Xã Ba Vì: Gìn giữ 'chất keo' kết nối cộng đồng

Sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và chuyển sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp, xã Ba Vì từng bước ổn định tổ chức, tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, một thách thức đặc thù đặt ra là làm sao không để “hòa tan” các giá trị bản địa, mà ngược lại, phải phát huy được nguồn lực văn hóa truyền thống, nhất là bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số.

Là xã có đông đồng bào Mường sinh sống, câu chuyện gìn giữ tiếng chiêng, nếp sinh hoạt gắn bó với núi rừng đang được chính quyền xã xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Đó chính là “chất keo” kết nối cộng đồng, giữ bền căn cốt văn hóa trong bối cảnh mới.

Thành viên đội cồng chiêng xã Ba Vì luyện tập trước dịp biểu diễn.

Thành viên đội cồng chiêng xã Ba Vì luyện tập trước dịp biểu diễn.

Đánh thức âm thanh cội nguồn

Ở nơi núi non Ba Vì mây trắng quyện đỉnh, dòng sông Đà lững lờ ôm trọn miền thung lũng yên bình, tiếng cồng chiêng dường như đã thấm vào từng nếp nhà, từng lối đi, từng câu hát ru của đồng bào Mường. Nhưng cũng chính tại đây, đã có một thời gian dài, thanh âm linh thiêng ấy như lặng im giữa bộn bề đổi thay, tưởng chừng tan biến trong những thăng trầm của cuộc sống hiện đại.

Theo lãnh đạo xã Ba Vì, trước kia, hầu như nhà nào trong thôn cũng có chiêng - có nhà sở hữu cả bộ đủ 12 chiếc, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Thế rồi chiến tranh, đói nghèo khiến người dân phải bán chiêng. Có người giữ lại được thì cũng dùng để úp vại tương, để rồi chiêng bị mẻ, bị vỡ, biến âm. Khi giới buôn đồ cổ tìm đến, cả làng gần như chẳng còn nổi một chiếc nguyên vẹn. Thế nhưng, mạch nguồn văn hóa xứ Mường chưa bao giờ cạn. Khi những giá trị cũ đứng trước nguy cơ mai một, chính từ trong lòng cộng đồng, những người tâm huyết đã âm thầm khơi lại dòng chảy ấy. Để hôm nay, tiếng chiêng Mường lại ngân vang rộn rã nơi núi rừng Ba Vì - không chỉ trong lễ hội, mà cả trong nhịp sống thường ngày của người dân.

Tại nhà văn hóa thôn Cốc Đồng Tâm, chị Nguyễn Thị Xuân, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn, ngồi bên bộ cồng chiêng được lau chùi sáng bóng. Ánh mắt chị rạng rỡ khi kể về hành trình khôi phục văn hóa truyền thống của quê hương.

“Thôn tôi là thôn Mường gốc. Trước năm 2015, người ta dần quên tiếng Mường, quên trang phục, cả cồng chiêng nữa. Nhưng rồi, sau những cuộc bàn bạc của các bậc cao niên, chúng tôi đều thống nhất rằng phải làm điều gì đó để giữ lấy hồn cốt dân tộc” - chị Xuân chia sẻ.

Thế là, năm 2019, Câu lạc bộ cồng chiêng của thôn ra đời. Bộ cồng chiêng đầu tiên được tặng; 35 hội viên, chủ yếu là phụ nữ, đã tình nguyện đóng quỹ, tự may sắm trang phục truyền thống, mỗi bộ trị giá hơn 1 triệu đồng. Sau hơn 5 năm hoạt động, đội đã đánh thuần thục nhiều bài chiêng cơ bản, góp mặt trong các dịp lễ hội, đón giao thừa, khai hội làng bản và nhiều sự kiện lớn nhỏ của xã.

Đến nay, không chỉ riêng thôn Cốc Đồng Tâm, mà các thôn Lặt, Di, Vip, Nội, Đầm Sản... cũng đều có đội cồng chiêng riêng. Nhiều nghệ nhân vẫn miệt mài sưu tầm lời cổ, soạn lời mới bằng tiếng Mường cho các bài chiêng, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa truyền thống. Không chỉ trông chờ vào việc được cấp trên hỗ trợ bộ cồng chiêng chuẩn cho các thôn, chính quyền xã Ba Vì còn chủ động mở các lớp dạy cồng chiêng tại địa phương. Hằng năm, các thôn bản đều tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng - không chỉ là sân chơi văn hóa mà còn là dịp để cộng đồng gắn kết, cùng nhau khơi dậy lòng tự hào dân tộc.

Hỗ trợ các mô hình bảo tồn tại cộng đồng

Trong dòng chảy tưởng như bất tận của văn hóa Mường ở Ba Vì, tiếng cồng chiêng không chỉ là âm thanh, mà còn là ký ức, là ngôn ngữ tâm linh, là cách để cộng đồng tự kể lại câu chuyện của mình qua bao thế hệ. Việc hồi sinh tiếng chiêng không thể chỉ dựa vào lòng nhiệt huyết của người dân, mà cần có sự đồng hành, nâng đỡ từ các cấp chính quyền, từ chính sách đến hành động cụ thể. Và chính điều đó đang được xã Ba Vì, sau sáp nhập từ các xã Minh Quang, Ba Vì và Khánh Thượng, từng bước cụ thể hóa.

