Một kỳ sea Games trọn vẹn nhưng còn nhiều việc phải làm

Đại hội Thể thao khu vực Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) đã kết thúc tối 23-5 với ngôi vị Nhất toàn đoàn giành cho nước chủ nhà. Chúng ta đã đoạt tới 446 huy chương, trong đó có 205 HCV, 125 HCB và 116 HCĐ. So với kỳ SEA Games 22 (2003) thì Đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) vượt tới gần 50 HCV.

Một kỳ SEA Games trọn vẹn...

Thành tích Nhất toàn đoàn tại SEA Games 31 không có gì quá bất ngờ bởi từ SEA Games 22 (2003) đến nay, chúng ta luôn giữ vị trí Top 3 toàn đoàn trong 10 kỳ SEA Games liên tiếp. Thậm chí, kỳ SEA Games gần đây nhất (SEA Games 30 năm 2019), chúng ta đã vươn lên hạng 2 chung cuộc. Không có gì quá bất ngờ nhưng rõ ràng, thành tích của Đoàn TTVN cho thấy những cố gắng của nước chủ nhà, sự tiến bộ của hầu hết các vận động viên. Đoàn Việt Nam đã thiết lập 7 kỷ lục đại hội mới ở các môn điền kinh (2 kỷ lục), bơi (4 kỷ lục) và cử tạ (1 kỷ lục).

Đặc biệt, ở môn bóng đá, đội U23 nam và đội tuyển quốc gia nữ đã bảo vệ thành công ngôi vô địch, giúp thành công của kỳ SEA Games này thêm trọn vẹn. Với chiến thắng 1-0 trước U23 Thái Lan trên sân vận động Mỹ Đình tối 22-5, thầy trò ông Park Hang-Seo đã chứng tỏ: Thành tích mà họ đạt được tại SEA Games 19 không phải may mắn và họ đủ sức bảo vệ thành quả của mình. Với đội tuyển bóng đá nữ quốc gia, thầy trò ông Mai Đức Chung đã có lần thứ 2 lập “hattrick HCV”, tức lần thứ hai đoạt 3 HCV liên tiếp tại các kỳ SEA Games. Đáng nói hơn, nếu các năm 2001 - 2003 - 2005, chúng ta đoạt HCV mới chỉ cân bằng thành tích trong môn bóng đá nữ cùng người Thái thì ở SEA Games này, cùng với HCV các năm 2017- 2019, chúng ta đã chính thức vượt họ khi có 7 lần đăng quang ở sân chơi khu vực (SEA Games các năm 2001, 2003, 2005, 2009, 2017, 2019, 2021), trong khi người Thái mới 5 lần đoạt ngôi vị quán quân (SEA Games các năm 1985, 1995, 1997, 2007, 2013)...

Giành ngôi Nhất toàn đoàn cùng 2 HCV bóng đá thì đúng là không còn cái kết nào ngọt ngào hơn. Đừng quên tại SEA Games 22 năm 2003, Đoàn TTVN cũng giành ngôi vị này, nhưng ở môn bóng đá nam, đội U23 Việt Nam với những Phạm Văn Quyến, Lê Quốc Vượng, Phan Thanh Bình, Lê Công Vinh... đã thua U23 Thái Lan của Datsakorn, Sarayuth, Piyawat, Pichitphong, Rungroj... trong trận chung kết. Tại vòng đấu bảng năm đó, Việt Nam chung nhóm với Indonesia, Lào và chính người Thái (bảng A). Chúng ta đã hòa 1-1 Thái Lan (Văn Quyến ghi bàn cho Việt Nam- phút 55, Datsakorn ghi bàn cho Thái Lan - phút 81) trước khi tái đấu và thất bại trong trận tranh HCV.

...nhưng còn nhiều việc phải làm

Chúng ta có quyền tự hào về một kỳ SEA Games thành công hơn cả trông đợi khi Đoàn TTVN dẫn đầu, bỏ xa đoàn xếp thứ 2 là Thái Lan tới 113 HCV. Song nhìn nhận một cách công bằng và khách quan thì chúng ta chỉ nên coi thành công ở sân chơi này như một bước đệm, sự tập dượt, chuẩn bị để bước ra những sân chơi lớn hơn, khó hơn như ASIAD và nhất là Olympic. Bởi khoảng cách giữa các sân chơi từ SEA Games tới ASIAD, Olympic là khá lớn; một nền thể thao chỉ thực sự “lớn” khi được ghi danh ở các sân chơi châu lục cũng như toàn cầu.

Hãy xem, ngay cả 7 kỷ lục SEA Games mới ở các môn: điền kinh, bơi và cử tạ, vẫn chưa thể cạnh tranh với những tấm HCĐ của các nội dung thi đấu tương ứng ở sân chơi châu lục. Chẳng phải thành tích phá kỷ lục SEA Games ở nội dung bơi 400m tự do của kình ngư Nguyễn Huy Hoàng với 3 phút 48 giây 06 vẫn thấp hơn thành tích 3 phút 47 giây 20 của kình ngư Hagino Kosuke (Nhật Bản) từng giành HCĐ tại ASIAD 2018 sao? Cái khoảng cách chưa đầy 1 giây kia muốn san lấp lắm khi phải đánh đổi bằng rất nhiều năm tháng luyện tập miệt mài trên đường đua xanh. Mà nào đã hết, kỷ lục SEA Games ở nội dung ném lao nữ của Lò Thị Hoàng được ghi nhận là 55m97 cũng kém thành tích giành HCĐ ASIAD 18 tới gần 1m (56m74).

Nếu muốn cạnh tranh ở sân chơi Olympic, có lẽ chúng ta phải cần hơn một thế hệ VĐV nữa. Cũng cần phải nói thêm, các đoàn thể thao: Thái Lan, Indonesia, Singapore, Philippines... tuy nhất thời kém cạnh ở sân chơi thể thao khu vực nhưng ở sân chơi Olympic, từ lâu họ đã có thành tích tốt hơn chúng ta ở các môn cơ bản: Thái Lan từng đoạt HCV môn Taekwondo; Indonesia từng đoạt HCV cầu lông; Singapore từng đoạt HCV bơi lội; Philippines từng đoạt HCV cử tạ... Ngay tại Olympic Tokyo 2020, trong khi chúng ta không giành được huy chương nào thì Philippines đoạt 1 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ; Indonesia đoạt 1 HCV, 1 HCB, 3 HCĐ; Thái Lan đoạt 1 HCV, 1 HCĐ; Malaysia đoạt 1 HCB, 1 HCĐ...

“Có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ”, không ai không vui mừng trước thành tích của Đoàn TTVN tại SEA Games 31 nhưng từ khu vực bước ra châu lục và thế giới thì còn nhiều việc phải làm, vì quy mô, đẳng cấp của mỗi sân chơi mỗi khác. “Ngày mai bắt đầu từ hôm nay”, hy vọng thành tích mà các đội tuyển hay các cá nhân VĐV đạt được sẽ là bước đệm, sự động viên cần thiết và những người có trách nhiệm với nền thể thao nước nhà sớm có bước đi, chiến lược thích hợp để từ vị trí dẫn đầu khu vực, thể thao Việt Nam có thành tích tương ứng với vị trí của mình ở sân chơi châu lục cũng như Olympic!

THANH HÀ

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/the-thao/mot-ky-sea-games-tron-ven-nhung-con-nhieu-viec-phai-lam/24013.htm