Một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể giàu giá trị
Văn hóa, như các nhà nghiên cứu đã khẳng định, là một tập hợp hữu cơ của một hệ thống các thành tố, gồm phong tục, tập quán, lối sống, lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo, các loại hình sân khấu truyền thống, ngôn ngữ, văn chương, nhiếp ảnh, điện ảnh, nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật âm thanh, nghệ thuật tạo hình, nghề thủ công, kiến trúc...
Điệu múa truyền thống của người Dao.
Rộng hơn, văn hóa còn là sự kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất trong quan hệ giữa con người với con người, con người với tự nhiên, con người với xã hội. Tất cả các yếu tố ấy đã tích lũy nên những “tầng”, “vỉa” văn hóa lấp lánh, khảm trong trái tim, tâm hồn để làm nên diện mạo, cốt cách con người được sinh ra, được tắm gội và lớn lên từ dòng sông văn hóa.
Lễ hội là hình thức sinh hoạt cộng đồng, thể hiện lòng thành kính, tri ân đối với những người có công với làng, với nước; đồng thời, là phương diện phản ánh ý thức cộng đồng, cùng khát vọng về cuộc sống ấm no, yên bình. Với người Thái huyện Quan Sơn, quan niệm về nhân sinh, về thế giới và mong muốn về cuộc sống tốt đẹp được phản ánh trong các lễ hội dân gian, lễ hội văn hóa – lịch sử lâu đời. Điển hình là lễ hội Mường Xia – một trong những sinh hoạt văn hóa có sức sống lâu bền và ảnh hưởng rộng khắp trên địa bàn. Lễ hội là cách thức con người nơi đây thể hiện lòng thành kính, tri ân tướng quân Tư Mã Hai Đào, người có công gìn giữ biên cương và mang lại cuộc sống ấm no, phồn thịnh cho vùng đất. Lễ hội được tổ chức vào giữa tháng 3 âm lịch hằng năm; trong đó, lễ nghi quan trọng nhất, được người dân thực hiện bằng tất cả sự nghiêm cẩn, thành kính là tắm và rước hòn Đá Vía về đền thờ tướng quân Tư Mã Hai Đào. Ngoài ra, lễ hội còn là dịp để người dân tụ hội và tham gia các trò chơi, trò diễn truyền thống vô cùng náo nhiệt.
Khi nghiên cứu về lịch sử và văn hóa vùng đất, có người đã phải cảm thán: xứ Thanh là nơi lắng hồn núi sông, lắng hồn dân tộc! Nơi đây, xuyên suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, kể từ Núi Đọ đến thời đại Hồ Chí Minh, xứ sở này đã ghi dấu ấn sâu đậm trong kho tàng lịch sử - văn hóa dân tộc. Cũng hiếm có nơi nào như xứ sở này mà mỗi tên đất, tên làng đều gắn liền với lịch sử hình thành nên vùng đất và chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc trong các thần tích, truyền thuyết, huyền thoại, ca dao, tục ngữ, trong phong tục, tập quán, lễ nghi, lễ hội, tín ngưỡng... Có thể nói, kho tàng di sản văn hóa phi vật thể giàu giá trị đã giúp các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa “vén lên bức màn huyền ảo của tôn giáo và tín ngưỡng dân gian, để dần hiện ra hiện thực lịch sử và tầm vóc kỳ vĩ của những người anh hùng có tên và không tên, chính họ đã làm nên và tô đẹp cho truyền thống dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc trên đất xứ Thanh” (TS Hoàng Minh Tường).
Nếu nói văn hóa dân gian là một “thực thể sống”, gắn liền với môi trường sinh hoạt văn hóa của một cộng đồng, thì Thanh Hóa có thể xem là bảo tàng “thực thể sống”, với một pho ngữ văn dân gian, nghệ thuật dân gian, tri thức dân gian và các tín ngưỡng, phong tục, lễ hội riêng, độc đáo, khác biệt. Theo thống kê của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, Thanh Hóa hiện có trên 400 lễ hội, tập quán xã hội được phân bố ở khắp các vùng, miền trong tỉnh. Còn nhiều nhà nghiên cứu còn cho rằng, xứ Thanh vốn đã nằm trong không gian văn hóa Việt cổ, lại là nơi ghi đậm dấu tích nền văn hóa Đông Sơn – một khởi nguồn của văn hóa Đại Việt, văn hóa Việt Nam hiện nay. Không gian văn hóa Đông Sơn bao trùm lên vùng văn hóa Bắc bộ và theo tiến trình lịch sử cùng bước chân đoàn quân Nam tiến mà lan truyền và in dấu trên dải đất miền Trung. Đồng thời, đây cũng là điểm khởi đầu và điểm giao thoa giữa cái tinh tế với cái mộc mạc và sự tinh tế của hai vùng văn hóa. Chẳng hạn, sự ra đời và tồn tại của các loại hình nghệ thuật truyền thống tuồng, chèo, cải lương, kịch nói có thể xem là một minh chứng sống động về sự giao thoa và chuyển tiếp của 2 vùng văn hóa Bắc bộ và Trung bộ tại Thanh Hóa.
