Một lần đến với Điện Biên Phủ

(Báo Quảng Ngãi)- Cứ vào mỗi dịp tháng năm, TP. Điện Biên Phủ (Điện Biên) lại đón những bước chân của những cựu chiến binh và nhân dân khắp nơi hội tụ về. Những cựu binh thì thăm lại chiến trường xưa, thắp hương cho đồng đội; người dân thì đến để thêm một lần tự hào về cuộc chiến đấu oanh liệt của dân tộc.

Những huyền thoại…

Chúng tôi đặt chân đến mảnh đất lịch sử Điện Biên Phủ những ngày cuối tháng 3. Dù chưa đến dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng nơi đây mỗi ngày đã đón hàng ngàn người khắp mọi miền đất nước. Hòa chung với dòng người ấy, chúng tôi đi thăm những địa danh gắn với những cuộc chiến lẫy lừng với nhiều cảm xúc. Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, được chứng kiến những hình ảnh, hiện vật năm xưa khiến ai cũng mường tượng về một cuộc chiến khốc liệt nhưng cũng đầy tự hào. Trong khuôn viên bảo tàng vô số những hiện vật, hình ảnh, tư liệu về cuộc chiến được trưng bày.

Chiếc xe đạp thồ của ông Ma Văn Thắng, một trong hàng ngàn chiếc xe đạp thồ trở thành huyền thoại trong chiến dịch Điện Biên Phủ cách nay 60 năm.

Trong đó, ấn tượng nhất đối với chúng tôi là chiếc xe đạp thồ và chiếc xẻng dùng để đào công sự. Tại bảo tàng này còn trưng bày chiếc xe đạp thồ của ông Ma Văn Thắng ở tỉnh Phú Thọ tham gia tiếp tế cho chiến dịch, với một lần thồ 377 kg lương thực vào chiến trường Điện Biên Phủ cách đây 60 năm về trước. Với địa hình hiểm trở, để đến được chiến trường Điện Biên Phủ lúc ấy, một người gánh 25kg gạo đi từ miền xuôi lên, ăn dọc đường đã mất 20kg, chưa nói còn bị máy bay Pháp luôn uy hiếp và phải vận chuyển chủ yếu trong đêm. Nếu không có loại phương tiện vận tải độc đáo này thì hậu phương của cuộc chiến không thể đảm bảo hàng ngàn tấn lương thực, vũ khí đến được với tiền tuyến.
Công cụ thứ hai là những chiếc xẻng – hành trang của bộ đội dùng để tạo ra hệ thống hầm hào công sự siết chặt vòng vây để tiêu diệt quân địch. Với chiến trường Điện Biên Phủ, quân Pháp đã cho xây dựng pháo đài “không thể công phá” dễ phòng thủ nhưng khó tấn công, bởi quanh lòng chảo Mường Thanh là núi cao dốc sâu nên để tiếp cận được các mục tiêu, chỉ còn cách đào những đường hầm trong lòng đất. Và chiếc xẻng của bộ đội là vũ khí vô cùng lợi hại tạo ra hệ thống công sự đến tận sào huyệt của quân Pháp.

Hàng chục vạn người lao mình ra phía trước. Chiếc xe đạp thồ đã thắng cầu hàng không của Pháp. Chiếc xẻng và hàng trăm kilômét công sự được đào bằng máu, cộng với cách đánh và nghệ thuật quân sự tài tình đã thắng những cỗ đại bác của Pháp được mệnh danh là "công cụ để đập nát đối phương". Vì thế, những chiếc xe đạp thồ và chiếc xẻng đã đi vào huyền thoại của cuộc chiến.

Với nghệ thuật chiến tranh rất đặc biệt như vậy nên nhà báo, nhà làm phim tài liệu người Pháp Daniel Roussel khi thực hiện bộ phim về cuộc chiến Điện Biên Phủ đã lấy tên phim là “Cuộc chiến giữa hổ và voi”. Tác giả bộ phim đã nhắc lại một ẩn dụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm căn cứ để đặt tên cho tác phẩm, hổ là tượng trưng cho các lực lượng chiến đấu của nhân dân Việt Nam, voi tượng trưng cho quân đội viễn chinh Pháp. Con hổ không cam chịu chết trước sức mạnh khủng khiếp của voi, mà dùng trí thông minh, sự khôn ngoan phục kích, đợi thời cơ để xé xác voi.

Biểu tượng của lòng tự hào

Rời bảo tàng, chúng tôi đi về phía đồi A1 cách đó chừng 1 cây số. Nơi đây là điểm cao quan trọng mà quân Pháp luôn cố thủ để bảo vệ hầm chỉ huy của tướng De Castries cách đó không xa. Từ dưới chân đồi, những đường hào, hàng rào thép gai, xác xe tăng, xác máy bay của quân Pháp vẫn còn nằm rải rác. Mùa này, đồi A1 rợp một màu trắng đục của những vườn nhãn đang ra hoa. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi khi đến đây là để được tận mắt chứng kiến cái hố bộc phá làm rung chuyển cả quả đồi bởi ngàn cân thuốc nổ.

