Một kẻ phản trắc
Đúng ngày 3-2-2020, trong khi cả nước diễn ra các hoạt động tưng bừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam thì ông Nguyễn Đăng Quang, cựu đại tá an ninh nghỉ hưu - một thành viên trong cái gọi là 'nhóm nhân sĩ trí thức yêu nước' nhưng chuyên làm những chuyện trái khoáy đã đăng tải lên mạng xã hội bài viết với tiêu đề: Tôi đã khai trừ Đảng khỏi lòng tôi. Theo đó, ông ta tỏ vẻ vui mừng khi nhận quyết định của Quận ủy Cầu Giấy (Hà Nội) về việc xóa tên khỏi danh sách đảng viên do vi phạm quy định chuyển sinh hoạt đảng.
Thực ra, với những hoạt động chống phá của vị cựu đại tá an ninh này kể từ khi nghỉ hưu thì việc ông ta bị khai trừ Đảng chẳng làm ai ngạc nhiên. Chỉ có điều, sau những “bộc bạch” ra vẻ thật lòng ấy đã tố cáo bản chất lưu manh, tráo trở của một kẻ cơ hội đã chui sâu, luồn tương đối cao vào hàng ngũ của Đảng. Trong bài viết của mình, Nguyễn Đăng Quang ba hoa rằng, ông ta đã “thoát Đảng” sau khi nghỉ hưu bằng việc giấu nhẹm hồ sơ chuyển sinh hoạt đảng từ cơ quan về địa phương. Ông ta còn thừa nhận đã “âm thầm khai trừ Đảng trong lòng” từ khi còn là cán bộ công an, vào thời điểm Liên Xô sụp đổ thì lý tưởng của ông ta đã tắt rồi.
Trước hết, xin nói về việc ông Quang đã “âm thầm khai trừ Đảng trong lòng”. Tuyên bố như vậy mà suốt từ năm 2003 đến nay, ông ta vẫn nhân danh đảng viên 45 năm tuổi Đảng để “đóng góp ý kiến với Đảng”. Mà không phải đóng góp chân thành, ông ta còn kết bè cùng những kẻ đổi màu, quay lưng với Đảng như Tương Lai, Chu Hảo, Nguyên Ngọc... thành lập cái gọi là nhóm nhân sĩ trí thức yêu nước để “kiến nghị xóa bỏ Điều 4 trong Hiến pháp”, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng. Ông ta cũng nhân danh đảng viên nhiều tuổi đảng để đòi hỏi quyền lợi cho bản thân, gia đình; thậm chí dùng 45 năm tuổi Đảng để xúi giục và “bảo lãnh” cho những người đi khiếu kiện chính quyền - cho dù suốt từ năm 2003 đến nay, ông ta không đóng đảng phí, không sinh hoạt đảng, đồng nghĩa không còn tư cách đảng viên. Giả sử Quận ủy Cầu Giấy vẫn chưa phát hiện sự việc, hẳn ông ta vẫn tiếp tục đội lốt “đảng viên 45 năm tuổi Đảng” để “kiến nghị, đóng góp với Đảng” giống như “Thư ngỏ 61” mà ông ta là một trong những thành viên tích cực nhất thực hiện.
Không chỉ tự khoác cho mình vỏ bọc đảng viên, tự cộng tuổi đảng để suy tôn mình, lừa lọc cộng đồng mạng nhằm tăng uy tín, ảnh hưởng cho các phát ngôn chống Đảng, ông ta luôn mượn tư cách đó để ăn vạ mỗi khi bị công an, chính quyền địa phương gọi hỏi, nhắc nhở. Thậm chí, ông ta còn lấy tư cách đại tá an ninh, 45 năm tuổi Đảng để lôi kéo những kẻ bất mãn, a dua theo mình chống lại Đảng, chống chính quyền. Nhiều năm qua, “nhóm nhân sĩ trí thức yêu nước” này đã nhiều lần phát động chiến dịch “từ Đảng” mỗi khi một kẻ trong số đó bị khai trừ Đảng. Và lần nào cũng thế, các “nhân sĩ, trí thức” ngược dòng này đều nhắm đúng Ngày thành lập Đảng để khoe khoang việc bỏ Đảng, mà thực chất là tất cả trong số họ đều bị khai trừ, xóa tên đảng viên vì vi phạm những điều đảng viên không được làm, vi phạm pháp luật.
Trong 10 lý do “thoái Đảng”, Nguyễn Đăng Quang nhấn mạnh: “Suốt 30 năm qua, tưởng rằng tham nhũng sẽ sớm toi đời, nhưng chẳng hiểu sao tệ nạn này lại vẫn còn tồn tại... Nhiều đảng viên tha hóa, biến chất và suy thoái toàn diện... Việt Nam rồi sẽ khó tránh khỏi số phận như các ĐCS ở các nước XHCN Đông Âu và Liên Xô trước đây...”.
Qua những phát ngôn, nhận định hồ đồ của vị cựu đại tá an ninh, có thể thấy rõ nhận thức chính trị - xã hội của ông ta là hết sức “gà mờ”, không tương xứng với vị trí công tác, ăn theo luận điệu của những kẻ phản động với lập luận rất khó thuyết phục. Nguyễn Đăng Quang cũng là điển hình của chủ nghĩa cơ hội. Dù không thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, nhưng suốt nhiều năm trong màu áo một sĩ quan an ninh, ông ta vẫn nín thinh để được thăng tiến, hưởng lợi. Chỉ đến khi nghỉ hưu, không còn chịu ảnh hưởng nhiều từ vị trí công tác, ông ta mới “bày tỏ chính kiến” và tỏ thái độ quay lưng với Đảng. Đáng tiếc là cơ quan quản lý trực tiếp của ông ta đã không nhìn rõ chân tướng của một kẻ cơ hội, hữu khuynh. Đáng tiếc hơn nữa là suốt nhiều năm ông ta không sinh hoạt đảng nhưng cấp ủy địa phương cũng không phát hiện, để ông ta lợi dụng danh nghĩa đảng viên làm những việc nhem nhuốc, phương hại lợi ích quốc gia, dân tộc.
Ở đời, những kẻ tiểu nhân không bao giờ có bạn bè chân chính. Họ kết bạn chỉ là tạm thời, tình cảm chỉ là giả tạo. Đối với họ, lợi ích bản thân cao hơn tất cả nên cũng không có lý tưởng cao siêu hay ý thức cộng đồng gì. Chỉ cần lợi ích cá nhân bị đụng chạm thì bạn lập tức trở thành thù và lý tưởng cũng chẳng có ý nghĩa gì, như cách lý giải của Nguyễn Đăng Quang trong việc “từ Đảng”. Dù gì thì việc Quận ủy Cầu Giấy ra quyết định khai trừ ông ta khỏi Đảng - cho dù quá muộn và chỉ mang tính hình thức, nhưng cũng đã gỡ bỏ cái mặt nạ nhem nhuốc mà ông ta cố đeo vào để làm những việc sai trái, làm hoen ố hình ảnh người đảng viên.
Tự rêu rao “từ Đảng”, nhưng ông ta cũng như những kẻ đồng hành chỉ là những đảng viên thoái hóa, phản trắc bị Đảng đào thải mà thôi!
Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/mot-ke-phan-trac-173015