Một làn sóng rời đi, kỷ lục khó quên của 2020
Đại dịch Covid khiến tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam rời khỏi thị trường tăng cao kỷ lục. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhưng thủ tục còn phiền hà, chưa đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp.
Kỷ lục rời khỏi thị trường
Tại diễn đàn chính sách với chủ đề: “Hỗ trợ DN nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19: Thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực thi”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tổ chức ngày 8/12, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, đánh giá, dịch Covid-19 khiến cộng đồng doanh nghiệp chịu tác động rất nặng nề, hoạt động kinh doanh bị đình đốn.
Tính đến tháng 11/2020, khoảng 44.000 doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2019. Trung bình mỗi tháng ở Việt Nam, có trên 5.000 doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường. Đây là con số cao kỷ lục từ trước tới nay, kéo theo đó là rất nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của hàng chục triệu người lao động.
Trong bối cảnh khó khăn, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, như: Gói 250.000 tỷ đồng về tín dụng; gói 62.000 tỷ đồng về an sinh xã hội; gói 16.000 tỷ đồng trả lương cho người lao động,... Tuy nhiên, việc thực thi chính sách còn nhiều vấn đề.
Phản ứng chính sách của Chính phủ là khá hợp lý, chủ trương là đúng nhưng thiết kế chính sách có vấn đề, thực thi chưa thực sự suôn sẻ. Các chính sách của chúng ta phải thực hiện như trong thời chiến chứ không phải trạng thái bình thường, nhưng trên thực tế các thủ tục hành chính vẫn còn phiền hà, ông Lộc nhận xét.
Kết quả thực hiện chính sách khá chậm trễ, chẳng hạn, với gói 16.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay lãi suất 0% để trả lương người lao động, đến tháng 10/2020 chưa có doanh nghiệp nào vay được. Đến ngày 27/11, 75 doanh nghiệp vay được từ gói hỗ trợ này. Tuy nhiên, kết quả chỉ có được sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 32 ngày 19/10/2020 về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Ông Lê Việt Cường, Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art ở Hà Đông, cho biết, vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn và các gói hỗ trợ. "Tôi cho rằng vướng mắc về thủ tục pháp lý là rào cản rất lớn khiến các doanh nghiệp siêu nhỏ không thể tiếp cận. Việc xác nhận của cơ quan chính quyền địa phương nơi doanh nghiệp đóng cũng là một rào cản. Ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ở đây, nhưng người ta sản xuất nơi khác, nên địa phương sẽ không bao giờ xác nhận vì sợ trách nhiệm, dẫn đến việc chúng tôi không thể đáp ứng đầy đủ điều kiện để được nhận những gói hỗ trợ như vậy", ông Cường nói.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, qua tiến hành điều tra cho thấy, các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vay gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng để trả tiền lương cho lao động. Các thủ tục hành chính còn phiền hà chưa đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Các Bộ, ngành đã thiết kế ra chính sách chưa thật sự bám sát thực tiễn của cuộc sống.
Doanh nghiệp nhỏ thiệt hại nặng nề
Thực tiễn ghi nhận, nhóm chịu tác động nghiêm trọng nhất từ dịch Covid-19 tại Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tại địa bàn khó khăn. Đây là nhóm yếu thế đang chịu thiệt thòi. Do khó khăn về nguồn lực, nhóm này thường không thể nắm bắt kịp thời chính sách hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước để từ đó tận dụng các cơ hội nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cũng theo VCCI, với gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp nhỏ đến nay không tiếp cận được. Một số ngân hàng vẫn có tâm lý ngần ngại khi cho vay vì lo các doanh nghiệp nhỏ không có khả năng trả nợ. Không những thế, chi phí vay vốn ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ thường cao hơn so với doanh nghiệp lớn, khoảng 1-2%/năm; tỷ lệ chi phí không chính thức đối với doanh nghiệp nhỏ còn lớn.
Các doanh nghiệp nhỏ cũng ít được giãn nợ và giảm lãi suất cho những khoản vay hiện hữu, chỉ giảm với khoản vay mới. Song, trong lúc khó khăn bí đầu ra, thậm chí phải ngừng hoạt động thì đâu cần vay thêm vốn.
Theo số liệu khảo sát của trường Đại học Kinh tế Quốc dân và VCCI, có tới 78% doanh nghiệp trả lời chưa nhận được hỗ trợ từ Chính phủ. Như vậy, chủ trương chính sách tuyệt vời nhưng thiết kế chưa thực sự phản ánh được hơi thở cuộc sống và thực thi chính sách chưa suôn sẻ.
Việc thu hẹp khoảng cách giữa chính sách và thực thi sẽ là một trong những vấn đề quan trọng trong biện pháp hỗ trợ của Chính phủ đối với khu vực doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn trong đại dịch Covid-19 cũng như với các thảm họa thiên tai, ông Lộc nhấn mạnh.
Còn ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, cần nắm bắt kịp thời các bất cập, vướng mắc trong việc triển khai các gói hỗ trợ để điều chỉnh cho phù hợp. Bên cạnh đó, thiết kế các hình thức hỗ trợ cần phù hợp với các doanh nghiệp từng ngành, từng lĩnh vực và từng giai đoạn.
Đặc biệt, ưu tiên các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa bởi khả năng chống chịu kém. Theo ông Tuấn, nên kéo dài thời gian các gói hỗ trợ để doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi sản xuất kinh doanh. Các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng, minh bạch. Đồng thời, nới lỏng một số điều kiện nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng và giảm thiểu về thủ tục và quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, nhất là thủ tục chứng minh về tài chính.