Một lần vào Thanh
Đi như vậy mới là cuộc đời của một phóng viên. Và trên thực tế tôi đã có 'Một chuyến vào Thanh' không bao giờ quên…
Trung tâm TP Thanh Hóa.
Tôi nhớ đó là thời gian cuối năm 2008, một buổi chiều, Phó tổng biên tập Tuần báo Văn Nghệ, nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn gọi tôi vào văn phòng bảo: Tôi muốn ông vào Thanh Hóa một chuyến. Ông đi một mình, không được qua Văn phòng đại diện của báo!... Lúc này đại diện của báo Văn Nghệ ở Thanh Hóa là nhà văn Kiều Vượng – Một người quê gốc Thanh Hóa và rất nhiều năm lăn lộn với vùng đất này kể từ hồi chiến tranh chống Mỹ. Từ ngày báo Văn Nghệ có đại diện ở Thanh Hóa, uy tín tờ báo của Hội Nhà văn Việt Nam được nâng lên rất nhiều, tờ báo Văn Nghệ đã góp tiếng nói vào công cuộc xây dựng và đổi mới Thanh Hóa nói riêng (trong đó có một phần đóng góp không nhỏ của nhà văn Kiều Vượng) và cả nước nói chung. Trong rất nhiều nguyên nhân khẳng định được vị thế của một tờ báo “Văn” chính là việc: Báo Văn Nghệ đã có tính đời sống xã hội hơn!
Thời gian này khái niệm “báo mạng” vẫn còn xa lạ. Riêng báo Văn Nghệ có 4 ấn phẩm : Báo Văn Nghệ, Văn Nghệ Trẻ (đây là hai tờ tuần báo), Văn Nghệ Dân tộc miền núi, báo Thơ (hai tờ này là nguyệt san). Báo Văn Nghệ được anh em trong tòa soạn gọi với cái tên “báo chính”, Văn Nghệ Trẻ là báo trẻ. Chính tờ Văn Nghệ Trẻ thời kỳ này có sự chuyển biến mạnh mẽ nhất. Bên cạnh mục đích là văn học nghệ thuật thì việc đi vào những vấn đề “nóng, bức xúc” của xã hội đã đưa tờ báo đến gần với bạn đọc hơn, mang tính xã hội hơn là một tờ báo chuyên văn.
Báo Văn Nghệ Trẻ thời kỳ này có một đóng góp rất lớn vào việc “chống tiêu cực” mà điền hình là việc tham nhũng đất đai ở Đồ Sơn, Hải Phòng. Nói thì đơn giản thế nhưng đối với phóng viên là một việc vô cùng kỳ công và khó nhọc. Tôi nhớ những chuyến công tác, anh em phóng viên phải lên tận bến Nghiêng – cái bến chót vót của biển Đồ Sơn. Đồ Sơn là một trong những bãi biển du lịch sầm uất nhất miền Bắc lúc bấy giờ… Ngày ấy bến Nghiêng còn hoang vu lắm. Đêm đêm, tôi ra thềm bến ngồi ngắm sao trời trong mênh mông sóng vỗ mà nhớ đến những chuyến tàu “Không số”, đây là nơi xuất phát của những chuyến tàu làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, đạn dược cho chiến trường miền Nam của “Đường Hồ Chí Minh” trên biển. Phóng viên không dám xuất hiện ở những chỗ đông người vì rất nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân chính là sợ bị “tai nạn trong khi tác nghiệp” vì vụ đất đai ở Đồ Sơn đang giai đoạn điều tra, tìm hiểu!
Nhận nhiệm vụ từ nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn, tôi lên đường vào Thanh Hóa bằng xe gắn máy. Công việc là “nhìn mặt bên kia” của danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới Nhà nước phong tặng cho ông Lê Văn Tam – Giám đốc Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn (gọi tắt là Mía Đường Lam Sơn)! Ý của nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn muốn đi tìm “khoảng tối dưới chân cột đèn”!
Rong ruổi cả một buổi chiều với gần 150 km trên “Quốc lộ Một”mới vào đến thành phố Thanh Hóa. Phố xá đã lên đèn, Văn phòng đại diện của báo ngay trước mặt mà không thể đến được. Cảm giác như được về nhà, đến cổng rồi mà không được vào thật khó diễn tả. Số là thế này, Anh hùng lao động Lê Văn Tam rất thân với nhà văn Kiều Vượng. Biết tôi lên Mía Đường Lam Sơn thì chỉ một cuộc điện thoại của ông Vượng vấn đề sẽ khác. Tôi sẽ đến Mía Đường Lam Sơn với tư cách một nhà báo không có ai giới thiệu, bằng chính nhận thức của mình mà có những nhận xét xác đáng.
Tối ấy, thông qua một người bạn, tôi tá túc lại một nhà người quen. Tôi không nhớ rõ đó là địa điểm cụ thể nào của thành phố Thanh Hóa. Song, chỉ cách đấy vài dãy phố là một siêu thị hiện đại nhất Thanh Hóa. Đó là một khu tập thể cũ, chủ nhà làm nghề nấu rượu… Suốt cả đêm tôi sống trong không khí nồng nã của hơi rượu vừa được cất, trộn lẫn với mùi chuồng lợn mà chủ nhà nuôi bằng bỗng rượu để “khép kín quy trình” sản xuất trong một diện tích vài chục mét vuông... Biết thế này, lúc chập tối tôi tìm đến một nhà nghỉ nào đó xa trung tâm một chút, chắc khá hơn. Đêm đã về khuya, tôi tự nhủ, cuộc đời của một phóng viên như thế này là… thường!