Hầm chỉ huy của tướng De Castries.

Tại quả đồi này đã diễn ra cuộc chiến giáp mặt vô cùng ác liệt trong vài ngày cuối cùng của trận chiến. Để giành được quả đồi, quân ta đã mất đi cả một tiểu đoàn 300 người, chỉ còn 7 người tiếp tục chiến đấu và sử dụng hết hỏa lực. Cuối cùng chúng ta đã cho nổ tung quả đồi bằng 1 tấn thuốc nổ. Vào lúc 20 giờ 30 phút ngày 6.5.1954, thực hiện mệnh lệnh của Tổng Tư lệnh chiến dịch Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quả bộc phá ngàn cân được kích nổ làm cả quả đồi A1 rung chuyển, tiêu diệt một đại đội quân Pháp. Toàn bộ lực lượng còn lại của địch trên đồi choáng váng, tạo điều kiện cho quân ta chiếm đồi vào rạng sáng hôm sau. Tiếng nổ của bộc phá cũng là hiệu lệnh tổng công kích đợt cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ giành chiến thắng vào chiều hôm sau, ngày 7.5.
Có một điều khó có thể hình dung được là cách hố bộc phá xa nhất chỉ chừng 50m là 2 căn hầm kiên cố của quân Pháp trên điểm cao nhưng vẫn không hay biết chiến sĩ ta khoét hầm vào tận “thắt lưng” để đặt bộc phá. Cái hố bộc phá có đường kính miệng rộng hơn chục mét sâu hoắm, nằm cạnh những lô cốt kiên cố của quân Pháp còn hiện hữu đến hôm nay như là minh chứng cho sự quả cảm, cũng như nghệ thuật đào hầm đầy sáng tạo, khiến kẻ thù không thể lường được của quân ta ngày ấy.

Cách đồi A1 chừng vài cây số đường chim bay là sào huyệt của quân Pháp. Hầm tướng Pháp De Castries là sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân viễn chinh Pháp tại Điên Biên Phủ. Những khối bê tông rất dày được đắp lên căn hầm. Những tấm thép ri dày có lỗ tròn được làm vách và trần bên trong căn hầm. Sự kiên cố của sở chỉ huy quân Pháp tại Điện Biên Phủ cùng với nhiều tầng lớp bảo vệ bên ngoài khiến nơi đây thật khó để công phá. Thế nhưng quân ta lại vào tận nơi để bắt sống viên tướng chỉ huy. Tại đây, vào lúc 17 giờ, ngày 7.5 cách nay tròn 60 năm, tổ xung kích do đồng chí Tạ Quốc Luật, Đại đội trưởng Đại đội 360, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 tiến vào bắt sống tướng De Castries và bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm của quân viễn chinh Pháp tại Điện Biên Phủ.

Trong 3 ngày ngắn ngủi trên mảnh đất Điện Biên Phủ, chúng tôi không thể đi hết những địa điểm ghi dấu cuộc chiến cách đây tròn 60 năm. Trước khi chia tay vùng đất anh hùng, chúng tôi đến một số nghĩa trang trong TP. Điện Biên Phủ để thắp cho những người Anh hùng của trận chiến Điện Biên Phủ năm xưa nén hương tỏ lòng tri ân.

Rời vùng đất từng là nơi đụng đầu lịch sử của một trong những cuộc chiến tàn khốc của thế kỷ 20, chúng tôi phần nào hiểu thêm và đầy đủ hơn về một chiến thắng làm chấn động địa cầu. Và cũng hiểu được vì sao quân ta lại chiến thắng một kẻ thù hùng mạnh nhất lúc bấy giờ. Vì chúng ta có sự ủng hộ của lòng dân và những người bạn yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Đặc biệt là sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Bác Hồ, của Tổng tư lệnh, Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp và sự chiến đấu hy sinh quên mình vì độc lập tự do cho Tổ quốc của hàng vạn chiến sĩ đồng bào.

Trả lời nhà làm phim Daniel Roussel vào năm 2003 về cuộc chiến Điện Biên Phủ năm xưa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắn nhủ một thông điệp rằng: “Tất cả mọi người cần đồng tâm hiệp lực chiến đấu cho hòa bình, cho một cuộc sống tốt đẹp hơn, cho quyền được sống, quyền được hạnh phúc và cho chủ quyền thực sự của mỗi quốc gia. Hãy chấm dứt mối hiểm họa rình rập trên đầu từng dân tộc”.

Xuân Thiên

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2047/201405/mot-lan-den-voi-dien-bien-phu-2311102/