Một học kì thực hiện chương trình Ngữ văn mới - đội ngũ giáo viên nói gì?
Hầu hết giáo viên đều đồng tình với quan điểm của thầy giáo Dương Khánh Toàn và nêu thêm nhiều ý kiến về việc dạy, học môn Ngữ văn 10 ở các nhà trường hiện nay (đã đăng tải trên Tạp chí Công dân và Khuyến học).
Bài viết "Một học kì thực hiện chương trình Ngữ văn mới - được và mất" được đăng tải trên Tạp chí Công dân và Khuyến học nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả.
https://congdankhuyenhoc.vn/mot-hoc-ki-...
Ngày 15/3, Tạp chí Công dân và Khuyến học đăng tải bài viết "Một học kì thực hiện chương trình Ngữ văn mới - được và mất" nêu quan điểm của thầy giáo Dương Khánh Toàn về thực trạng dạy và học môn Ngữ văn – Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bài viết nhận được nhiều sự quan tâm của giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh trên cả nước.
Bài viết này được chia sẻ trên một số diễn đàn của giáo viên dạy môn Ngữ văn và thầy cô đã để lại nhiều bình luận đóng góp có giá trị về thực tiễn dạy học môn học này. Hầu hết giáo viên đều đồng tình với quan điểm của thầy giáo Dương Khánh Toàn và nêu thêm nhiều ý kiến về việc dạy, học môn Ngữ văn 10 ở các nhà trường hiện nay.
Thi Ngữ văn có tác phẩm "mắt chưa từng ngó"
Giáo viên Nguyễn Thanh cho biết, với tác phẩm văn học, yêu cầu học sinh cảm thụ những giá trị nghệ thuật độc đáo, những giá trị tư tưởng sâu sắc, những giá trị nhân văn lay động lòng người, thế giới kì diệu của cái đẹp mà tác phẩm đem lại cho người đọc. Trong khi học sinh chỉ được trang bị một ít kiến thức về "nhân vật", "cốt truyện", "thể loại", "vần", "đối", "chủ thể trữ tình", biện "pháp tu từ"… là điều bất khả thi.
"Tất yếu phải đổi mới chương trình dạy vào học nhưng cả giáo viên và học sinh mất nhiều thời gian cho các hoạt động bề nổi thì cái cốt yếu cảm thụ lại không có thời gian, mà văn chương cần lắng đọng và đào sâu", cô giáo nêu băn khoăn môn Ngữ văn 10 có quá nhiều hoạt động, không đủ thời gian cho thầy trò khám phá cái hay của tác phẩm trong một tiết học.
Cùng quan điểm, giáo viên Trần Thu cho biết: "Học sinh học và tham gia các hoạt động quá nhiều mà một ngày chỉ 24 tiếng. Giá mà thêm 24 tiếng nữa cho một ngày nhỉ? Con tôi đang học lớp 6 cũng học môn Ngữ văn Chương trình mới mà đã thấy quá tải rồi: thuyết trình, thiết kế,… quá nhiều. Theo chương trình mới phụ huynh phải học cùng con đến 50%".
"Chương trình mới rèn luyện đồng thời cũng đòi hỏi học sinh kĩ năng phân tích chuyên sâu như học sinh giỏi văn, các bài viết tham khảo không thiết thực vì quá xa với khả năng của học sinh. Các vấn đề như "hoàn cảnh sáng tác", "phong cách tác giả" vốn được chú trọng thì giờ đây bị xem nhẹ.
Đã học cái gì sẽ không thi cái đó nữa, lúc thi sẽ đưa ra cho học sinh một văn bản "mắt chưa từng ngó", không có thêm thông tin gì về tác giả, tác phẩm, không biết các em có cảm nhận hết được giá trị của tác phẩm không? Đó là điều mà bản thân tôi thấy băn khoăn nhất sau gần một năm học chật vật với đổi mới", cô giáo Thu Hường thẳng thắn nói.
Chương trình mới khiến giáo viên mất "chất văn"?
Giáo viên Hoàng Kiều Vũ nhận thấy, thầy cô dạy văn mà mất đi cái "chất văn", cái hồn cốt của một tác phẩm văn học thì thật đáng tiếc. Cô Vũ là giáo viên đi dạy nhiều năm rồi mà vẫn còn nhớ những lời giảng thật "phiêu" của thầy cô tâm huyết, yêu nghề thời đi học, "nghe thấm lắm!" Bởi, chương trình mới học sinh phải hoạt động quá nhiều, còn giáo viên thì ít giảng bình.
Đồng cảm với giáo viên Hoàng Kiều Vũ, thầy Ngọc Long bày tỏ: Bài viết "Một học kì thực hiện chương trình Ngữ văn mới - được và mất" thật thấm nỗi lòng của người trong cuộc. Chất văn, nguồn cảm xúc để thầy trò cùng say sưa bay bổng từ những áng thơ văn nay còn đâu. Tự chán chính mình nếu cứ theo các bảng kiểm cùng câu hỏi cắt vụn tác phẩm".
Còn thầy Nguyễn Hiền, cô Diệu Hằng khẳng định: "Cái mất lớn nhất của môn Ngữ văn 10 Chương trình mới là mất tư duy ngôn ngữ vì dạy ngược quy trình học ngôn ngữ chung của nhân loại". "Tôi thấy giờ chỉ dạy cách tiếp cận văn bản theo đặc trưng thể loại thôi chứ mất dần cái chất văn rồi. Ngày xưa tôi say mê văn vì nghe cô giáo bình hay quá".
Ở một góc nhìn khác, cô Phan Thắm nhận định: "Bài viết trên Tạp chí Công dân và Khuyến học phản ánh đúng thực trạng dạy - học Ngữ văn hiện nay! Học sinh ở vùng sâu vùng xa, nông thôn trình độ nhận thức của các em còn hạn hẹp thì cảm thụ một tác phẩm mới tinh làm sao được! Bở hơi tai ạ! Vừa thương trò vừa lo rồi năm nữa thi cử số phận chúng nó sao đây!".
Nhìn nhận về chương trình Ngữ văn 10 sau gần một năm học, cô Võ Vy thấy mất hơn là được, nếu có thể cả nước chỉ một bộ sách! "Học như thế này cả thầy và trò rất mệt mỏi! Rồi sau thi sẽ như thế nào, học sinh học xong mà có những em không biết tác phẩm đó đã học hay chưa! Một số tác phẩm để đời như "Bình Ngô đại cáo" (Nguyễn Trãi) học sinh còn không nắm vững (là do cách thiết kế chương trình)!
Tôi thấy buồn", cô Vy nói thêm. Phải có cách cải thiện cả dạy và học Ngữ văn nếu không môn Ngữ văn không còn đóng vai trò là môn học xây đắp tâm hồn, tạo nên tính cách học trò như đã từng nữa!