Tôi đã từng có mặt ở thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) vào mùa vải chín. Trong những năm tháng ấy vải chưa nhiều như bây giờ, cung cách sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch là cả một vấn đề với người trồng vải. Đến địa bàn công tác, tôi có thể trình thẻ phóng viên hay giấy công tác để kiếm một chỗ trong nhà khách của huyện… Song, như thế làm sao có một bài báo mang hơi thở của đời sống. Thế là suốt mấy ngày trời tôi trong vai một người đi “hái vải thuê”, đêm đêm lăn lộn trong những dãy nhà làm vội vã cho những người ở nơi khác đến. Họ cứ chờ ở đấy để những chủ vườn đến mặc cả công xárồi dẫn đi. Nhiều lúc tôi chợt nghĩ: Nô lệ hay là người làm thuê ngày trước tôi được đọc, được học trong sách vở có lẽ cũng như thế này thôi!
Sáng hôm sau, rời thành phố Thanh Hóa lên đường đi Thọ Xuân đến Mía Đường Lam Sơn. Đi đến thị trấn Rừng Thông (thị trấn của huyện Đông Sơn) thì mưa tầm tã. Suốt mấy chục cây số dầm mưa mới thấy tiếc khi không vào Văn phòng đại diện Thanh Hóa. Vào đây chắc tôi đã đến Mía Đường Lam Sơn bằng ô tô của nhà văn Kiều Vượng lâu rồi… Sau một vài thủ tục trình báo, tôi được đích thân ông Lê Văn Tam tiếp bằng một câu mở đầu đầy ấn tượng: Mưa gió thế này, chẳng mấy khi nhà báo có dịp về cơ sở công tác. Mời nhà báo ở chơi lấy… một tháng! Chúng tôi có một đội xe, nhà báo chọn lấy một cái đi thăm thú vùng nguyên liệu của nhà máy!
Tôi nhận lời nhưng không dùng xe ô tô của Mía Đường Lam Sơn. Lại bằng xe gắn máy, tôi rong ruổi mấy ngày trời qua các huyện trồng mía ven sông Mã, sông Bưởi, sông Chu của miền tây Xứ Thanh. Hơn chục năm rồi đến hôm nay vẫn còn nguyên cảm giác. Tôi đã có những ngày như thế. Tôi đi trong mía, mía trùng trùng điệp đồi nọ nối đồi kia, mía ngờm ngợp cả đất trời. Mỗi khi có một làn gió thổi đến, cơ man nào lá mía cứ như ngàn vạn mũi gươm khua lên trong xào xạc…
Một cảm xúc nhân văn bỗng xuất hiện, cảm xúc này không mấy lúc thấy trong cuộc đời phóng viên. Tuy không nhiều năm trong nghề nhưng với tôi, tỉnh táo và sáng suốt là chìa khóa cho thành công của một bài báo. Nghĩ vậy nhưng cảm xúc ấy vẫn dâng trào ngay mặt đất dưới chân mình. Cũng đất này mà đói, mà nghèo… Nghèo đói đến nỗi có những năm vào ngày giáp hạt, dân phải đi quét hạt vàu để ăn thay cơm. Thế mà nay, cây mía và Mía Đường Lam Sơn đã mang lại sự thay đổi diệu kỳ. Sự thay đổi diệu kỳ ấy một phần không nhỏ là công của ông Lê Văn Tam – Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới!
Cứ thế tôi đi từ Thọ Xuân, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Triệu Sơn…, tất cả hầu như chỉ có mía và người dân trồng mía nói về “người anh hùng” của họ. Những người Thái, người Mường, bảo: Đấy anh xem, điện ông Tam, đường, đập ông Tam, trường học ông Tam… Vâng, tôi đã nhận ra một điều hiển nhiên: Ông Lê Văn Tam là biểu tượng của Mía Đường Lam Sơn rồi còn gì. Ông Tam lấy biểu tượng là 3 cây mía chụm lại làm biểu tượng cho nhà máy. 3 cây mía chụm lại là tượng trưng cho sự cộng lực của cá nhân, tập thể và Nhà nước! Thành công của Mía Đường Lam Sơn là đây!
Sau chuyến đi ấy, một chuyến đi đầy khó nhọc và cũng là chuyến đi duy nhất không có bài trong đời làm báo không dài của tôi. Khi được hỏi, tôi nói với Phó tổng biên tập rằng, chúng ta đã in rất nhiều bài về Mía Đường Lam Sơn, về Anh hùng Lao động Lê Văn Tam trong thời kỳ đổi mới… như thế là đủ. Song với riêng tôi, tôi đã nhìn rất nhiều phía của danh hiệu anh hùng (như đã nói ở trên), đó là tiếng nói của người dân vùng mía nói về chính việc làm của họ. Trước khi ra về tôi không quên ghé vào Văn Phòng đại diện báo Văn Nghệ ở Thanh Hóa chào nhà văn Kiều Vượng. Ông Vượng bảo: “Mi không ghé vô, tau đưa mi đi có phải đỡ nhọc không”!
Tôi muốn nói với nhà văn: Đi như vậy mới là cuộc đời của một phóng viên. Và trên thực tế tôi đã có “Một chuyến vào Thanh” không bao giờ quên…
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ve-voi-xu-thanh/mot-lan-vao-thanh/120627.htm