Một mực chối bỏ con, kết quả ADN lật tẩy bộ mặt thật của người đàn ông

Biết tin có con với cô gái mình không có ý định cưới, Đạt viện đủ lý do chối bỏ, kết quả xét nghiệm ADN lật tẩy bộ mặt thật của người đàn ông bội bạc.

Quang Đạt (35 tuổi, Hà Nội) làm việc trong lĩnh vực bất động sản, có bạn gái đang du học ở nước ngoài, cả hai dự định sẽ làm đám cưới khi người yêu kết thúc khóa học trở về.

Công việc của Đạt thường xuyên phải ra ngoài gây dựng các mối quan hệ mới. Trong một lần đi gặp khách hàng, anh quen Thanh Lê (26 tuổi, quê Hà Nam), sau đó cả hai thường xuyên hẹn đi uống cà phê và ăn tối cùng nhau. Thấy Lê khá cởi mở trong mối quan hệ, Đạt "thử tán tỉnh, cưa cẩm" rồi cả hai đi quá giới hạn.

Hai tháng sau, nhận tin Lê có thai, Đạt hoảng hốt và viện đủ lý do chối bỏ. Thấy Đạt một mực phủi trách nhiệm, Lê quyết tâm tìm đến y học hiện đại để chứng minh.

Khi thai đủ 19 tuần tuổi, Lê cùng Đạt đến cơ sở y tế chọc nước ối để xét nghiệm ADN xác định huyết thống. Mẫu xét nghiệm cho thấy Đạt và đứa trẻ trong bụng Lê có quan hệ máu mủ. Kết quả chứng minh con mình nhưng anh vẫn phản ứng quyết liệt để chối bỏ. Câu đầu tiên khi anh có tờ kết quả trong tay: “Bé không thể là con tôi”.

Người đàn ông đưa ra nhiều lý lẽ khác như “tôi và cô ấy mới quan hệ gần đây, sao thai nhi đã 19 tuần tuổi?”. Cãi lý mãi không được, anh đành thú nhận không có tình cảm với Lê, chỉ vì phút ham vui nên thử lòng và quan hệ với cô ấy. Đạt còn nói đã có người yêu và họ chuẩn bị cưới.

Sợ rằng đứa trẻ này sẽ ảnh hưởng đến tương lai của mình, Đạt thậm chí còn năn nỉ trung tâm ADN thay đổi kết quả, xác nhận không phải quan hệ cha con. Bị trung tâm ADN từ chối nhiều lần, anh đành phải cúi đầu chấp nhận. Chứng kiến tất cả, Lê chấp nhận rời xa người đàn ông bội bạc, quyết định làm mẹ đơn thân.

Xét nghiệm huyết thống có thể lấy mẫu vật từ trẻ chưa sinh như nước ối chứa các tế bào của thai nhi. (Ảnh minh họa)

Xét nghiệm huyết thống có thể lấy mẫu vật từ trẻ chưa sinh như nước ối chứa các tế bào của thai nhi. (Ảnh minh họa)

Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền (Hà Nội) chia sẻ, thật buồn khi người cha từ chối ruột thịt của mình. Thường những người đàn ông chối bỏ con mình đều vì sợ ảnh hưởng tới danh, lợi anh ta đang có. Họ không ngại hy sinh cả tình phụ tử, tìm mọi cách phủ nhận quan hệ máu mủ để bảo vệ lợi ích của mình, bất chấp việc này làm mất danh dự của người phụ nữ, gây tổn thương đến chính đứa trẻ.

Theo chuyên gia, xét nghiệm huyết thống có thể thực hiện ở bất kỳ độ tuổi nào vì hệ gene của con người được thiết lập từ thời điểm thụ thai và thường không thay đổi, thậm chí có thể lấy mẫu từ trẻ chưa sinh như nước ối chứa các tế bào của thai nhi.

Ngoài ra các mẫu máu, tế bào niêm mạc miệng, mẫu mô, móng tay, chân tóc, cuống rốn, xương, răng đều có thể sử dụng để xét nghiệm ADN. ADN là phân tử mang thông tin di truyền, chứa chương trình quyết định các đặc tính cũng như hành vi (một cách gián tiếp) của mỗi người. Trong số các đặc tính mà ADN quy định có các đặc điểm cá nhân của mỗi người, được truyền từ bố mẹ.

Ở Việt Nam, công nghệ gene hiện được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, từ phân tích di truyền đến giải mã gene vào nền y học chính xác. Các giải pháp giải trình tự gene giúp tầm soát, chẩn đoán, dự phòng và điều trị chính xác ứng dụng trong sản, nhi, tâm thần, ung thư hay tiêu hóa, hô hấp.

Không chỉ xác định huyết thống, nếu tìm ra được bố mẹ mang gene bệnh thì có thể biết con cái sau này có khả năng mắc bệnh hay không, khả năng mắc là bao nhiêu phần trăm.

Như Loan

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/mot-muc-choi-bo-con-ket-qua-adn-lat-tay-bo-mat-that-cua-nguoi-dan-ong-ar880863.html