Một mớ bòng bong
Nền chính trị Lebanon vẫn đang quay vòng trong một mớ bòng bong không lối thoát khi cho đến nay vẫn chưa có được một chính phủ để điều hành đất nước sau khi Thủ tướng Saad al-Hariri tuyên bố từ chức trước áp lực của người biểu tình.
Nền chính trị Lebanon vẫn đang quay vòng trong một mớ bòng bong không lối thoát khi cho đến nay vẫn chưa có được một chính phủ để điều hành đất nước sau khi Thủ tướng Saad al-Hariri tuyên bố từ chức trước áp lực của người biểu tình.
Trong ngày 8-11, Thủ tướng vừa từ chức này đã có cuộc gặp Tổng thống Michel Aoun nhưng không đạt được bước tiến nào trong việc thành lập chính phủ mới. Ông Hariri đang có các cuộc họp kín với những đảng phái khác nhau trong nội các liên minh vừa giải tán về cách thức thành lập chính phủ mới nhưng chưa có dấu hiệu đạt được thỏa thuận nào. Chủ tịch Quốc hội Nabih Berri, một chính trị gia dòng Shiite có ảnh hưởng cho biết ông vẫn đề cử ông Hariri làm Thủ tướng, cho rằng điều này là vì lợi ích của Lebanon.
Tuy nhiên, hiện Tổng thống Aoun chưa chính thức bắt đầu tiến trình tham vấn với các nghị sĩ Quốc hội về việc đề cử Thủ tướng mới. Cả hai ông Aoun và Hariri đã thảo luận các vấn đề nhằm giải quyết tình trạng không có chính phủ hiện tại. Cả ông Aoun và Berri là đồng minh của nhóm Hezbollah dòng Shiite được Iran hậu thuẫn. Hezbollah hiện chưa tuyên bố ủng hộ ứng cử viên nào cho vị trí thủ tướng mới. Nhưng khả năng là ông Hariri có thể sẽ trở lại chiếc ghế mà mình đã rời bỏ. Trong cuộc họp với các quan chức của Ngân hàng Thế giới (WB) trước đó, Tổng thống Aoun đã khẳng định, chính phủ mới của nước này sẽ bao gồm các bộ trưởng giàu kinh nghiệm, có năng lực và đủ khả năng điều hành đất nước.
Đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc nội chiến 1975-1990, Lebanon bị lún sâu vào tình trạng rối loạn kể từ ngày 17-10 bởi làn sóng biểu tình lớn chưa từng có tiền lệ chống lại giới cầm quyền, dẫn đến việc Thủ tướng Hariri phải từ chức vào hôm 29-10. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng tại Lebanon đã mở cửa trở lại từ hôm 1-11 sau 2 tuần đóng cửa nhưng khách hàng vẫn bị hạn chế trong việc chuyển khoản ra nước ngoài và rút tiền mặt. Cho đến nay, hầu hết các hoạt động chuyển khoản ngân hàng ra khỏi Lebanon vẫn bị chặn, trừ một số ngoại lệ như trả các khoản thế chấp nước ngoài và học phí. Có nguồn tin thậm chí cho biết, các hạn chế còn bị siết chặt hơn.
Các ngân hàng không áp dụng chính sách hạn chế “nhưng đang ưu tiên” xử lý các yêu cầu chuyển khoản của khách hàng sau hai tuần đóng cửa khiến công việc bị dồn đống.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_215689_mot-mo-bong-bong.aspx