi xả rác, ba nghị định cùng điều chỉnh

Một hành vi vi phạm hành chính nhưng được quy định ở nhiều nghị định khác nhau với những mức phạt khác nhau, gây lúng túng cho các cơ quan xử phạt.

Chiều 12-7, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tư pháp sáu tháng đầu năm 2019. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì tại điểm cầu trung ương, 63 điểm cầu các tỉnh, TP trực thuộc trung ương cùng tham dự.

Nghị định “giẫm chân” nghị định

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Huỳnh Văn Hạnh cho biết đầu năm 2019, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND TP.HCM ban hành kế hoạch thực hiện quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính (VPHC) trên địa bàn TP.

Thực hiện kế hoạch trên, nhiều sở, ngành, quận, huyện đã tổ chức thanh tra, kiểm tra tình hình VPHC trên địa bàn. Theo đó, sáu tháng đầu năm 2019 TP đã xử phạt VPHC hơn 43.000 vụ, chuyển truy cứu trách nhiệm hình sự 11 vụ. Có 7.444 đối tượng bị phạt là tổ chức, cá nhân bị phạt gần 40.000 người... Tổng số tiền phạt VPHC thu được là hơn 92 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, TP cũng gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý VPHC mà cụ thể là một số nội dung của Luật Xử lý VPHC chưa rõ, chưa có hướng dẫn thống nhất, chưa phù hợp thực tiễn, không khả thi... Có tình trạng một hành vi vi phạm nhưng được quy định ở nhiều nghị định khác nhau, mức phạt khác nhau gây lúng túng cho các cơ quan có thẩm quyền xử phạt.

Ví dụ: Hành vi xả rác nơi công cộng, theo điểm đ khoản 2 Điều 12 Nghị định 46/2016 của Chính phủ thì bị phạt tiền 300.000-400.000 đồng. Tại điểm d khoản 1 Điều 20 Nghị định 155/2016 thì hành vi này bị phạt tiền 5-7 triệu đồng. Trong khi đó, tại điểm c khoản 2 Điều 7 Nghị định 167/2013 thì hành vi này bị phạt tiền 1-2 triệu đồng.

Ông Hạnh dẫn chứng thêm: Hành vi đi vệ sinh không đúng nơi quy định bị phạt tiền 100.000-300.000 đồng theo điểm c khoản 1 Điều 7 Nghị định 167/2013. Tuy nhiên, cũng hành vi này tại điểm b khoản 1 Điều 20 Nghị định 155/2016 lại bị phạt 1-3 triệu đồng.

Thứ hai, có tình trạng quy định hành vi vi phạm nhưng thẩm quyền xử phạt không phù hợp thực tiễn quản lý và cũng chưa phù hợp các quy định pháp luật khác dẫn đến không phát huy hiệu quả trên thực tế.

Ví dụ: Hành vi gây rối trật tự tại phiên tòa được quy định tại điểm d khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013 nhưng nghị định này không quy định thẩm quyền xử phạt của các chức danh của tòa án như chủ tọa phiên tòa, chánh án... Trong khi đó, theo quy định của BLTTHS và Luật Xử lý VPHC thì các chức danh của tòa án như thẩm phán, chánh án, thẩm phán chủ tọa phiên tòa lại có quyền xử phạt.

Cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về xử lý VPHC cũng gặp một số khó khăn như biên chế, trang thiết bị phục vụ chưa đáp ứng được đầy đủ, hoạt động kiểm tra, thanh tra chưa được quan tâm thường xuyên...

Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Huỳnh Văn Hạnh phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Bộ Tư pháp chiều 12-7. Ảnh: KP

Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Huỳnh Văn Hạnh phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Bộ Tư pháp chiều 12-7. Ảnh: KP

Năm bất cập của Luật Xử lý VPHC

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cũng phân tích năm điểm bất cập của Luật Xử lý VPHC.

Một là do không tạm giữ được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, CMND, thẻ căn cước nên gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng, nhất là không xác định được các thông tin về đối tượng vi phạm...

Hai là thẩm quyền xử phạt của các chức danh như chủ tịch UBND cấp huyện, giám đốc CAND cấp tỉnh còn thấp, làm tăng khối lượng công việc cho chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Ba là thời hạn tạm giữ tang vật để xác định giá trị chỉ có tối đa 48 giờ, gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt trong trường hợp phải thành lập hội đồng định giá.

