Một kỳ thi khó quên

Sau bao mệt mỏi, thấp thỏm chờ đợi một kỳ thi bị lùi tới 2 lần, cuối cùng cả thí sinh, phụ huynh và Ban Chỉ đạo quốc gia Thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2020 đều đã thở phào nhẹ nhõm khi môn thi cuối cùng của kỳ thi đã kết thúc tốt đẹp.

Vừa thi vừa chống dịch

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, việc tổ chức một kỳ thi với sự tham dự của gần 900.000 thí sinh, với hơn 2.000 điểm thi khắp cả nước là vấn đề chắc chắn đã được đặt lên “bàn cân” nhiều lần.

Chạy đua với thời gian, toàn bộ 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) thi cấp tỉnh, với đầy đủ các thành phần tham gia vào công tác tổ chức thi: Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở Giao thông, Đoàn Thanh niên, Sở Điện lực, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính... với những phân công rất cụ thể.

 Các điểm thi tuân thủ nghiêm quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Các điểm thi tuân thủ nghiêm quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Lần đầu tiên trong lịch sử các kỳ thi, tất cả thí sinh và cán bộ tham gia công tác thi đều phải khai báo y tế, rà soát các biểu hiện bất thường về sức khỏe trước khi tham gia kỳ thi. Đối với các thí sinh đi về từ vùng dịch được các điểm thi sắp xếp ngồi thi riêng tại phòng thi dự phòng, sau khi kết thúc kỳ thi tiếp tục được theo dõi sức khỏe, hoặc cho xét nghiệm... Các điểm thi đều được phun khử khuẩn trước và sau mỗi buổi thi; đều được trang bị máy đo thân nhiệt, dung dịch sát khuẩn và có đủ nước sạch, xà phòng, 100% từ cán bộ đến thí sinh đều phải đeo khẩu trang và sẵn sàng chuẩn bị ứng phó với trường hợp bất thường nếu có thí sinh có hiện tượng ho, sốt nghi nhiễm virus SARS-CoV-2.

Có thể thấy tinh thần phòng, chống dịch được đặt lên mức cao nhất, nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho thí sinh, phụ huynh và giáo viên làm nhiệm vụ thi, khiến không chỉ thí sinh, cán bộ tham gia công tác thi, mà cả xã hội đều thấy đây thực sự là một kỳ thi đặc biệt. Có lẽ sẽ là kỳ thi khó quên theo cách cảm nhận của mỗi người.

Chia sẻ về kỷ niệm đặc biệt này, thí sinh Hà Linh, học sinh Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) nhìn nhận, đây là kỳ thi mang dấu mốc lịch sử, chưa có năm nào như năm nay. Bởi trước kỳ thi việc học bị gián đoạn, khiến hình thức học bỗng chốc thay đổi và tất cả phải thích nghi một cách nhanh chóng. Thí sinh vừa ôn thi vừa thấp thỏm không biết có được thi hay không. Rồi đến lúc thi cũng rất căng thẳng đối phó với dịch bệnh, thời tiết và phải liên tục đeo khẩu trang, sát khuẩn trước khi làm bài thi. Đặc biệt, số lượng tình nguyện viên, nhân viên y tế, công an được bố trí nhiều hơn.

Còn phụ huynh Thu Minh, có con thi tại điểm thi trường THCS Phú Diễn, Hà Nội chia sẻ: “5 giờ 45 phút, khi tôi đưa con đến thi bài thi đầu tiên, tôi thấy các thầy cô, lực lượng y tế, công an đã bắt đầu làm việc rất vất vả và nghiêm túc. Có lẽ lũ trẻ cũng cảm nhận được điều đó. Chúng trầm lặng hơn, ngoan ngoãn để cán bộ y tế đo nhiệt độ, sát khuẩn tay. Hôm trước, tôi còn tức giận vì Bộ GD-ĐT vẫn kiên quyết bắt chúng thi tốt nghiệp THPT trong điều kiện dịch bệnh, nhưng sáng nay tôi đã nghĩ khác. Có lẽ đây sẽ là một trải nghiệm đáng quý cho những đứa trẻ mới lớn này. Mọi khi chúng đạt được mọi thứ sung sướng dễ dàng quá nên những lúc khó khăn này, chúng sẽ cảm nhận tốt hơn giá trị của những phút giây bình yên”.

Ông Bùi Văn Phúc, Trưởng điểm thi Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: Hơn 500 thí sinh và các cán bộ, giáo viên, nhân viên tại điểm thi đều tuân thủ nghiêm túc quy chế thi và duy trì các biện pháp phòng, chống dịch trong các buổi thi. Do thí sinh phải đeo khẩu trang khi đi thi, các cán bộ coi thi đều tập trung cao độ khi nhận diện thí sinh lúc vào phòng thi. Các cán bộ giám sát, thanh tra làm việc trách nhiệm, quan sát khu vực thi, phòng thi để đề phòng nguy cơ gian lận có thể xảy ra.

 Thí sinh được tạo mọi điều kiện an toàn, thuận lợi để dự thi.

Thí sinh được tạo mọi điều kiện an toàn, thuận lợi để dự thi.

