Một lần tới nhân gian, phải sống đời rực rỡ
Những ngày này, TP. Hồ Chí Minh đã trở lại nhịp sống 'bình thường mới'. Nhưng, ở Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU), tuyến cuối với chức năng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19 tiên lượng nặng và nguy kịch, đặt tại Bệnh viện Quốc tế City, các y, bác sĩ vẫn chưa có một ngày ngơi nghỉ.
“Mặt trận” phía Tây thành phố
Đầu tháng 9-2021, Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) người bệnh COVID-19 do Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh phụ trách có quy mô 250 giường, đặt tại Bệnh viện Quốc tế City (Q. Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) chính thức đi vào hoạt động. Trung tâm là tuyến cuối với chức năng tiếp nhận và điều trị người bệnh COVID-19 tiên lượng nặng và nguy kịch. Đây là một trong 6 trung tâm ICU tại TP Hồ Chí Minh do Bộ Y tế cùng TP Hồ Chí Minh thiết lập, vận hành bởi bệnh viện lớn tuyến Trung ương, mục tiêu lớn nhất là giảm số tử vong. PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh làm Giám đốc Trung tâm, PGS, bác sĩ Lê Minh Khôi - Trưởng Phòng Khoa học và Đào tạo Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh làm Phó Giám đốc trung tâm.
Bác sĩ ở Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 tận tụy chăm sóc bệnh nhân.
Bác sĩ Lê Minh Khôi đặt tên trung tâm là Lam Sơn, từng phân khu mang những cái tên đặc biệt như: Bạch Đằng, Hồng Hà, Cửu Long, Hương Giang, Thu Bồn, Lâm Viên như một cách ẩn dụ rằng, trong đại dịch, bước chân lực lượng y tế đã đi qua mọi miền của Tổ quốc.
Hơn 3 tháng chiến đấu không ngơi nghỉ trong “mắt bão COVID-19”, bác sĩ Lê Minh Khôi chứng kiến và cảm nhận mọi giới hạn của cảm xúc, từng khoảnh khắc khốc liệt, những hoảng loạn, lo âu, đau thương xen giữa niềm vui mong manh trên từng hơi thở. Tất cả những rung động, thổn thức đến ngột ngạt trong phòng hồi sức đã tạc vào tâm khảm của vị bác sĩ tuyến cuối để anh cho ra đời cuốn sách “Phía Tây thành phố”, kể về những câu chuyện tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 nằm ở phía Tây TP. Hồ Chí Minh.
Đó là một góc riêng của ký ức, về một giai đoạn đầy ắp những biến cố đau thương. Mỗi ngày đều phải đối diện với những mong manh của kiếp người, những đớn đau về thể xác, những góc khuất của tâm hồn và cả cái chết.
Bác sĩ Lê Minh Khôi tặng hoa chúc mừng bệnh nhân được xuất viện trở về nhà.
Trước khi vào “mặt trận” phía Tây thành phố, bác sĩ Khôi đã tích cực nhận điều trị từ xa cho bệnh nhân và tham gia nhóm bác sĩ tư vấn online cho người nhiễm COVID -19. Sau 2 ngày trực máy, bác sĩ Khôi đã xin rút, không phải vì các trường hợp gọi đến có vấn đề gì về chuyên môn, mà chủ yếu anh nhận ra một thực tế chua xót, qua điện thoại, anh không thể giúp gì được cho bệnh nhân ngoài mấy câu tư vấn chung chung. Cái bệnh nhân cần là oxy, giường bệnh, nơi tiếp nhận điều trị... điều này, bác sĩ không thể làm được. Những lời động viên, hướng dẫn dường như không ăn nhập gì với sự hoảng loạn của người nhà bệnh nhân. Trước sự thúc bách của hoàn cảnh và mệnh lệnh từ trái tim người thầy thuốc, bác sĩ Khôi đã quyết định vào trận chiến.
