Một lòng kiên trung với Đảng

Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, nhưng cựu chiến binh (CCB) Dương Văn Giá, ở xã Công Thành (Yên Thành, Nghệ An), Phó chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày tỉnh Nghệ An vẫn không thể quên ký ức về những ngày bị giam cầm ở 'địa ngục trần gian'- Nhà tù Phú Quốc (Kiên Giang).

Năm 1967, tròn 18 tuổi, chàng trai trẻ Dương Văn Giá vinh dự được kết nạp vào Đảng, rồi tình nguyện lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Sau 3 tháng huấn luyện ở một đơn vị thuộc Quân khu 4, Dương Văn Giá cùng đơn vị hành quân vào chiến trường miền Nam, tham gia chiến đấu ở mặt trận B5 (Quảng Trị), sau đó chuyển sang đơn vị đặc công Đông Nam Bộ.

Ngày 30-3-1969, khi đơn vị hành quân đến gần quốc lộ 4, thuộc địa bàn huyện Bến Lức (tỉnh Long An) thì được báo tin có địch phục kích, nên tiến hành ém quân chờ lệnh. Sáng 31-3-1969, từ Căn cứ Tiểu khu Long An, hàng loạt máy bay trực thăng của địch chở quân đổ bộ, oanh tạc vào khu vực đơn vị ẩn nấp. Tuy nhiên, đơn vị được lệnh giữ bí mật, không được nổ súng để bảo toàn lực lượng. Lúc này, đơn vị ông Giá có 32 cán bộ, chiến sĩ. Quân địch có khoảng 3 tiểu đoàn lính thủy lục chiến. Khi máy bay trực thăng của địch bay sát ngọn cây truy lùng lực lượng ta, bỗng có một loạt đạn súng tiểu liên AK bắn lên, bị lộ đội hình, đơn vị được lệnh nổ súng.

Cựu chiến binh Dương Văn Giá (ngoài cùng bên trái) và đồng đội ôn lại thời gian bị giam cầm tại Nhà tù Phú Quốc.

Cựu chiến binh Dương Văn Giá (ngoài cùng bên trái) và đồng đội ôn lại thời gian bị giam cầm tại Nhà tù Phú Quốc.

“Trận đấu diễn ra vô cùng ác liệt. Một quả rocket từ máy bay trực thăng, bắn thẳng xuống khu vực tôi và anh Hoàng Văn Uyển (người Nam Định). Tôi bị thương ở đùi, còn đồng đội bị thương rất nặng. Tôi cắn răng chịu đau bò lại, lấy lá tràm nhai nhỏ, đắp lên vết thương, cắt vải dù băng bó cho anh Uyển, rồi tự băng bó cho mình, sau đó để đồng đội trên lưng từ từ bò ra khỏi khu vực chiến sự. Đến lúc chân cứng lại không thể di chuyển được nữa, tôi đành lật ngửa đồng đội ra, khi ấy mới hay anh Uyển đã hy sinh”, CCB Dương Văn Giá bùi ngùi nhớ lại.

Dù bị thương nhưng ông Dương Văn Giá vẫn tiếp tục chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, sau đó tháo hai khẩu súng của mình và đồng đội nhấn dưới bùn sâu của kênh rạch cùng giấy tờ liên quan. Ông ém mình dưới lớp cỏ sát bờ kênh chờ trời tối để tìm cách lần về đơn vị. Tuy nhiên, khoảng 16 giờ, bọn địch truy tìm, phát hiện ra ông, túm tóc lôi lên, đấm đá túi bụi. Ông ngất đi, khi tỉnh dậy, thấy mình bị trói chân tay giam ở khu doanh trại của địch cùng hai đồng đội.

Trong suốt thời gian giam giữ, địch dùng mọi cực hình tàn khốc nhằm khai thác thông tin từ ông, nhưng không có kết quả gì. Chúng chuyển ông đến Nhà tù Biên Hòa tiếp tục tra tấn. Cuối tháng 4-1969, ông Giá bị đày ra Nhà tù Phú Quốc. Tại đây, người tù cộng sản Dương Văn Giá và đồng đội tiếp tục hứng chịu những ngón đòn tra tấn tàn bạo của quân thù.

Trong nhà lao, ông Dương Văn Giá được tổ chức phân công là Phó bí thư chi bộ phụ trách công tác đoàn. Thời điểm đó, có một kẻ chiêu hồi, đã khai ông là người hoạt động trong tổ chức bí mật của Đảng. Ngay sau giờ điểm danh buổi sáng, một tên địch vào nhà lao, hô to: “Tên nào là Trần Khắc Ba, số tù 7330” và đưa ông ra cổng trại. “Chúng đánh đập tôi hết sức dã man, bắt tôi cởi áo ra, dùng roi cá đuối đánh vào người, máu tứa thành dòng, thịt cũng theo roi cá đuối mà bung ra. Tôi cắn răng chịu đau, không khai báo, chúng tiếp tục bắt tôi quỳ trên nền xi măng, lấy một cây đòn dài chừng 3m càn vào gót chân, hai tên dẫm hai đầu, một tên kéo tóc tôi lật ngửa xuống; chúng dùng khăn bông phủ lên mặt, lấy nước xà phòng, pha ớt cay đổ vào miệng cho bụng căng lên, giẫm giày đinh lên bụng cho nước phọt ra mũi, ra miệng, khiến tôi ngất lên, ngất xuống. Khi tỉnh dậy, chúng lại cắm hai dây diện vào hai tai rồi quay điện... bắt tôi khai nhận”, CCB Dương Văn Giá hồi tưởng.

Sau một ngày tra tấn, biết không thể khuất phục được người lính Cụ Hồ, chúng đưa Dương Văn Giá sang trại biệt giam A2, đày ải khổ cực suốt 4 tháng trời, rồi chuyển qua trại C5. Tại đây, chúng dụ dỗ ông làm tay trong nhưng không được, chúng tiếp tục dùng nhiều cực hình dã man... không ít lần đồng đội phải đưa ông đến y tá trại cấp cứu, điều trị. Sau nhiều năm nếm đủ mọi cực hình nơi “địa ngục trần gian”, ngày 8-3-1973, người tù bất khuất Dương Văn Giá được trở về trong đợt trao trả tù binh; sau đó được đi an dưỡng, điều trị thương tật, phục hồi sức khỏe.

Về với cuộc sống đời thường, sức khỏe suy giảm 61%, thương tật 21%, CCB Dương Văn Giá vẫn tích cực tham gia nhiều hoạt động tại địa phương. Với những đóng góp xương máu cho cách mạng, CCB Dương Văn Giá được Đảng, Nhà nước phong tặng nhiều phần thưởng cao quý, nhưng điều ông tự hào nhất là gần 4 năm trong chốn lao tù tàn khốc của địch, trải qua bao đòn tra tấn của kẻ thù, nhưng không làm ông nhụt chí, mà luôn một lòng kiên trung với Đảng, giữ vững phẩm chất của người cộng sản, người lính Cụ Hồ.

Bài và ảnh: HOÀNG TRUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/mot-long-kien-trung-voi-dang-657535