Một lòng đàn tính, hát then

Ở tuổi 79, nghệ nhân Nguyễn Thị Bích Liên vẫn đều đặn chạy xe từ nhà riêng (phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM) đến Trung tâm Văn hóa thể thao quận Tân Bình mỗi sáng thứ hai đầu tuần để hướng dẫn các hội viên học đàn tính, hát then. Với vốn liếng gần 20 năm học được, bà dạy miễn phí cho mọi người.

Học nhạc Tây lại mê… đàn tính

“Tôi không phải người dân tộc Tày, Nùng. Tôi là người Kinh, được sinh ra tại TPHCM. Ba má tôi và gia đình, dòng họ đều ở trong này”, nghệ nhân Nguyễn Thị Bích Liên mở đầu câu chuyện với chất giọng nhỏ nhẹ, trầm ấm.

Bà nhớ lại, năm 1969, qua làn sóng phát thanh, bà tình cờ nghe được nghệ sĩ người Tày Thanh Loan hát bài Việt Bắc nhớ Bác Hồ. Bà kể: “Lúc đó tôi phải thốt lên, âm nhạc hay quá đi. Nghe tự nhiên thấy mê tiếng đàn tính, cứ nghe đi nghe lại dù không biết làm sao. Giọng hát và ca từ đã làm tôi mê đắm”. Vừa kể, bà vừa nhẩm theo nhịp điệu của ca khúc năm nào vẫn in hằn trong tâm trí.

Trước khi đến với cây đàn tính - hát then, nghệ nhân Bích Liên đã có cơ hội tiếp xúc với các nhạc cụ phương Tây từ khi mới 5-6 tuổi. Bà học mandolin, piano… từ cha mình, người từng tham gia giảng dạy tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Âm nhạc đã trở thành một phần thật đẹp trong ký ức tuổi thơ cuộc đời bà, rong ruổi theo cha và gia đình từ Nam ra Bắc.

Tuy nhiên, thay vì theo con đường âm nhạc như cha và anh trai (từng học Trường Quốc gia Âm nhạc Việt Nam), bà rẽ hướng sang học ngành Kỹ thuật hóa học (Đại học Bách khoa Hà Nội). Khi đất nước giải phóng, bà trở lại miền Nam, về tận Cà Mau làm kỹ sư hóa học, Giám đốc Liên hiệp Xí nghiệp Dệt Minh Hải…

 Gần 20 năm nghệ nhân Nguyễn Thị Bích Liên vẫn miệt mài theo đuổi thực hành then

Gần 20 năm nghệ nhân Nguyễn Thị Bích Liên vẫn miệt mài theo đuổi thực hành then

Dẫu không theo nghiệp đàn, hát nhưng tình yêu với âm nhạc trong bà chưa bao giờ tắt. “Những năm gắn bó với nhà máy, xí nghiệp tôi vẫn tạo điều kiện và thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ, mua thêm nhạc cụ cho anh em công nhân giao lưu, biểu diễn”, bà chia sẻ.

Mối duyên nối dài

Nghỉ hưu, trở lại TPHCM cũng là lúc bà có cơ hội được sống trọn vẹn với đam mê năm nào. Nhờ những kiến thức nhạc lý được cha hướng dẫn trong nhiều năm, bà được mời tham gia giảng dạy tại Trường Suối Nhạc TPHCM. Cuối năm 2006, bà bắt đầu tiếp xúc với đàn tính - hát then khi tham gia sinh hoạt tại CLB Nắng Mới và gắn bó đến bây giờ, ngót nghét gần 2 thập niên. Nhìn lại hành trình ấy như cái chớp mắt nhưng nó là cả sự kiên trì và lắm gian nan. Nhưng trên hết, bà chưa khi nào nghĩ sẽ từ bỏ.

Người thầy dạy đầu tiên cho bà là ông Hoàng Quân, một nhạc sư người Tày sống tại TPHCM. Bà nhớ lại: “Cũng may vì tôi đã được học nhạc lý cơ bản, biết cung quãng của phím đàn nên ban đầu làm quen tôi cứ nhìn vô bản nhạc rồi đánh. Đàn tính có khác biệt là chỉ có 3 dây nên cũng có những bỡ ngỡ nhất định. Được chỉ dạy, tập rồi mình cũng biết, dần dần thành thạo”.

Nhưng, dấu mốc lớn nhất với bà đó là khi tham gia Liên hoan Hát then, đàn tính toàn quốc lần thứ 3, năm 2009. Khi đó, với vai trò nhạc công chính, bà cùng CLB Nắng Mới giành giải A toàn đoàn và giải A cá nhân. Từ đó, bà bắt đầu tham gia giảng dạy bộ môn này tại CLB Nắng Mới, CLB Bình Minh, CLB Ca nhạc dân tộc nhóm trẻ và hiện tại là CLB Dân ca Tây Bắc… Điều ý nghĩa hơn cả, trong chuyến Bắc tiến năm ấy, bà đã có cơ hội làm quen với rất nhiều nghệ nhân giỏi: Triệu Quang La, Triệu Bích Phượng…

“Tôi ra Cao Bằng ở hẳn 2 tháng để học nghề. Các nghệ nhân, có người nay đã qua đời, đã tận tình chỉ dạy tôi các làn điệu then một cách bài bản. Cộng với vốn kiến thức tích lũy trước đó, tôi không khó để ký âm lại. Cũng vì thế, tôi tích lũy được nhiều vốn liếng để về truyền dạy sau này”, bà kể lại.

