Một mùa an cư ý nghĩa
Do ảnh hưởng dịch Covid-19, cứ tưởng rằng năm nay không thể tổ chức an cư kiết hạ, nhưng cuối cùng vẫn tổ chức được, làm cho Tăng Ni và Phật tử rất vui mừng vì truyền thống cao quý của chư Phật được duy trì.
Tăng sinh Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM tác pháp an cư - Ảnh: Fb HVPGVN TP.HCM
Có nhiều nguyên nhân để Đức Phật dạy chư Tăng Ni phải cấm túc an cư trong ba tháng mùa hạ, mà một trong số đó là để hạn chế việc đi lại, tránh giẫm đạp làm chết côn trùng vốn sinh sôi và hoạt động rất nhiều vào mùa mưa. Điều này thể hiện lòng từ bi rất sâu sắc của Đức Phật dành cho cả những sinh vật nhỏ bé. Ngài thấy rằng sự sống không chỉ đáng quý đối với con người và những loài vật lớn mà cũng rất đáng quý đối với những loài côn trùng nhỏ nhít. Bởi vì đối với một số người thì giết những sinh vật lớn mới có tội, còn làm chết những sinh vật nhỏ như ruồi muỗi kiến mối là chuyện bình thường không đáng kể.
Trong Phật pháp nói chung, tất cả chúng sinh đều bình đẳng và tất cả sự sống đều đáng quý như nhau. Cho nên trong giới không sát sinh Phật dạy rằng “Trên từ chư Phật, thánh nhân, sư tăng, phụ mẫu; dưới đến các loài bò bay máy cựa, vi tế côn trùng, hễ có mạng sống đều không được giết”.
Thật tình mà nói, giới cấm sát sinh không phải là một giới khó giữ. Chỉ cần ai có lương tâm, có lòng trắc ẩn một chút đều không nỡ giết các con vật lớn như trâu bò chó heo gà vịt. Ấy vậy mà đối với những loài côn trùng nhỏ nhít thì thật khó tránh khỏi chuyện vô tình giẫm đạp làm cho chúng bị thương hay bị chết. Khi mùa mưa đến, một mặt những loài côn trùng được sinh ra rất nhiều, mặt khác chúng cũng tranh thủ đi ra ngoài để kiếm ăn, nhất là vào ban đêm nên ta rất khó nhìn thấy, do đó mà rất dễ đạp lên chúng. Trước đây tôi có sở thích đi bộ ngoài sân chùa vào lúc sáng sớm, sau thời công phu khuya.
Nhưng khi đi như vậy, tôi thường hay đạp trúng mấy con ốc sên. Khi bị đạp trúng, vỏ ốc bị bể nát, kiến bu lại cắn rất đau đớn. Vài lần như vậy tôi đành phải bỏ cái sở thích đi bộ ngoài sân của mình mà chuyển vào đi bộ trên hành lang. Bởi vì cho dù chúng ta có cẩn thận đến mấy chúng ta vẫn không thể nào hoàn toàn tránh được các loài côn trùng như thế. Cách tốt nhất là ta phải né những con đường hay những chỗ mà chúng hay đi.
Trong luật Tỳ-ni nhật dụng thiết yếu có bài kệ Hạ đơn (Xuống giường) là “Từ sáng giờ Dần suốt đến tối, hết thảy chúng sinh tự tránh giữ, nếu rủi mất mạng dưới chân tôi, cầu nguyện tức thì sinh Tịnh độ”. Không phải chúng ta đọc bài kệ này rồi thì chúng ta có thể đạp chết các loài vật mà được khỏi tội hay các loài ấy nhờ bài kệ này mà sinh Tịnh độ. Chúng ta đọc bài kệ này chính là để nhắc nhở mình mỗi bước chân phải vô cùng cẩn thận để tránh đạp lên các sinh linh nhỏ bé có thể xuất hiện dưới bàn chân ta. Hễ sát sinh là đã tạo nghiệp rồi, dù chỉ là ngộ sát. Nhưng quan trọng hơn là nó thể hiện lòng từ bi sâu sắc của người con Phật là có thể cảm thông được với nỗi đau của những sinh linh bé nhỏ. Con vật dù nhỏ nhít nhưng vẫn tham sống sợ chết, vẫn đau khổ khi bị giết hay bị thương.
Một số người nói rằng nước Việt Nam mình có nhiều người biết tu, biết ăn chay, biết phóng sinh nên ít người bị nhiễm và không có ai bị chết vì vi-rút Corona. Người ta nói vậy thôi chứ không biết có phải vậy không. Dù sao thì chúng ta cũng rất mừng vì Việt Nam được như vậy, và dù sao thì chúng ta cũng tin chắc rằng sát sinh sẽ lãnh quả báo yểu mạng hay bịnh tật trong khi lòng từ bi có khả năng hóa giải mọi khổ đau. Tôi tin rằng mùa an cư kiết hạ năm nay sẽ rất có ý nghĩa. Với công phu tu tập của chư Tăng Ni và Phật tử trong ba tháng hạ sẽ tạo nên nguồn năng lượng thanh tịnh và tươi mát, góp phần đem lại sự an lành cho tất cả mọi người, mọi loài trên thế giới hiện nay.
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//vanhoa/2020/06/22/1bc4da/