Từ môi trường sinh thái nhân văn với các thiết chế xã hội, gia đình, dòng họ, cộng đồng đến các hoạt động kinh tế truyền thống là cơ sở cho sự kết tinh qua thời gian các giá trị văn hóa vật chất ẩm thực, kiến trúc nhà ở, y phục, trang sức... ghi đậm dấu ấn tư duy, lối ứng xử của con người trong mối quan hệ với môi trường tự nhiên và xã hội. Bên cạnh đó là những giá trị văn hóa tinh thần lấp lánh triết lý sống giàu tính nhân văn, thể hiện qua các tập tục, lễ nghi, lễ hội... Bởi vậy, cùng với di sản văn hóa vật thể, kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đã góp phần tạo nên cái phần cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời, tạo nên “bộ gen” văn hóa quý, có khả năng biểu trưng một cách thuyết phục cho sự ra đời, tồn tại và phát triển của những tộc người trên dải đất này trong suốt trường kỳ lịch sử. Đó cũng ví như những “bằng chứng” vật chất - tinh thần, giúp hậu thế hiểu rõ cội nguồn, truyền thống lịch sử, đặc trưng văn hóa của dân tộc mình.
Xuất phát từ ý nghĩa đó, nên việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị các di sản không chỉ là bảo vệ các giá trị kinh tế - vật chất to lớn, mà còn là bảo vệ những giá trị tinh thần hết sức ý nghĩa. Những năm trở lại đây, cùng với kinh tế - xã hội, văn hóa cũng là lĩnh vực luôn nhận được sự quan tâm. Điều này thể hiện qua nhiều chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ được Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành, nhằm biến văn hóa thành “nguồn lực mềm” cho phát triển. Điển hình như kết luận về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh, giai đoạn 2017–2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án “Nghiên cứu phục dựng và phát huy giá trị các lễ hội tiêu biểu và các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, phục vụ phát triển du lịch”; ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 06-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác xây dựng đời sống văn hóa, cơ sở...
Khoảng 10 năm trở lại đây, cùng với việc triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”, nhiều loại hình văn hóa – văn nghệ, trò chơi, trò diễn dân gian, đã nhận được sự quan tâm đầu tư cho công tác phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị. Điển hình là việc xây dựng các đề án bảo tồn, phục dựng một số lễ hội, trò diễn dân gian của các dân tộc thiểu số, như: lễ hội Sớ Pha của người Thái huyện Thường Xuân; lễ hội Pồn Poông của người Mường huyện Lang Chánh; tết Nhảy của người Dao huyện Ngọc Lặc; khua luống của người Thái huyện Quan Sơn; séc bùa của người Mường huyện Cẩm Thủy; múa Cá sa dân tộc Thái và các làn điệu dân ca, dân vũ dân tộc Mường huyện Bá Thước... Song song với đó, một số địa phương cũng mở các lớp truyền dạy, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về công tác bảo tồn văn hóa cho đội ngũ làm công tác quản lý văn hóa và cộng đồng dân cư. Điển hình là các lớp truyền dạy trò Chiềng huyện Yên Định, trò diễn Xuân Phả huyện Thọ Xuân, múa đèn Đông Anh huyện Đông Sơn, hò Sông Mã huyện Hà Trung, ca trù TP Thanh Hóa, chèo huyện Hoằng Hóa, tuồng huyện Vĩnh Lộc, cồng chiêng huyện Cẩm Thủy...
Có thể nói, việc chú trọng thỏa đáng cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nói chung, trong đó có các loại hình văn hóa văn nghệ, trò chơi, trò diễn dân gian, đã góp phần làm phong phú đời sống văn hóa – tinh thần của Nhân dân. Đồng thời, từng bước tạo dựng được môi trường văn hóa lành mạnh cho phát triển bền vững, cũng như góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.