Bốn là quy định lĩnh vực mà cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt VPHC được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện VPHC của Luật Xử lý VPHC chưa phù hợp thực tiễn và chưa có hướng dẫn cụ thể cách thức xử phạt (đặc biệt là trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông). Từ đó dẫn đến số vụ việc xử phạt được thông qua phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ rất thấp so với số vụ việc phát hiện.

Ví dụ, theo Công an TP, năm 2018 phát hiện gần 60.000 trường hợp vi phạm giao thông qua camera, ban hành hơn 12.000 quyết định xử lý VPHC (chiếm tỉ lệ 20%), 80% còn lại người vi phạm không đến, không thừa nhận hành vi vi phạm nên không ban hành quyết định xử phạt.

Năm là các biện pháp cưỡng chế chưa phù hợp, chưa đầy đủ, không khả thi nên các cơ quan gặp nhiều khó khăn trong việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC.

Bộ Tư pháp sẽ kịp thời tháo gỡ

Từ các khó khăn trên, Sở Tư pháp TP.HCM kiến nghị Bộ Tư pháp quan tâm, giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Qua đó giúp các ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, đảm bảo công tác xử lý VPHC được áp dụng thống nhất, đồng bộ, đảm bảo hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Sở Tư pháp các tỉnh, thành khác như Hà Nội, Bến Tre, Hải Phòng, Nam Định... cũng nêu những khó khăn, bất cập trong công tác tư pháp khác như hộ tịch, lý lịch tư pháp, công chứng... Các địa phương đề xuất, kiến nghị Bộ Tư pháp gỡ vướng những vấn đề liên quan đến lĩnh vực này như thiếu nhân sự, cơ sở vật chất...

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị các sở tư pháp tập trung tính đến những việc đã làm được, chưa được trong thời gian qua và bám sát chương trình, kế hoạch đã đề ra để hoàn thành nhiệm vụ năm 2019. Bộ trưởng lưu ý chất lượng thẩm định hồ sơ văn bản, chất lượng tham mưu thẩm định văn bản của cán bộ tư pháp chưa cao nên cần chú ý làm đúng quy định, đúng pháp luật.

Theo bộ trưởng, ngành tư pháp còn nhiều vấn đề cần xử lý, cần cung cấp kịp thời thông tin giữa các cơ quan tư pháp với nhau để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ. Các địa phương cần thông tin cho bộ về những vướng mắc để bộ kịp thời tháo gỡ..., tiến tới hoàn thành nhiệm vụ năm 2019 và triển khai công tác năm 2020.

Tránh phát triển văn phòng công chứng tràn lan

Tại hội nghị, bà Đỗ Hoàng Yến, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, , đề cập đến lĩnh vực công chứng. Theo bà Yến, Điều 2 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019) bãi bỏ các quy định có liên quan đến quy hoạch phát triển tổ chức . Hiện nay, Bộ KH&ĐT đã có văn bản trình Chính phủ ban hành danh mục các quy hoạch hết hiệu lực, trong đó có quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng.

Bà Đỗ Hoàng Yến, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp, phát biểu tại hội nghị trực tuyến chiều 12-7. Ảnh: KP

Bà Đỗ Hoàng Yến, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp, phát biểu tại hội nghị trực tuyến chiều 12-7. Ảnh: KP

Bà Yến lưu ý về điều kiện, thủ tục thành lập văn phòng công chứng (VPCC). Bộ Tư pháp cho rằng việc thành lập VPCC phải tuân theo các tiêu chí do UBND cấp tỉnh ban hành và các quy định tại . Điều này nhằm đảm bảo thành lập VPCC uy tín, chất lượng vì hoạt động công chứng là dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm; việc công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch liên quan chặt chẽ đến quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, trật tự, an toàn xã hội.

Hiện nay, Bộ Tư pháp đang xây dựng chính sách phát triển nghề công chứng để trình Chính phủ xem xét, ban hành quy định pháp luật liên quan đến việc này. “Chúng ta không ngăn cản quyền tự do thành lập VPCC nhưng cần phải có đủ điều kiện thành lập, chính sách phát triển nghề công chứng một cách phù hợp với thực tiễn, tránh tùy tiện, tràn lan, kém chất lượng” - bà Yến khẳng định.

KIM PHỤNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/mot-hanh-vi-xa-rac-ba-nghi-dinh-cung-dieu-chinh-845731.html