'Một lớp trẻ ngày xưa sống như gió trên ngàn'

45 năm trước, năm 1976, hàng vạn chàng trai, cô gái trong màu áo Thanh niên xung phong (TNXP) đã 'tạm biệt mái trường, tạm biệt phố phường' để lên rừng xuống biển nhằm 'vá lại vết thương chiến tranh'.

Hoàn cảnh, xuất thân khác nhau, trình độ văn hóa khác nhau nhưng họ có chung mong muốn góp sức mình xây dựng và bảo vệ đất nước: “Thời mới lớn ở rừng yêu chẳng dám yêu/ Cả nhịp đập con tim cũng dành hết cho lý tưởng/ “Chịu khổ hôm nay để dân ta ngày mai vui sướng”/ Một lớp trẻ ngày xưa sống như gió trên ngàn!”. Tuyển tập truyện ngắn - ký - thơ - tản văn “Một thời chân đất” (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2021) là công trình tâm huyết của các cựu TNXP năm xưa được thực hiện để gây quỹ hỗ trợ, giúp đỡ đồng đội có hoàn cảnh khó khăn.

Ngày ấy họ lên đường, có chàng trai mười bảy tuổi Trần Ngọc Đệ “trốn nhà đi thanh niên xung phong” mong mỏi được đi xa, được góp sức trẻ dựng xây đất nước dẫu trải qua bao vất vả gian lao: “Sốt/ Ngày 13 bị sốt/ Ôi sao nóng vô cùng/ Cả thảy 70 lần/ Ta đếm từng cơn nóng/ Từng cơn lạnh trong xương/ Người thì cứ lâng lâng/ Đầu thì luôn nhức buốt/ Tay chân mỏi rã rời/ Nằm liệt giữa rừng sâu”. Lại có những người chưa biết chữ, để rồi có biết bao tình huống bất ngờ, như câu chuyện ngỏ lời “tôi yêu em” lại “lầm lỡ” viết thành “tôi yêu me” được kể lại trong truyện ngắn “Con đường văn tự”.

Trong lời chia sẻ của mình, nhà báo Đoàn Xuân Hải khẳng định: “Nếu có ai đó hỏi: “Được gì và mất gì khi đi TNXP?”, tôi sẽ không ngần ngại trả lời ngay: Được rất nhiều và chẳng mất gì cả!”. Tuy rằng trải qua những tháng ngày “ăn như tu, làm như phu” với những món ăn cười ra nước mắt thì “ở đâu có TNXP ở đó có tiếng cười”. Đọc “Một thời chân đất”, bắt gặp những trò tinh quái của “mấy tay nghịch ngợm”, biết bao kỷ niệm vui buồn, và cả những mối tình khó phai, đầy trắc trở, như câu chuyện tình yêu của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chẳng hạn.

Vào TNXP, cũng có nghĩa là vào đại học “Leng Cuốc Ky”, để ở đó học cách sống, học lối nghĩ, học yêu thương: “Chúng tôi đã học cách ăn cơm giữa trời mưa như trút nước, trên đầu chẳng có gì che. Học cách tìm thức ăn trên những cánh đồng hoặc ở những khu rừng âm u, học cách nấu ăn ở bất kỳ địa hình nào... Chúng tôi đã học cách chia sẻ từng con chữ, từng điếu thuốc; san sẻ cho nhau từng sợi quai dép râu, thư của người yêu từ thành phố gửi lên cũng trở thành “tài sản chung”, cả bọn chụm đầu vào đọc”...

Gần 50 tác giả cựu TNXP với hơn 100 bài viết đong đầy cảm xúc đã “tề tựu” trong cuốn sách “Một thời chân đất”. Có thể bắt gặp ở đó từ những tác giả lần đầu chia sẻ cảm xúc trên trang sách đến những văn nghệ sĩ đã quen thuộc với độc giả như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, các nhà thơ Hồ Thi Ca, Cao Vũ Huy Miên, nhạc sĩ Trương Quang Lục… “Một thời chân đất” vừa kể lại những câu chuyện từ ký ức thân thương, dựng lên cả một khung trời kỷ niệm của tuổi trẻ TNXP, vừa là “diễn đàn” văn chương của các cựu TNXP, đồng thời cũng là nhịp cầu để đồng đội ngày xưa, để độc giả thiện tâm ngày nay tỏ bày lòng tri ân.

Theo nhà báo Bùi Nguyễn Trường Kiên, "Một thời chân đất” là nơi những người còn sống ngậm ngùi trước những mất mát không có gì bù đắp được với những TNXP đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường và cả những góc đời sau đó, khi đã giã từ màu áo xanh trở về với đời thường. "Một thời chân đất” cũng là để chia sẻ với những anh chị em, mà cho đến hôm nay vẫn nhọc nhằn gánh nặng mưu sinh, tất cả cùng hướng về nhau, để “một thời là đồng đội, cho chúng ta mãi mãi tình thân”.

Vân Lam

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/997729/mot-lop-tre-ngay-xua-song-nhu-gio-tren-ngan