Trong quá trình thực hành di sản then, theo nghệ nhân Bích Liên, khó hơn cả là nhiều làn điệu bằng tiếng Tày - ngôn ngữ mà theo bà, khó hơn cả học tiếng Anh. Để giải quyết bài toán đó, bà nhờ người dạy phiên âm tiếng Tày và tích lũy dần. Hiện tại, một số làn điệu then bà có thể hát được cả tiếng Việt và tiếng Tày. May mắn hơn, khi về sinh hoạt và giảng dạy tại CLB Dân ca Tây Bắc khoảng 3 năm trở lại đây, có một vài hội viên là người Tày chính gốc giúp phiên âm nên “vốn” từ của bà cũng nhiều hơn.

Học hỏi không ngừng

Chị Nguyễn Thị Phiến, 60 tuổi, một người con dân tộc Tày, đã không giấu được niềm xúc động khi được cầm trên tay cây đàn quê hương, hát tiếng quê mình qua sự chỉ dạy của nghệ nhân Bích Liên khi tham gia CLB Dân ca Tây Bắc. “Tôi có cảm giác như đang sống ở quê hương và thích thú khi được cất lên làn điệu mình đã gắn bó với một thời tuổi thơ. Hiện, gia đình tôi vẫn thường xuyên mở các tiết mục đàn tính hát then để nghe. Bản thân các con tôi cũng yêu thích và con gái tôi đã biết bộ môn này”, chị Phiến tâm sự.

17 năm qua, theo trí nhớ của nghệ nhân Bích Liên, bà đã truyền dạy cho 115 học trò thuộc nhiều lứa tuổi. Theo bà, điều quan trọng nhất trong quá trình truyền dạy là “phải đưa hồn của bài hát hòa với tiếng đàn tính xúc cảm và hồn then. Người nghệ nhân vừa đàn vừa hát tạo nên lời ca và tiếng đàn luôn hòa quyện với nhau”. Trước mỗi buổi học, bà tận tình giúp từng hội viên cách lên dây đàn theo giọng cao thấp cùng các kỹ thuật gảy đàn, diễn tấu...

 Nghệ nhân Nguyễn Thị Bích Liên (bìa trái) hướng dẫn các hội viên CLB Dân ca Tây Bắc học đàn tính, hát then

Nghệ nhân Nguyễn Thị Bích Liên (bìa trái) hướng dẫn các hội viên CLB Dân ca Tây Bắc học đàn tính, hát then

Mỗi đối tượng, bà cũng cố gắng xây dựng cách truyền dạy riêng. Với các hội viên lớn tuổi, bà cho họ nghe trước các bản nhạc để thuộc bài, ngấm giai điệu rồi mới dạy từng nốt nhạc, phím đàn, cách bấm, gảy. Với các học viên trẻ hơn, đã có sẵn kiến thức nhạc lý, bà hướng dẫn kỹ về mặt kỹ thuật do sự khác biệt giữa các loại nhạc cũ. Bà xác định: “Mình phải dạy cho đúng, phải vững về nhạc lý để không bị bắt bẻ. Và quan trọng, phải có vốn bài phong phú để dạy”.

Cũng trong từng ấy thời gian, bà đã tích lũy cho mình một gia tài không nhỏ: có hàng trăm bài then, chỉ cần cầm đàn lên là có thể đàn hát. Nhưng sự học của bà không dừng lại ở đó. Giai đoạn cách ly do dịch Covid-19, với tâm thế ở nhà không làm gì, bà đăng ký theo học trực tuyến tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc.

“Tôi học không phải vì bằng cấp, mà muốn học theo sự bài bản, chuyên nghiệp cũng như phương pháp giảng dạy của họ. Phần cũng vì muốn tăng thêm vốn bài cho bản thân. Nhờ vậy, sau 2 năm tôi vỡ lẽ nhiều vấn đề, biết thêm rất nhiều làn điệu”, bà hóm hỉnh chia sẻ. Hiện nay, bà vẫn thường xuyên lên mạng xã hội theo dõi các tiết mục, thấy bài nào phù hợp với khán giả TPHCM thì cố gắng ký âm lại, viết lời mới sau đó tập cho các hội viên.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Bích Liên bày tỏ: “Nay tôi gần 80 tuổi rồi, cũng muốn truyền lại những gì đã học được. Các hội viên, nhiều người ở tuổi U60, U70 họ đam mê lắm, dù không phải ai cũng có điều kiện kinh tế. Nhiều người phải chắt chiu để bỏ ra số tiền vài triệu đồng mua cây đàn, các trang phục khác nhau phục vụ cho việc tập luyện, biểu diễn. Do đó, suốt những năm qua, tôi đều dạy hoàn toàn miễn phí”.

VĂN TUẤN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mot-long-dan-tinh-hat-then-post776475.html