Thành phố thành lập Bệnh viện dã chiến số 10 và giao cho Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh phụ trách. Bác sĩ Khôi xin lãnh đạo đi cùng để quyết bám trụ ở đó nhưng rồi Bộ Y tế lại quyết định bệnh viện phải xây dựng Trung tâm Hồi sức, bậc điều trị cao nhất trong tháp điều trị bệnh nhân COVID-19. Sau 12 giờ tiếp nhận, cải tạo một cơ sở hoàn toàn xa lạ, cuối cùng, trung tâm cũng hoàn thành, sẵn sàng đón bệnh nhân.
Mọi người trong trung tâm hồi hộp theo dõi hành trình của bệnh nhân đầu tiên. Khoảnh khắc khi cửa cầu thang mở, bệnh nhân đầu tiên được chuyển vào khu Bạch Đằng, tim bác sĩ Khôi như bị lỗi nhịp. Anh biết, mình đã khai hỏa trận đánh mà bản thân còn chưa biết đích xác kẻ thù. Chỉ biết rằng trước mặt là khốc liệt, là những đêm trắng, là mất mát, hiểm nguy
Sau nữ bệnh nhân đầu tiên vào trung tâm, các bệnh nhân tiếp theo được đưa vào với tốc độ chóng mặt. Khu điều trị nhanh chóng kín giường. Nhân viên y tế lại phải kê thêm giường, chia ống khí cho máy thở, chia ống oxy. Điện thoại bác sĩ Khôi luôn bỏng rát với những cuộc gọi gấp gáp từ khắp nơi trong thành phố đổ về. Chưa đầy một tuần khởi động, trung tâm quá tải giường bệnh. Và, một tuần sau, bệnh nhân đầu tiên ra đi, nhường lại máy thở và chiếc giường hồi sức hiếm hoi cho người khác.
“Một lần tới nhân gian, phải sống đời rực rỡ”
Để “mặt trận” phía Tây thành phố ra hình hài một trung tâm tâm hồi sức đúng nghĩa, là những cống hiến, hy sinh lặng thầm của những con người khoác trên mình tấm áo blouse trắng, ngày đêm hiến dâng sức lực, trí tuệ và trái tim tròn đầy trách nhiệm, tình yêu thương con người. Bác sĩ Thuận, ngày đứa con gái đầu lòng chào đời chẳng kịp về. Vừa hoàn thành xong nhiệm vụ ở Bệnh viện dã chiến số 2, bác sĩ Thuận lên đường tới Trung tâm Hồi sức COVID-19 Bệnh viện Đại học Y dược, chiến đấu với nỗi sợ, với đại dịch và với chính bản thân của mình.
Rồi những đêm trắng miệt mài bên hồ sơ bệnh án của bác sĩ Nguyệt Anh. Những đêm nghiêng dần về sáng, những phiên trực vắt kiệt sức người, công việc liên quan đến hàng loạt quy trình điều trị phối hợp cùng vô vàn khúc mắc trên nhóm điều phối hoạt động của trung tâm. Tất cả đều có bóng dáng cặm cụi của bác sĩ Nguyệt Anh.
Bên trong Trung tâm hồi sức tích cực tại “mặt trận” phía Tây thành phố.
Khi Bắc Giang bùng phát dịch, nữ bác sĩ này đã tình nguyện lên đường cùng với chàng trai xuống tóc Đặng Minh Hiệu. Ngày ấy, bác sĩ Nguyệt Anh đi với tâm trạng làm được gì thì cố hết sức mà làm và đi để học hỏi. Bắc Giang hạ nhiệt, chị lại về TP Hồ Chí Minh, tức tốc lên Bệnh viện dã chiến Củ Chi và những ngày TP. Hồ Chí Minh nóng bỏng nhất, chị có mặt tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 Bệnh viện Đại học Y dược.
Hàng trăm gương mặt thanh xuân đã tình nguyện ở mặt trận cuối cùng này, trong những ngày tháng khốc liệt nhất. Họ sống cho lý tưởng màu áo và hoài bão dâng hiến của bản thân, để “một lần tới nhân gian, phải sống đời rực rỡ”.
