Một làn nắng cũng mang điệu dân ca*

Mùa xuân trên quê hương quan họ đang ngập tràn không khí lễ hội. Từ đồi Lim nơi diễn ra chính hội Lim đến khắp các nẻo đường, đình, chùa, đền miếu… đều thấm đậm chất truyền thống với những canh hát, làn điệu quan họ.

Bấy lâu mới được một ngày

Bấy lâu mới được một ngày/ Dừng chân tạm chút, sang đây tự tình…

Làn quan họ xốn xang, thắm thiết cứ ngân nga, gieo vào lòng khách phương xa cảm xúc rạo rực, mỗi bước càng thêm mong chờ, để được các liền anh, liền chị làng quan họ ca cho “tàn canh, mãn võ, cho tàn đêm, rạng ngày”. Niềm vui trảy hội nhân lên sau ba năm hội Lim bị hoãn bởi dịch Covid-19. Hội Lim Quý Mão vừa mở, đông đảo du khách thập phương đã tìm về vùng quê Kinh Bắc - Bắc Ninh. Chính hội diễn ra trong 2 ngày 2 - 3.2 (12 - 13 tháng Giêng) nhưng với các anh Hai, chị Hai, giao duyên nối tiếp nghề chơi còn kéo dài suốt tháng xuân, trên khắp các hội làng, cùng phô ra lời hay, ý đẹp của các làn điệu quan họ.

Màn đối đáp của liền anh, liền chị làng quan họ Hoài Trung

Màn đối đáp của liền anh, liền chị làng quan họ Hoài Trung

Nằm nép mình bên bờ sông Ngũ Huyện Khê, khu Đào Xá, phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh là làng quan họ gốc đến nay vẫn được các thế hệ liền anh, liền chị trân trọng gìn giữ truyền thống lâu đời. Liền anh Nguyễn Văn Cứ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Quan họ khu Đào Xá cho biết, thời gian dịch bệnh, câu lạc bộ phải nghỉ tập luyện, các lớp truyền dạy quan họ cho lứa măng non cũng tạm nghỉ, song tình yêu quan họ với các thành viên chưa khi nào vơi cạn. Những ngày giãn cách xã hội, mọi người tự luyện tại nhà. Lời ca quan họ vẫn vang lên đều đều ở các gia đình, thông qua phương tiện kết nối trực tuyến để mọi người chia sẻ, hoàn thiện lời hát cho nhau.

“Năm nay hội Lim lại mở, ai nấy phấn khởi được trở lại, mang lời ca tiếng hát đi vui trảy hội xuân, cũng là dịp được giao lưu học hỏi liền anh, liền chị các làng quan họ khác”, liền anh Nguyễn Văn Cứ hồ hởi.

Thôn Hoài Trung, xã Liên Bão, huyện Tiên Du, cũng là một trong 49 làng quan họ gốc với nhiều thế hệ nối đời thực hành, gìn giữ di sản. Câu lạc bộ Quan họ Hoài Trung hiện có 35 thành viên. Các liền anh, liền chị chủ yếu giữ gìn, truyền dạy những làn điệu cổ và diễn xướng các hình thức hát thờ, hát đối đáp giọng lẻ, giọng vặt... trong sinh hoạt hàng tuần và phục vụ các sự kiện lễ hội, văn hóa ở địa phương. Hội Lim nối lại sau ba năm tạm lắng, ngay từ những ngày đầu năm mới, trống hội làng vừa gióng, các nghệ nhân của câu lạc bộ đã sửa soạn áo khăn, gặp nhau, chào mời nhau bằng cả sự nồng hậu, bước vào thế giới của thi ca trữ tình.

Liền chị Nguyễn Thị Huyền, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Quan họ Hoài Trung nói về nỗi nhớ quan họ da diết làm cho không khí ngày hội năm nay càng thêm náo nức: “Hát rằng Người rằng người ơi/ Người có yêu tôi/ Đường về quan họ bảo tôi về cùng... Hát để thỏa niềm thương nỗi nhớ ba năm không có cơ hội gặp gỡ, đối đáp khi tương phùng là khi nay a tương ngộ. Xuân này trở lại, chúng tôi tự hào biết bao được mang quan họ đi giao lưu với các câu lạc bộ khác, được thể hiện những làn điệu vốn cổ đã dày công gìn giữ, trao truyền suốt thời gian qua”.

Giữ gìn và lan tỏa

Đối với người chơi quan họ, lễ hội trên đồi Lim ngày 12 - 13 tháng Giêng hàng năm là dịp trọng đại để gặp gỡ, giao lưu, lấy câu hát làm lời đối đáp trọng nghĩa, trọng tình. Hội Lim trở lại càng thêm rộn rã, không gian được mở rộng với nhiều nghi thức của phần lễ và phần hội. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh Nguyễn Văn Đáp cho biết, đặc biệt năm nay lễ hội quán triệt việc thực hiện cam kết gắn với UNESCO về bảo tồn giá trị văn hóa di sản quan họ. Tại trung tâm đồi Lim có hát đối đáp quan họ tại 12 lán trại, trên sân khấu của lễ hội, hát quan họ dưới thuyền tại khu vực hồ điều hòa Vân Tương. Các canh hát quan họ được bố trí theo truyền thống tại nhà nghệ nhân, trong các làng thuộc thị trấn Lim, xã Liên Bão và xã Nội Duệ để du khách thưởng thức. Tất cả đều tập trung làm nổi bật chất văn hóa quan họ, thể hiện nét đặc trưng hội Lim truyền thống.

Độc đáo văn hóa vùng Kinh Bắc được kết tinh trong hội Lim, trong các lễ hội xuân truyền thống trên quê hương quan họ có lẽ cũng chính là điều vui mừng nhất của lớp nghệ nhân tâm huyết với di sản của ông cha. Ngày trước, hội Lim đến hẹn lại lên, thu hút hàng nghìn người từ khắp nơi đổ về nhưng chất quan họ khi ấy có phần lai tạp, nặng về tính biểu diễn. Đau đáu với quan họ cổ, với ý nghĩa giao duyên trong cuộc chơi quan họ giữa các làng với nhau, nhiều nghệ nhân tổ chức canh hát tại gia, đối đáp bằng vốn liếng quan họ cổ. Nói vậy, liền anh Nguyễn Hữu Thoa, xóm Trùng, thôn Lũng Giang, thị trấn Lim, chia sẻ điều khiến ông trăn trở bao nhiêu năm qua nay đã giải tỏa nhiều phần.

“Cứ nghĩ thế nào là bảo tồn? Bảo tồn là làm sao giữ gìn nguyên bản. Bây giờ, hội Lim mở lại, được tổ chức bài bản, coi trọng lề lối cũ, vừa mở rộng quy mô để lan tỏa quan họ đến với đông đảo du khách, vừa đi sâu gìn giữ giá trị văn hóa di sản. Đó là điều đáng mừng cho quan họ, đáng mừng cho lớp nghệ nhân chúng tôi, để nghề chơi quan họ không bao giờ đứt quãng trên quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc”, liền anh Nguyễn Hữu Thoa nói.

___________

* Câu trong bài hát “Những cô gái quan họ” của cố nhạc sĩ Phó Đức Phương

Bài và ảnh: Hải Đường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/mot-lan-nang-cung-mang-dieu-dan-ca-i315365/