Một mô hình nuôi cá chạch thương phẩm hiệu quả ở Hải Trung

Nhờ nhanh nhạy trong sản xuất, nắm bắt tốt xu thế thị trường, ông Nguyễn Vũ Năm, hội viên chi Hội Nông dân xóm 19, xã Hải Trung (Hải Hậu) đã thử nghiệm và xây dựng thành công mô hình nuôi cá chạch thương phẩm cho hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình nuôi cá chạch sụn hiệu quả kinh tế cao của ông Nguyễn Vũ Năm, hội viên chi Hội Nông dân 19, xã Hải Trung.

Mô hình nuôi cá chạch sụn hiệu quả kinh tế cao của ông Nguyễn Vũ Năm, hội viên chi Hội Nông dân 19, xã Hải Trung.

Xuất thân từ một gia đình thuần nông, qua nhiều năm làm nông nghiệp và kinh doanh nhỏ lẻ, thu nhập thấp nên cuộc sống gia đình ông Năm gặp nhiều khó khăn. Ông hiểu rằng không có cách nào khác là phải dám nghĩ, dám làm, đặc biệt là phải tìm hướng đi mới cho mình. Ông đã đi đến các vùng, các tỉnh để tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi, tham quan các mô hình để “mượn” cách thoát nghèo, làm giàu ngay từ đồng đất quê hương. Năm 2019, ông cùng một số người bạn đã thuê, mượn lại hơn 2ha đất ruộng 2 lúa sản xuất kém hiệu quả, người dân không còn nhu cầu cấy tại khu vực Cồn Tôm để xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp kết hợp trồng trọt và nuôi thủy sản. Thực tế không như suy nghĩ, việc quy tụ ruộng đất, tổ chức sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm là một bài toán không đơn giản. Trong năm đầu tiên, mô hình trồng lúa đặc sản kết hợp với nuôi cá của ông không những không có lãi mà còn thua lỗ. Nhưng ông không nản, ngẫm nghĩ tìm nguyên nhân, những điểm cần sửa chữa, khắc phục, những kinh nghiệm tiếp tục phát huy. Được sự động viên của gia đình, xóm đội, Hội Nông dân xã và tích lũy được những kinh nghiệm thực tế, ông tiếp tục thuê thêm gần 3ha đất 2 lúa kém hiệu quả và tổ chức quy hoạch lại sản xuất thành các ruộng, ao nuôi riêng biệt để trồng các giống lúa nếp đặc sản, gạo tẻ ST25 và nuôi thả cá nước ngọt. Khi mô hình bắt đầu có thu nhập và lãi thì đến vụ xuân 2022, thời tiết không thuận lợi, sâu bệnh phức tạp khiến trồng lúa không có hiệu quả. Tự nhủ “thua keo này, bày keo khác”, ông lại tính toán phân tích kỹ và quyết định chuyển hướng sản xuất khác, dù có phải mất thời gian, công sức, tiền của để học hỏi, làm lại từ đầu.

Với ý chí quyết tâm cao, ông Năm tiếp tục đi tham quan, học tập các mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, có thể áp dụng. Rồi ông nhận thấy có nhiều hộ dân thành công nhờ nuôi cá chạch thương phẩm. Tìm hiểu thấy thị trường vẫn còn nhiều cơ hội, người tiêu dùng có xu thế ưa chuộng loài thủy sản này, đầu năm 2023 ông quyết định đầu tư nuôi thử ở 2 ao. Quá trình nuôi, ông thấy cá chạch có nhiều ưu điểm như chu kỳ nuôi ngắn, khoảng 3,5-4 tháng/lứa; sức đề kháng cao, ít xuất hiện bệnh tật; giá bán cao, thị trường tiêu thụ thuận lợi nên hiệu quả kinh tế cao. Ông Năm chia sẻ, nhờ nuôi đúng quy trình kỹ thuật và có sự đầu tư chăm sóc tốt nên ngay từ lứa đầu và lứa thứ 2, gia đình ông đã thu về trên 20 tấn chạch thương phẩm, bán cho thương lái với giá 55 triệu đồng/tấn, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí lãi hơn 100 triệu đồng. Được Hội Nông dân xã tạo điều kiện giúp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông tiếp tục mở rộng quy mô nuôi cá chạch thương phẩm lên 8 ao nuôi với tổng diện tích 3,6ha. Đồng thời, ông xây dựng khu ao nuôi cá chạch giống để chủ động sản xuất và có thể cung ứng ra thị trường. Hiện tại, ông Năm đã liên kết với hộ ông Nguyễn Văn Ban, cũng ở xóm 19 (cơ sở chuyên chế biến cá chạch kho, mỗi ngày bán khoảng 100 niêu ra thị trường) để nâng cao chuỗi giá trị cho nông sản. Ngoài ra, ông còn dành ra 0,7ha để trồng cây sen, cây hoàng thanh. Bước đầu đã có thu nhập khả quan khi diện tích trồng sen mới chỉ thu hoạch hoa, lá và hạt đã bán được trên 100 triệu đồng, củ sen ông tiếp tục giữ lại để nhân giống. Diện tích cây hoàng thanh chuẩn bị đến mùa thu hoạch, ông sẽ chế biến thành bột đặc sản hứa hẹn cho thu nhập cao. Từ mô hình này, ông Năm đã tạo được công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức thu nhập 7-8 triệu đồng/người/tháng; căn cứ theo mức độ công việc mùa vụ thu hoạch còn thuê thêm lao động thời vụ từ 10-15 người. Ông cũng thường xuyên tham gia các hoạt động giúp đỡ hội viên nông dân, tích cực tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Trung cho biết: Những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã được Hội Nông dân xã triển khai trên diện rộng, được hội viên nông dân nhiệt tình hưởng ứng và ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo động lực quan trọng giúp hội viên nông dân tham gia phát triển kinh tế. Từ phong trào này đã có nhiều mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu tại địa phương, trong đó nổi bật là mô hình nuôi cá chạch thương phẩm, chạch giống kết hợp trồng hoa sen, trồng hoàng thanh làm bột đặc sản chất lượng cao của hội viên Nguyễn Vũ Năm. Đây là mô hình mới, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao, Hội sẽ tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về hiệu quả của mô hình, đồng thời tổ chức cho hội viên, nông dân có nhu cầu tham quan, học tập kinh nghiệm để áp dụng làm theo. Hiệu quả từ mô hình của ông Năm đã mở ra hướng phát triển đối tượng nuôi mới cho các hộ nuôi thủy sản trên địa bàn xã Hải Trung, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202409/motmo-hinh-nuoi-ca-chach-thuong-phamhieu-qua-ohai-trung-ff8362c/