Một loạt thông tin tích cực của thị trường ngũ cốc thế giới
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 12/7 bày tỏ hy vọng thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen sẽ được nối lại và thỏa thuận cuối cùng về vấn đề này sẽ được ký kết tại thành phố Istanbul.
Ông Erdogan cho biết: "Chúng tôi đã thảo luận về thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Chúng tôi sẽ tuân thủ tiến trình. Nếu chúng ta có thể tập hợp cả hai bên về vấn đề này, tôi hy vọng các bước sẽ được thực hiện hướng tới khởi động lại sáng kiến Biển Đen. Chúng tôi hy vọng sẽ hoàn tất quá trình này ở Istanbul. Đây là những kỳ vọng của chúng tôi".
Trước đó, phát biểu với báo giới, ông Erdogan cho hay Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm hỗ trợ nối lại thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen. Tuy nhiên, lần này, Thổ Nhĩ Kỳ muốn hành lang ngũ cốc chạy qua lãnh thổ của mình và đưa nguồn cung cấp nông sản đến các nước châu Phi không được đảm bảo an ninh lương thực.
Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen được ký kết tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, vào ngày 22/7/2022 và đã hết hạn vào ngày 17/7/2023.
Báo cáo mới đây của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) dự đoán sản lượng ngũ cốc toàn cầu năm 2024 sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại, với 2.854 triệu tấn.
Theo báo cáo tóm tắt về cung và cầu ngũ cốc của FAO, những dự báo tăng lên là do triển vọng thu hoạch ngô tốt hơn ở Argentina và Brazil, cũng như Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine, sẽ bù đắp cho việc hạ thấp triển vọng sản lượng ở Indonesia, Pakistan,....
Sản lượng lúa mỳ cũng được dự báo sẽ tăng nhờ triển vọng thu hoạch tốt hơn ở châu Á, đặc biệt là Pakistan, bù đắp mức giảm dự kiến ở Liên bang Nga do thời tiết khắc nghiệt ở các khu vực sản xuất lúa mỳ lớn vào đầu mùa. Sản lượng gạo toàn cầu dự kiến đạt mức kỷ lục là 535,1 triệu tấn.
Tổng mức sử dụng ngũ cốc trên thế giới trong niên vụ 2024/25 được dự báo sẽ tăng lên 2.856 triệu tấn, tăng 0,5% so với năm trước, dẫn đầu là gạo và ngũ cốc thô.
Còn theo báo cáo Triển vọng mùa màng và Tình hình lương thực mới nhất của FAO, xung đột đang tạo ra tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, đặc biệt là ở Yemen (Y-ê-men), nơi ước tính gần 4,6 triệu người ở các khu vực do chính phủ kiểm soát đang phải đối mặt với tình trạng thiếu ăn, và Dải Gaza và Sudan (Xu-đăng), nơi người dân cũng đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu lương thực và nạn đói.
Ấn phẩm xuất bản ba năm một lần của Hệ thống cảnh báo sớm và thông tin toàn cầu (GIEWS) của FAO đưa ra đánh giá chi tiết về xu hướng nạn đói ở 45 quốc gia được xác định là cần hỗ trợ từ bên ngoài về lương thực. Báo cáo cũng cung cấp thông tin chi tiết về sản lượng và triển vọng ngũ cốc theo khu vực.
Sản lượng ngũ cốc ở các quốc gia thiếu hụt lương thực thu nhập thấp dự kiến sẽ tăng vào năm 2024, nhưng tốc độ tăng trưởng không đồng đều ở nhóm 44 quốc gia.