Một mũi tên nhắm hai đích của Shopee
Theo báo cáo của DBS Group Holdings - Singapore, Sea - công ty mẹ của Shopee - đã tăng phí hoa hồng đối với người bán trên nền tảng Shopee ở một số thị trường, trong đó có Việt Nam.
Tỷ lệ hoa hồng được nâng từ 1-2% lên 3-5% tùy vào sản phẩm.
Những tính toán này của Sea đã được ấp ủ từ lâu, và việc tăng phí này không phải lần đầu. Ngoài ra, đây cũng là kế hoạch “một mũi tên nhắm 2 đích” của Shopee.
Chuyển lỗ thành lãi
Sau một thời gian “đốt tiền giành thị phần” và một năm tăng trưởng mạnh “nhờ đại dịch”, Shopee đang hướng tới mục tiêu có lãi những năm tiếp theo.
Để biến “giấc mơ” có lãi thành hiện thực, Sea đã nâng tỷ lệ hoa hồng trên Shopee với mức cao nhất lên tới 5%, giảm mã freeship (giao hàng miễn phí). Bởi vì thu nhập từ phí hoa hồng chiếm phần lớn doanh thu của Shopee.
Tuy gia nhập thị trường Việt Nam sau, nhưng Shopee đã vượt lên dẫn đầu nhờ chiêu “miễn phí bán hàng”, và sau đó là chiêu “phí bán hàng thấp hơn đối thủ” (chỉ từ 1-2%). Nhờ đó, lượng truy cập Shopee quý IV/2020 là 68,5 triệu lượt, hơn hẳn đối thủ thứ 2 là Tiki 22,2 triệu và thứ 3 Lazada 20,8 triệu (theo iPrice).
Việc tăng phí hoa hồng đối với người bán trên nền tảng Shopee ở một số thị trường, trong đó có Việt Nam là kế hoạch “một mũi tên nhắm 2 đích của Shopee”
Đổi lại, Sea thông báo lỗ 1,61 tỷ USD mặc dù doanh thu đạt tới 4,37 tỷ USD trong năm 2020. Kể từ khi niêm yết năm 2017, Sea chưa bao giờ có lãi.
Đến nay Shopee đã chiếm lĩnh được một thị phần khá lớn, dẫn đầu thị trường thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam (theo iPrice group), nên đã chuyển mục tiêu từ “chiếm thị trường” sang “có lãi” bằng cách tiếp tục tăng phí để tăng doanh thu, giảm lỗ.
Thanh lọc người bán
Mục tiêu thứ hai, cũng rất quan trọng: Thanh lọc người bán, loại bớt những người bán chụp giật, nhỏ lẻ trên nền tảng của mình.
Trước khi tăng phí, những người bán kiểu chụp giật và nhỏ lẻ này chính là những người đăng bán vô tội vạ các loại hàng hóa, kể cả hàng lậu hàng nhái bởi phí quá thấp hoặc miễn phí. Khi bị phát hiện họ sẵn sàng tạo tài khoản bán khác, khiến Shopee gần như không kiểm soát được tình hình. Giờ đây khi phí hoa hồng đẩy lên cao, những người này buộc phải bán một cách đàng hoàng nghiêm túc, tạo uy tín.
Đã có quá nhiều phàn nàn về việc Shopee bán hàng giả nhái. Chỉ cần tìm kiếm từ khóa “Shopee bán hàng giả” ta sẽ thấy vô vàn những lời trách móc và phản ánh trên các báo hoặc trên các diễn đàn với đầy đủ dẫn chứng người thật việc thật.
Mới đây, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) vừa công bố báo cáo "Đánh giá năm 2020 về những thị trường làm giả và vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ". Trong tài liệu công bố vào đầu năm 2021 này, trang TMĐT Shopee đã bị nêu tên. USTR đánh giá Shopee không có thủ tục điều tra với bên bán hàng thứ 3 và ngăn chặn những người từng vi phạm có thể tiếp tục đăng ký tài khoản mới và bán hàng trở lại. Những người bán hàng giả chỉ thực sự bị đóng tài khoản trên Shopee sau khi đã vi phạm quá nhiều lần với mức độ leo thang trắng trợn.
Chính vì vậy, Shopee cần thể hiện bằng hành động để cải thiện uy tín và giảm khả năng nhận các hình phạt trong tương lai. Thanh lọc bớt những người bán giả, nhái để tăng bảo vệ những người bán chân chính, trung thành, tăng uy tín, hình ảnh và giá trị thương hiệu trên thị trường, tạo ra một cộng đồng bền vững.
Đối mặt rủi ro
Hai mục tiêu này thực ra không mới, Shopee đã manh nha thực thi từ 1/4/2019 khi bắt đầu áp phí hoa hồng từ 1-2%. Lần này, hai mục tiêu này đã hoàn toàn rõ ràng khi áp phí hoa hồng lên tới 5% và cũng không loại trừ khả năng phí sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Thêm vào đó, kế hoạch này của Shopee cũng không hoàn toàn là an toàn, các nhà phân tích đã bình luận: “lợi nhuận tăng lên và mức độ đốt tiền có thể giảm xuống, tuy nhiên, cạnh tranh sẽ gia tăng và kế hoạch có thể gặp rủi ro”.
Shopee có thể tự tin. Tại thời điểm tăng phí từ 0% lên 2% hai năm trước, những người bán đàng hoàng, uy tín vẫn ở lại Shopee và tìm mọi cách giảm chi phí trong đó bao gồm: đẩy mức phí về phía khách hàng, không sử dụng các hình thức thanh toán như thẻ tín dụng/ghi nợ mà chuyển sang ví điện tử hoặc hình thức khác không mất phí,... Lần này, khi môi trường kinh doanh ổn định hơn, khả năng những người bán như vậy tiếp tục ở lại là rất cao.
Khi những người bán uy tín này không rời Shopee thì khả năng khách hàng rời đi cũng sẽ thấp dù hàng có tăng giá thêm 5% và mất tiền “ship” hàng. Đây là tiền mua sự uy tín. Shopee đã phần nào đã thành thói quen của họ.
Nhưng Shopee cũng phải đối mặt với rủi ro, áp lực cạnh tranh giành thị phần lập tức gia tăng từ các đối thủ. Lazada đã miễn phí người bán cho những người mở bán mới để giành thị phần, và có lẽ Tiki cũng sẽ sớm có những phương án để lấy thêm thị phần.
Không ai biết liệu các toan tính của Shopee có thành công như họ mong đợi hay không. Nhưng khi Shopee thanh lọc bớt những người bán chộp giật, bán hàng giả, hàng nhái âu cũng là điều có lợi cho người tiêu dùng.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/mot-mui-ten-nham-hai-dich-cua-shopee-603946.html