Một loạt bang của Mỹ công bố các biện pháp hạn chế mới

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Washington, D.C., Mỹ. - Ảnh: THX/TTXVN

* WHO điều tra khả năng xuất hiện ổ dịch COVID-19 tại trụ sở ở Geneva

Trong nỗ lực ngăn chặn đà lây lan của virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, ngày 16/11, một loạt bang trên khắp nước Mỹ đã công bố các biện pháp hạn chế mới phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này.

Các bang New Jersey, California, Ohio và TP Philadelphia, thành phố lớn nhất của bang Pennsylvania, đã gia nhập danh sách các bang và khu vực tái áp đặt các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 và bệnh nhân nhập viện trên toàn quốc tăng đột biến trong những tuần gần đây.

Các chuyên gia y tế cảnh báo dịp nghỉ lễ Giáng sinh sắp tới và thời tiết chuyển lạnh hơn sẽ làm trầm trọng thêm xu hướng này, khi người dân tổ chức các buổi tụ họp trong nhà nhiều hơn.

Nhà chức trách TP Philadelphia đã ban bố lệnh cấm các cuộc tụ họp trong nhà với mọi quy mô tại tất cả các địa điểm công cộng lẫn riêng tư, ngoại trừ những cá nhân sống cùng nhau. Ủy viên Y tế thành phố Thomas Farley đã nhấn mạnh sự cần thiết phải phải ngăn virus SARS-CoV-2 lây lan giữa các gia đình. Quan chức này cảnh báo nếu số ca mắc tiếp tục gia tăng "theo cấp số nhân" như hiện nay, các bệnh viện sẽ sớm bị quá tải và sẽ có hơn 1.000 người có thể tử vong trong 6 tuần tới.

Tại bang New Jersey, một trong những bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong giai đoạn đầu đại dịch ở Mỹ, Thống đốc Phil Murphy cho biết sẽ yêu cầu các buổi tụ họp trong nhà giữa những gia đình khác nhau chỉ được phép tối đa 10 người tham gia, giảm từ mức 25 người, trong khi giới hạn áp dụng với các buổi tụ họp ngoài trời là 150 người, giảm từ mức 500 người.

Tại miền Trung Tây, Thống đốc bang California Gavin Newsom đã công bố một loạt biện pháp khẩn cấp nhằm kiểm soát tốc độ lây lan kinh hoàng của dịch COVID-19 tại bang này. Các quy định hạn chế về xã hội và thương mại sẽ được siết chặt từ ngày 17/11 tại 40 trong tổng số 58 hạt của bang này, vốn chiếm 94% dân số bang.

Điều này đồng nghĩa các quán bar và nhà hàng không được phép phục vụ khách hàng trong nhà, trong khi các doanh nghiệp và hoạt động tụ họp nơi công cộng cũng phải tuân thủ những quy định hạn chế mới.

California cũng đang xúc tiến ban hành hướng dẫn bảo vệ vùng mũi, miệng, theo đó yêu cầu người dân đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài, trừ một số trường hợp ngoại lệ. Tại bang Ohio, nơi số ca mắc hằng ngày đã tăng 17% và số ca nhập viện tăng ít nhất 25% trong tuần qua, Sở Y tế bang đã ban bố lệnh hạn chế tụ tập đông người, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 17/11.

Trong khi đó, Thống đốc bang Oklahoma Kevin Stitt cùng ngày cũng yêu cầu các quán bar và nhà hàng tại bang này phải đóng cửa vào lúc 23 giờ mỗi ngày, bắt đầu từ ngày 19/11, trong khi khoảng 33.000 nhân viên nhà nước sẽ phải đeo khẩu trang tại nơi làm việc từ ngày 18/11.

Tại New Mexico, Thống đốc Michelle Lujan Grisham lên tiếng kêu gọi người dân ở trong nhà ngoại trừ các hoạt động cần thiết.

Theo trang thống kê worldometers.info, Mỹ đã ghi nhận tổng cộng 11,52 triệu ca mắc và hơn 252.600 ca tử vong do COVID-19. Tính trung bình trong tuần qua Mỹ ghi nhận hơn 148.000 ca mắc mới và 1.120 ca tử vong mỗi ngày.

Trong diễn biến khác, cùng ngày 16/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đã có 65 trường hợp mắc bệnh COVID-19 trong số các nhân viên tại trụ sở của tổ chức này ở Geneva kể từ khi đại dịch bùng phát.

Theo bà Maria Van Kerkhove, người phụ trách ứng phó với COVID-19 của WHO, trong tuần qua có 5 nhân viên của WHO có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, tuy nhiên tất cả các trường hợp này đều ổn, triệu chứng bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Trong khi đó, Giám đốc phụ trách Chương trình Khẩn cấp của WHO Mike Ryan cho biết đang điều tra khả năng xuất hiện ổ dịch tại trụ sở của cơ quan này. Theo ông Ryan, bang Geneva của Thụy Sĩ, nơi đặt trụ sở của WHO, và bang Vaud lân cận, hiện nằm trong số những khu vực có tốc độ lây nhiễm SARS-CoV-2 mạnh nhất trên thế giới. Trong khi đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 16/11 đã trở lại cuộc sống bình thường sau khi cách ly do tiếp xúc với người mắc COVID-19.

Tại Anh, hãng tin Sky News cùng ngày cho biết 10 nghị sĩ Đảng Bảo thủ của nước này đang tự cách ly sau khi được thông báo họ đã tiếp xúc với người mắc COVID-19. Thông tin này được đưa ra một ngày sau khi một người phát ngôn của Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết Thủ tướng Boris Johnson đang tự cách ly với lý do tương tự.

Ông Johnson đã có cuộc họp với 6 nghị sĩ tại Phố Downing (Văn phòng Thủ tướng) ngày 12/11 vừa qua. Trong số này, nghị sĩ Lee Anderson sau đó có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Hiện tất cả các nghị sĩ này đang tự cách ly. Ngoài ra, 4 nghị sĩ khác cũng tự cách ly, song không rõ các nghị sĩ này có tham gia cuộc họp trên hay không.

Tại Canada, tổng số ca mắc COVID-19 đến ngày 16/11 đã tăng lên 301.332 ca, trong đó 11.007 ca tử vong. Số liệu của Cơ quan Y tế công cộng cho thấy Canada ghi nhận số ca mắc mới trung bình mỗi ngày hơn 4.000 ca kể từ ngày 6/11 vừa qua.

Trong đó, tỉnh Ontario ngày 16/11 công bố thêm 1.487 ca mắc mới và là ngày thứ 11 liên tiếp tỉnh này ghi nhận số ca mắc mới ở mức 4 con số, theo đó nâng tổng số ca mắc tại tỉnh này lên 95.496 ca với 3.371 ca tử vong.

Bộ Y tế Brazil thông báo đã ghi nhận thêm 13.371 ca mắc và 216 ca tử vong trong 24 giờ qua. Như vậy, tính đến hết ngày 16/11, nước này ghi nhận tổng cộng gần 5,9 triệu ca và 166.014 ca không qua khỏi.

Chile công bố thêm 1.331 ca mắc, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia Nam Mỹ này lên 532.604 ca. Số ca tử vong tăng thêm 44 ca lên 14.863 ca.

Bộ Y tế Mexico cùng ngày 16/11 thông báo ghi nhận thêm 319 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc COVID-19 không qua khỏi tại nước này lên 98.861 ca. Số ca mắc tăng thêm 2.874 ca lên 1.009.396 ca.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/248987/mot-loat-bang-cua-my-cong-bo-cac-bien-phap-han-che-moi.html