Một kỷ nguyên mới của ngành hàng không vũ trụ Mỹ chính thức bắt đầu
Lần đầu tiên trong vòng 9 năm, các phi hành gia của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã được đưa lên quỹ đạo trái đất từ lãnh thổ Mỹ.
Đây cũng là lần đầu tiên các phi hành gia Mỹ thực hiện chuyến bay vào quỹ đạo trên chiếc tàu vũ trụ do một công ty tư nhân chế tạo. Chuyến bay này đã chính thức mở ra một chương mới trong lịch sử hàng không vũ trụ Mỹ.
Tiếng đếm ngược và reo hò
Đúng 2 giờ 22 phút sáng 31/5 (theo giờ Hà Nội) tên lửa đẩy Falcon 9 đã đưa tàu vũ trụ Crew Dragon chở theo hai phi hành gia kỳ cựu Bob Behnken và Doug Hurley rời khỏi bệ phóng tại Sân bay vũ trụ quốc tế Kennedy ở bang Florida.
Tổng thống Donald Trump, Phó Tổng thống Mike Pence và phu nhân, một số bộ trưởng trong nội các và nghị sỹ đảng Cộng hòa đã có mặt tại vị trí quan sát để chứng kiến thời khắc lịch sử bởi đây là lần đầu tiên các phi hành gia bay vào quỹ đạo trên con tàu vũ trụ do Mỹ chế tạo và từ lãnh thổ Mỹ. Tất cả các quan chức và số lượng hạn chế người tham quan đã cùng vỡ òa cảm xúc khi con tàu vũ trụ Crew Dragon rời khỏi bệ phóng thành công.
Phát biểu với các phóng viên không lâu sau vụ phóng, Phó Tổng thống Mike Pence bày tỏ:“Đây là lần đầu tiên trong lịch sử các phi hành gia của chúng ta bay lên quỹ đạo trên một tàu vũ trụ thương mại và do một công ty tư nhân của Mỹ chế tạo. Hãy cùng tôi vinh danh Elon Musk cùng các nam nữ chuyên gia ngành hàng không vũ trụ của chúng ta. Công việc đã được thực hiện hoàn hảo.”
Sau khi kết thúc chương trình tàu con thoi vào năm 2011, NASA dựa hoàn toàn vào Nga để đưa các phi hành gia lên Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS) với chi phí từ 70-80 triệu đô la cho mỗi ghế.
Năm 2014, NASA đã trao hợp đồng trị giá nhiều tỉ đô la cho Công ty SpaceX của tỉ phú công nghệ Elon Musk và hãng Boeing để phát triển tàu vũ trụ đưa các phi hành gia Mỹ lên trạm vũ trụ quốc tế. Chuyến bay vào quỹ đạo vừa diễn ra của hai phi hành gia Mỹ cũng đánh dấu sự thành công của mối quan hệ hợp tác công tư giữa NASA và SpaceX./.