Một lần thử cháo canh Ba Đồn

Cháo canh là một trong những món ngon không thể không thưởng thức khi đến với những làng quê ở vùng bắc sông Gianh (Quảng Trị). Một bát cháo sánh quện, thơm lừng - món ăn dân dã tạo nên nét riêng khi vừa kết hợp hài hòa hương vị của ruộng đồng, sông biển và tình người nơi đây.

Quảng Trị từ lâu đã nổi tiếng với những món ăn mang đậm hồn quê. Từ bánh đa, bánh đúc đến các đặc sản miền sông nước như chắt chắt, sá sùng, sò huyết… mỗi món đều góp phần làm nên sự phong phú, tinh tế trong ẩm thực địa phương. Trong sự đa dạng ấy, món cháo canh Ba Đồn nổi bật như một biểu tượng ẩm thực dân dã nhưng không kém phần độc đáo. Món ăn giản dị này không chỉ thỏa mãn vị giác, mà còn gợi nhắc những giá trị văn hóa, gắn bó sâu sắc với ký ức của bao người con xa quê.

Bát cháo canh Ba Đồn là biểu tượng cho sự giao thoa giữa ruộng đồng và biển cả.

Bát cháo canh Ba Đồn là biểu tượng cho sự giao thoa giữa ruộng đồng và biển cả.

Bạn tôi, một người xa nhà đã hơn 20 năm, mỗi lần về quê đều muốn thưởng thức một bát cháo canh cho vơi nỗi nhớ. Bạn bảo, trong Nam có hàng chục món cháo, có món đặc sản vùng miền, có món chế biến cầu kỳ nhưng không hiểu sao, vẫn không thể quên được vị đậm đà, thân thuộc của bát cháo canh Ba Đồn. Nhất là ăn ở chợ Họa, làng Thổ Ngọa quê mình mới đúng điệu.

Chợ Họa nằm bên bờ bắc sông Gianh – từ lâu đã nổi tiếng không chỉ bởi vị trí thuận lợi trên bến dưới thuyền, mà còn bởi không khí tấp nập kẻ bán người mua. Nơi đây, người dân làng chài mang cá tôm từ thuyền lên bày bán, người làm nông mang sản vật từ ruộng đồng ra đổi trao. Và giữa bao nhiêu hàng quán, quầy cháo canh lúc nào cũng đông người.

Trong cái se lạnh của buổi sáng sớm, bên bếp lửa đỏ hồng, những người khách xì xụp thưởng thức bát cháo bốc khói nghi ngút, thơm lừng. Trong khi đó, ở phía ngoài chợ, các bà, các chị lại chọn mua mớ tôm sông, mớ cá biển (loài cá nhiều thịt, ít xương) cùng sợi bột đem về nhà để chuẩn bị bữa sáng cho chồng cho con. Trải qua thời gian, món cháo canh không chỉ là món ăn dân giã mà trở thành một phần ký ức thân thương của người làng quê ven sông Gianh.

Cháo canh Ba Đồn có cách chế biến không quá cầu kỳ nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ. Gạo xay thành bột, nhào với nước thành khối dẻo mịn như làm bánh tẻ, sau đó cán bằng vỏ chai thành tấm mỏng rồi thái sợi. Tôm, cua, cá được làm sạch xào qua với chút hành, tiêu cho dậy mùi. Khi nước sôi, người nấu cho sợi bột vào, đợi sợi bột chín thì đổ phần nhân hải sản đã xào vào, nêm nếm lại với gia vị, tiêu và hành lá. Vị thơm của bột gạo quện với vị ngọt thanh từ tôm, cá, thêm chút cay nồng của tiêu và mùi thơm rau xanh tạo nên thứ hương vị khó quên.

Sự đặc biệt của món ăn này còn nằm ở chính cái tên “cháo canh”. Không phải là cháo loãng như các loại cháo thông thường, cũng không hẳn là canh. Bát cháo canh có độ sánh nhẹ, ăn kèm với ram nóng giòn tạo nên một “bản hòa tấu” hương vị đầy cuốn hút. Ram hay còn gọi là nem rán, tuy có chung nguyên liệu như nhiều nơi khác gồm có thịt heo và nấm thái nhỏ kèm với gia vị, chút hành nhưng có lẽ nhờ bánh đa nem đặc trưng của làng Tân An (làng ven sông Gianh), cùng cách quấn ram, rán giòn đều tay nên khi ăn kèm cháo canh lại nâng tầm món ăn.

Ngày nay, cháo canh Ba Đồn đã có mặt ở khắp nơi, từ các quán nhỏ bên đường cho đến những hàng ăn trong thành phố. Dù ở đâu, chỉ cần một bát cháo nóng hổi, vài cái ram giòn rụm, mọi người đều có thể cảm nhận được vị quê thấm đẫm trong từng bát cháo. Người Ba Đồn vẫn giữ thói quen ăn cháo canh vào buổi sáng – như một phần thói quen bình dị, một cách níu giữ hồn quê giữa nhịp sống hiện đại.

Xuân Thi

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/mot-lan-thu-chao-canh-ba-don-10311112.html