3 tháng đi vào hoạt động, trung tâm tiếp nhận gần 1.000 bệnh nhân nặng và nguy kịch. Trong đó, nhiều người trở lại cuộc sống bình thường nhưng cũng có những người đã vĩnh viễn rời “cõi tạm”.
Mất mát, đau thương dù đã được làm nhẹ nhưng luôn khiến người trong cuộc ám ảnh và thổn thức. Ở Trung tâm Hồi sức phía Tây thành phố, không có thước đo nào đong đếm đầy đủ những công việc mà đội ngũ y, bác sĩ đã làm, cũng không một cuốn sách hay trang viết nào diễn tả hết nỗi nhọc nhằn, gian khổ và hiểm nguy mà họ phải đối diện và đương đầu. Người ta có thể tính bao nhiêu người được xuất viện, bao nhiêu ca nguy kịch được cứu sống, những nụ cười tươi rói khi xuất viện nhưng không biết được ở “mặt trận” phía Tây thành phố này, đã có bao nhiêu nước mắt cùng mồ hôi của những chiến sĩ “áo trắng” đã chảy xuống...
Những chuyến “bay đêm”
Khi trung tâm hoạt động và vận hành trơn tru, thỉnh thoảng bác sĩ Lê Minh Khôi đi cùng xe cấp cứu đến đón bệnh nhân nguy kịch ở các bệnh viện tuyến dưới. Anh đi một phần là muốn đón bệnh nhân, muốn khảo sát chớp nhoáng tình hình của các bệnh viện trong thành phố nhưng đi cũng vì muốn được kết nối, được sống với phố.
Chuyến “bay đêm” giải cứu bệnh nhân nguy kịch.
Sài Gòn hiện ra mờ ảo sau tấm kính xe lâu ngày không được chăm chút và một tấm kính che giọt bắn phủ kín hơi nước sau mỗi nhịp thở. Dù nhìn qua màn sương mờ ảo và liên tục bị lóe sáng nhưng bác sĩ Khôi vẫn có thể cảm nhận rõ rệt một cách thảng thốt, nỗi vắng của phố phường. Tất cả hàng quán, siêu thị, nhà ở đều đóng cửa. Các con hẻm không một bóng người. Nhìn trước, nhìn sau chỉ thấy đường phố thênh thang. “Nhiều lúc tôi nghĩ rằng, nếu hạ cửa kính xuống, tôi có thể đưa tay vốc trọn một nắm quánh đặc của sự trống vắng ngoài kia. Ngồi trên xe cấp cứu, niềm ao ước mãnh liệt nhất của tôi là một ngày nào đó được tháo tấm khiên che mặt xuống, cởi bộ đồ bảo hộ thùng thình và bất tiện để được hòa vào dòng người đông đúc trên phố...”, bác sĩ Khôi hồi tưởng.
Thành phố bước vào giai đoạn “bình thường mới”, các lực lượng y tế chi viện cho TP Hồ Chí Minh đã lần lượt rút quân. Có người hỏi bác sĩ Khôi khi nào thì về nhà. Anh cười nhẹ, cuộc chiến nơi đây còn dài và nhiều cam go lắm. Phân khu Hồng Hà và Cửu Long vẫn cuộn sóng như những ngày đầu. Các chiến binh ở “mặt trận” phía Tây thành phố vẫn miệt mài và chưa một ai nghĩ đến ngày đoàn quân sẽ rạng rỡ mắt cười về lại với đời thường. Khi người này đặt gánh nặng xuống, tải trọng ấy sẽ được chuyển qua vai người khác. “Mặt trận” phía Tây thành phố sẽ dàn quân về phía Nam, tiếp nhận Trung tâm Hồi sức Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức đặt tại Bệnh viện dã chiến số 13 xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh.
Vẫn những “chiến binh” này, tiếp tục sứ mệnh “bay đêm” với những cuộc gọi từ các tầng thấp. Vẫn còn đó mồ hôi thanh xuân, nỗi khắc khoải, đêm trắng nhọc nhằn, những hối hả, âu lo... để hồi sinh cho những cuộc đời.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/mot-lan-toi-nhan-gian-phai-song-doi-ruc-ro-i639124/