Một hướng thoát nghèo
Xuất khẩu lao động là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm giải quyết việc làm, tăng nguồn thu nhập cho người lao động. Tại Tuyên Quang, chủ trương này đã được cụ thể hóa bằng nhiều giải pháp hiệu quả nhằm tăng cường đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Coi xuất khẩu lao động là một hướng đi quan trọng nhằm tăng thu nhập cho người lao động, giảm nghèo bền vững, đồng thời thông qua công tác xuất khẩu lao động sẽ giúp nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, giúp người lao động tích lũy được nguồn tiền và kinh nghiệm để trở về xây dựng, góp phần làm giàu cho quê hương nên tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch. Cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 317-KH/TU, ngày 16-3-2023 thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 12-12-2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới; UBND tỉnh triển khai Kế hoạch số 195/KH-UBND, ngày 9-11-2021 về đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025...
Các huyện, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện công tác đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng; công tác tuyên truyền phổ biến chính sách tới người lao động được đẩy mạnh. Toàn tỉnh đã tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm tại các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh; việc tạo nguồn và khai thác, mở rộng thị trường lao động; việc triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bước đầu đạt được kết quả nhất định...
Trường hợp anh Âu Đức Toàn, dân tộc Cao Lan, ở thôn Đá Trơn, xã Đông Thọ (Sơn Dương) đi làm việc ở Nhật Bản theo hợp đồng mỗi năm gửi về gia đình trên 200 triệu đồng. Từ đó giúp gia đình anh ở quê xây dựng được nhà khang trang. Anh Toàn cho biết, anh đang cố gắng làm việc để tích lũy, sau khi kết thúc hợp đồng lao động sẽ trở về quê đầu tư mô hình kinh doanh tổng hợp để nâng cao đời sống cho gia đình. Khi làm việc ở nước ngoài anh học hỏi được rất nhiều từ tác phong công nghiệp đến phương pháp làm việc mới tiên tiến, hiệu quả và sau này trở về sẽ áp dụng tại quê nhà.
Năm 2023, các chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phi lợi nhuận tiếp tục được đẩy mạnh trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu như: Chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS), Chương trình tuyển chọn thực tập sinh làm việc tại Nhật Bản (IM Japan); Chương trình tuyển điều dưỡng viên đi học tập và làm việc tại Nhật Bản, Chương trình tuyển điều dưỡng viên đi học tập và làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức...
Thực tế, trong thời gian qua, người lao động làm việc ở nước ngoài đã góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo bởi đã đem nguồn ngoại tệ lớn về xây dựng gia đình và làm giàu cho quê hương. Theo Ban Chỉ đạo thực hiện công tác đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2022 - 2025, lao động của tỉnh làm việc tại nước ngoài tập trung chủ yếu tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và một số nước châu Âu. Trong giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh đã đưa trên 2.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 81% kế hoạch), các lao động đã chuyển về nước trên 554 tỷ đồng. Công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các đơn vị liên quan đã phối hợp với các đơn vị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các doanh nghiệp tổ chức các hội nghị tuyên truyền, đánh giá công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tổ chức ngày hội việc làm tại các xã, thị trấn để giới thiệu, giải quyết việc làm, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của gia đình và người lao động về đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh kịp thời cung cấp thường xuyên, đầy đủ, chính xác và trực tiếp đến người lao động về chính sách hỗ trợ của tỉnh, về điều kiện, ngành nghề, mức lương đi làm việc ở nước ngoài đối với từng thị trường...
Các địa phương trong tỉnh cũng đang đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình, chính sách, kế hoạch về đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài; tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài. Đồng thời đẩy mạnh tư vấn cho lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, địa phương có nhiều hộ nghèo.
Đồng chí Lê Minh Hiếu, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến (Yên Sơn) cho biết, nhằm thay đổi nhận thức của Nhân dân và người lao động theo tinh thần “người thực, việc thực", xã đã phối hợp với các đơn vị và các doanh nghiệp uy tín để tổ chức hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm ngay tại xã. Đến nay trên địa bàn xã đã có trên 100 người lao động đang đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng với mức thu nhập bình quân đạt 25 đến 35 triệu đồng/người/tháng. Xã luôn xác định xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết việc làm, giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân, vì vậy ngoài đẩy mạnh tuyên truyền về hiệu quả xuất khẩu lao động thì địa phương luôn tạo điều kiện để người lao động tiếp cận nguồn vốn vay, hỗ trợ thủ tục, pháp lý trước khi xuất cảnh...
Hiện nay, Tuyên Quang đang quyết tâm thực hiện mục tiêu đưa 2.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo Kế hoạch đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Từ đó nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống của người lao động, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/mot-huong-thoat-ngheo-189435.html