Ngoại trừ một vài sự cố ở 4 tỉnh Bắc Ninh, Điện Biên, Bình Phước và Quảng Ninh khiến một số thí sinh của 3 tỉnh phải làm lại bài thi Ngữ văn, Địa lý thì việc tuân thủ quy chế thi được các điểm thi thực hiện nghiêm túc. Từ buổi đầu tiên thí sinh đến làm thủ tục cho đến khi kết thúc buổi thi cuối cùng, toàn bộ các cán bộ, giáo viên, nhân viên đều tập trung cao độ, "căng mình" đảm bảo kỳ thi không có vi phạm làm mất đi tính khách quan, công bằng của kỳ thi. Công tác đảm bảo an ninh được các lực lượng tổ chức khép kín cả trong khu vực thi lẫn khu vực bên ngoài điểm thi. Toàn bộ các địa điểm trong khu vực thi được rà soát kỹ, đảm bảo không có người lạ lọt vào.

Không ai bị bỏ lại phía sau

Chia sẻ tại buổi họp báo kết thúc kỳ thi, PGS, TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 nhấn mạnh: Tất cả các thí sinh, kể cả trường hợp ốm đau, không tự viết bài được đã được các Hội đồng thi tạo điều kiện để có thể tham dự kỳ thi. Các Hội đồng thi đều hỗ trợ tối đa cho thí sinh, đảm bảo không để thí sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không đến dự thi.

Các địa phương, nhất là các địa phương có các huyện, xã miền núi, hải đảo đã quan tâm sâu sát đến từng thí sinh là người đồng bào dân tộc, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, huy động các nguồn lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia kỳ thi, như tỉnh Bình Thuận đưa thí sinh từ đảo Phú Quý vào đất liền dự thi, tỉnh Quảng Ninh đã đưa các thí sinh từ đảo Quan Lạn vào đất liền dự thi.

 Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại cuộc họp báo sau kỳ thi.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại cuộc họp báo sau kỳ thi.

“Dịch Covid-19 không thể làm lung lay sự quyết tâm, ý chí của cả hệ thống chính trị, cả đất nước chúng ta. Những nơi khó khăn nhất, cả nước đang cùng đồng hành để không ai bị cô đơn trong công cuộc này. Các thí sinh đang trong vùng cách ly hãy yên tâm. Các em sẽ được thi vào một thời điểm phù hợp. Quyền lợi hợp pháp, đầy đủ của các em vẫn sẽ được bảo đảm với những giải pháp đồng bộ của cả hệ thống”, ông Mai Văn Trinh khẳng định.

Đề cập đến quyền lợi cho hơn 26.300 thí sinh không thể dự kỳ thi do dịch Covid-19, ông Mai Văn Trinh cho biết, thời gian thi đợt 2 sẽ phải dựa vào thời điểm dịch Covid-19 được khống chế. Tuy nhiên, dù tổ chức thời điểm nào cũng phải thực hiện kỳ thi nghiêm túc, công bằng và đúng quy chế, đặt quyền lợi của thí sinh lên trên hết. Việc tổ chức vẫn diễn ra tại các địa phương, tùy thuộc vào số lượng thí sinh sẽ có giải pháp cụ thể để sắp xếp phòng thi cho phù hợp. Đề thi đợt 2 sẽ được Hội đồng ra đề xây dựng trên cơ sở ma trận đề thi đợt 1, đảm bảo sự đồng đều về độ khó – dễ, tạo sự công bằng cho thí sinh.

Liên quan đến công tác tuyển sinh của các trường Đại học, Cao đẳng sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, bà Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết: Trên tinh thần bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, trong đó có thí sinh thi đợt 2 vì dịch Covid-19, Bộ đã ban hành công văn đề nghị các trường Đại học điều chỉnh chỉ tiêu phân bổ và đề án tuyển sinh cho phù hợp, dành chỉ tiêu cho các thí sinh thi đợt hai. Các trường phải báo cáo thông tin này về Bộ trước ngày 3-9-2020 và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường theo quy định.

Để kỳ thi kết thúc cơ bản an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế, 3 ngày qua, không thể không nhắc tới lực lượng tình nguyện viên, các chiến sĩ cảnh sát giao thông và công an địa phương đã phục vụ tận tình, chu đáo cho hàng vạn lượt thí sinh với nhiều hoạt động như hướng dẫn thủ tục thi, trao đổi kinh nghiệm, kiểm tra thân nhiệt, tư vấn y tế, hỗ trợ thức ăn nhẹ, nước uống; hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các điểm nút và khu vực cổng trường, qua đó tạo điều kiện tối đa để tất cả thí sinh có một kỳ thi an toàn, hiệu quả, chất lượng.

Chia sẻ về kỳ thi này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là một kỳ thi đặc biệt trong một năm học đặc biệt. Song có thể nói, đến thời điểm này, kỳ thi đã đáp ứng được mục tiêu kép, vừa đảm bảo chống dịch vừa đáp ứng được yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, công bằng với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ; quyết tâm của Bộ GD-ĐT, sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương trong cả nước, tinh thần cộng đồng trách nhiệm cao của toàn xã hội.

Việc điểm thi đặt tại địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở, tạo tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn khi làm bài, đồng thời không gây áp lực về giao thông tại các thành phố lớn. Kỷ cương trường thi được tăng cường, kỷ luật phòng thi được duy trì nghiêm tại tất cả các điểm thi trên phạm vi cả nước. Các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 đã được các địa phương chuẩn bị chu đáo.

Có thể thấy, một kỳ thi trải qua quá nhiều cảm xúc cho tất cả mọi người khi những nụ cười của thí sinh bước ra khỏi phòng thi với tinh thần phấn khởi là minh chứng cho sự nỗ lực, sự đoàn kết của toàn hệ thống chính trị.

Bài, ảnh: KHÁNH HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/mot-ky-thi-kho-quen-631283