Ngay từ trước khi chuyển sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp, huyện Ba Vì đã chủ động mở các lớp truyền dạy kỹ năng biểu diễn chiêng dân tộc Mường cho người dân ở các xã miền núi. Những lớp học ấy không chỉ đơn thuần là buổi tập huấn kỹ thuật, mà còn là dịp để các thế hệ tái kết nối, để hồn cốt văn hóa Mường được khơi dậy từ trong sâu thẳm ký ức cộng đồng. Nổi bật trong số đó là lớp tập huấn cồng chiêng Mường năm 2025, do Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thanh Bình - Giám đốc Bảo tàng Di sản Văn hóa Mường (tỉnh Phú Thọ), nhà nghiên cứu lâu năm về văn hóa Mường - trực tiếp hướng dẫn.

Tại đây, các học viên, thành viên của đội bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc xã Ba Vì, không chỉ học cách bảo quản và sử dụng chiêng, dùi chiêng, mà còn được hướng dẫn sâu về thanh âm, giai điệu. Những buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm sau lớp học đã trở thành không gian văn hóa đúng nghĩa - nơi tiếng chiêng kết nối các thế hệ, gắn kết cộng đồng thôn bản.

Theo ông Nguyễn Mạnh Thước - Phó Chánh Văn phòng UBND xã Ba Vì (trước đây là Phó Chủ tịch UBND xã Minh Quang), người từng nhiều năm gắn bó với công tác bảo tồn văn hóa Mường, việc thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp trên nền tảng sáp nhập ba xã đã mở ra cơ hội lớn để phát triển văn hóa một cách đồng bộ và chiều sâu: “Ba xã sáp nhập đều là cái nôi của người Mường ở Ba Vì, có chiều dày văn hóa. Việc hợp nhất không làm mất đi bản sắc từng vùng, mà tạo điều kiện để quy hoạch thống nhất không gian tổ chức lễ hội, phát triển du lịch văn hóa và kết nối các đội cồng chiêng, các câu lạc bộ văn nghệ dân gian thành một lực lượng lớn mạnh, bài bản”.

Phó Chánh Văn phòng UBND xã Nguyễn Mạnh Thước cũng khẳng định, mô hình chính quyền địa phương hai cấp sẽ tạo điều kiện tập trung nguồn lực, giảm chồng chéo trong quản lý, từ đó nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn văn hóa. Theo ông, xã Ba Vì mới sẽ xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền cấp xã với Mặt trận và các hội đoàn thể nhằm hỗ trợ các mô hình bảo tồn tại cộng đồng. “Điều quan trọng nhất là phải để người dân - đặc biệt là lớp trẻ - hiểu và yêu giá trị văn hóa của chính dân tộc mình” - ông Thước chia sẻ.

Còn theo ông Lê Văn Quân, Bí thư Đảng ủy xã Ba Vì, sau sáp nhập, điều then chốt là sự chủ động từ chính quyền cơ sở. “Xã sẽ chủ động xây dựng đề án riêng về bảo tồn văn hóa Mường, trong đó có nội dung phục dựng và phát huy không gian văn hóa Mường tại các nhà sinh hoạt cộng đồng. Từng bước, chúng tôi đưa tiếng chiêng, lời hát, hồn vía Mường trở lại trong sinh hoạt thôn, các hoạt động đoàn thể”.

Ông Quân cũng cho rằng việc tiếp nối những thành quả mà huyện Ba Vì từng đạt được chính là tiền đề vững chắc để xã Ba Vì hôm nay định hình bản sắc. Các xã Ba Vì, Minh Quang và Khánh Thượng trước đây đều có đội cồng chiêng mạnh, từng tổ chức nhiều hội diễn, lớp truyền dạy bài bản. Giờ đây, xã Ba Vì mới sẽ kế thừa và nâng tầm những giá trị đó, từng bước kết nối các mô hình rải rác thành một mạng lưới liên thông - không chỉ về biểu diễn mà cả trong đào tạo, bồi dưỡng thế hệ kế tiếp.

Tuy nhiên, hành trình bảo tồn văn hóa chưa bao giờ là dễ dàng. Thách thức lớn nhất hiện nay chính là làm sao gìn giữ truyền thống trong bối cảnh đời sống hiện đại ngày càng nhiều biến động. Thế hệ trẻ có nhiều lựa chọn giải trí, công nghệ thì phát triển không ngừng; nếu không có cách làm mới, tiếng chiêng rất dễ bị lãng quên. Chính vì thế, xã Ba Vì đã và đang chủ trương gắn cồng chiêng với đời sống du lịch cộng đồng, tổ chức các không gian trình diễn tại điểm đến du lịch, trong trường học, tại các liên hoan thanh, thiếu niên. Mục tiêu là đưa tiếng chiêng bước ra khỏi phạm vi lễ hội để thực sự trở thành một phần trong cuộc sống thường nhật của người dân.

Bài và ảnh: Bạch Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/xa-ba-vi-gin-giu-chat-keo-ket-noi-cong-dong-710434.html