Một năm Áo vàng bao trùm nước Pháp

Hơn 365 ngày đã trôi qua, song nước Pháp vẫn chưa thể tìm lại bình yên sau phong trào Áo vàng năm nào. Báo Thế giới và Việt Nam nhận định.

Phong trào Áo vàng đã có nhiều chuyển biến rõ rệt chỉ trong vòng 1 năm. (Ảnh: Rex Features)

Ngày 17/11 đánh dấu tròn một năm cuộc nổi dậy phong trào tự phát của người dân Pháp nhằm chống lại đạo luật tăng giá xăng dầu, với quy mô chưa từng có trong lịch sử hiện đại của nước Pháp. Áo vàng, dễ mua, dễ mặc và thường được mặc trong trường hợp khẩn cấp theo bộ luật năm 2008 của Pháp, đã trở thành biểu tượng được lựa chọn của phong trào, đại diện cho tầng lớp lao động phổ thông để phát đi tín hiệu kêu cứu về những mảnh đời đang sống mòn.

Điểm độc đáo của phong trào này nằm ở cách tính thời gian tương đối đặc biệt – mỗi tuần trôi qua sẽ được tính là một “hồi”, từ thường được sử dụng trong các bản giao hưởng, vở nhạc kịch hay tiểu thuyết kinh điển. Kể từ đó đến nay, phong trào Áo Vàng đã trải qua 53 hồi, thăng trầm có đủ, với đỉnh điểm được cho là “hồi thứ 18”, diễn ra vào trung tuần tháng Ba, khiến cảnh sát buộc phải áp đặt lệnh giới nghiêm và cấm tổ chức biểu tình ở khu vực Champs-Elyseés. Ngày 16/11 vừa qua, hàng nghìn người Pháp tại Paris đã xuống đường biểu tình, kỷ niệm một năm thành lập của phong trào Áo vàng, đồng thời tiến hành đụng độ với cảnh sát. Cho đến nay, số người thiệt mạng vì phong trào Áo vàng đã lên tới 11 người.

Không khó để nhận thấy, sự chuyển biến rõ rệt của phong trào Áo vàng sau hơn 365 ngày.

Thứ nhất, hình thức đấu tranh ôn hòa ban đầu đã sớm nhường chỗ cho đấu tranh sử dụng bạo lực, không ngại va chạm, đụng độ và chủ động tấn công các lực lượng chấp pháp khi cần thiết.

Thứ hai, mục đích của phong trào cũng thay đổi dần theo thời gian. Khởi đầu là phản đối đạo luật tăng giá cả nhiên liệu, kêu gọi tăng lương cơ bản, cải thiện dịch vụ công tại các khu vực hẻo lánh, phong trào giờ đây kêu gọi chấm dứt bất bình đẳng thu nhập và sự ra đi của Tổng thống Emmanuel Macron cùng nội các. Mục tiêu nhằm cải thiện đời sống xã hội đang dần chuyển hòa thành đấu tranh bạo lực, nhằm tìm kiếm một sự thay đổi về chính trị.

Thứ ba, phong trào Áo vàng đang được tổ chức một cách quy củ, bài bản hơn, với một số đầu não sử dụng mạng xã hội để kích động người dân tham gia vào cuộc biểu tình. Ngày 16/11 vừa qua, hưởng ứng lời kêu gọi trên Facebook, hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình để kỷ niệm “Hồi thứ 53” của phong trào Áo vàng.

Thứ tư, phong trào Áo vàng giờ không còn bị giới hạn trong phạm vi nước Pháp mà đã lan ra nhiều quốc gia châu Âu như Đức Bulgaria, Italy, Hà Lan…. hay thậm chí là các nước thuộc khu vực khác như Canada, Australia, Ai Cập… Đối với nhiều người, Áo vàng đã trở thành biểu tượng toàn cầu, đại diện cho tinh thần dũng cảm, dám đứng lên chống lại giới cầm quyền để giành lại lợi ích chính đáng.

Trong bối cảnh đó, dù phong trào Áo vàng trong thời gian gần đây ít nhiều hạ nhiệt, song nó sẽ không vì thế mà dễ dàng bị dập tắt, nó sẽ tiếp tục cháy âm ỉ trong lòng nước Pháp, chờ đợi bước sảy chân của chính phủ đề bùng phát trở lại. Khi ấy, “Áo vàng” và “Biểu tình” sẽ tiếp tục là những từ khóa được nhiều người quan tâm trong phần còn lại của năm 2019 và năm 2020.

Minh Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/mot-nam-ao-vang-bao-trum-nuoc-phap-104796.html