Một năm 'cá biệt' của ngành điều

Dù được dự báo xuất khẩu điều các tháng cuối năm sẽ tăng nhờ yếu tố chu kỳ nhưng theo doanh nhân Vũ Thái Sơn, điều đáng buồn là xuất khẩu nhiều mà đơn giá lại giảm.

Trong liên tiếp hơn 15 năm trở lại đây, Việt Nam liên tục giữ vững vị trí đầu bảng về xuất khẩu điều nhân, chiếm tới 80% tổng sản lượng toàn cầu. Trước đó, xuất khẩu điều của nước ta từng lập kỷ lục về giá trị vào năm 2021, với 3,63 tỷ USD.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kinh tế thế giới suy yếu, lạm phát tăng cao, xung đột địa chính trị khiến hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới giảm nhập khẩu hạt điều, ảnh hưởng tiêu cực lên ngành điều toàn cầu nói chung, trong đó có Việt Nam.

Trải qua 2 quý đầu năm ảm đạm, theo các chuyên gia dự báo, quý III và quý IV/2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sẽ nhích lên nhờ yếu tố chu kỳ và nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ, EU tăng phục vụ tiêu dùng các dịp lễ cuối năm.

Ông Vũ Thái Sơn - Chủ tịch Hội Điều tỉnh Bình Phước đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Long Sơn.

Ông Vũ Thái Sơn - Chủ tịch Hội Điều tỉnh Bình Phước đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Long Sơn.

Khác với những tín hiệu dự báo, ông Vũ Thái Sơn - Chủ tịch Hội Điều tỉnh Bình Phước đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Long Sơn - một trong những doanh nghiệp xuất khẩu điều lớn nhất Việt Nam cho rằng, năm 2023 là năm “cá biệt" của ngành điều.

“Thông thường đối với ngành điều, chu kỳ các tháng cuối năm đơn hàng xuất khẩu sẽ tăng lên, có khi làm không kịp. Năm nay, xuất khẩu tháng 8 của VN là 63.285 tấn tăng 38,25% so với tháng 8 năm 2022. Như vậy chứng tỏ là nhu cầu của khách hàng cũng tốt. Tuy nhiên buồn là xuất nhiều nhưng đơn giá lại giảm”.

Ông Sơn lý giải thêm, tại thị trường Trung Quốc, sau khi từ bỏ chính sách Zero Covid, xuất khẩu tại thị trường này ổn định, lượng tiêu thụ đã tăng trở lại. Trái lại thì ở châu Âu và châu Mỹ, do kinh tế khó khăn, lạm phát khiến việc người dân hạn chế chi tiêu. Dẫn đến lượng tiêu thụ điều ở 2 thị trường này năm nay đang chững lại và có phần giảm.

“Nói chung, đây là tín hiệu không vui với doanh nghiệp điều vì giá giảm đồng nghĩa với doanh nghiệp khó có hiệu quả trong kinh doanh vì nguyên liệu đã được thu mua từ trước với giá cao”, Chủ tịch Hội điều Bình Phước cho biết.

Bên cạnh đó, do cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau nên hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp điều chưa cao. Điều thô nhập khẩu về giá cao vì các doanh nghiệp cạnh tranh nhau mua; điều nhân sản xuất trong nước cũng cạnh tranh nhau cho nên giá bán thấp.

Trong thời điểm nhiều rào cản như vậy, là doanh nhân điều hành doanh nghiệp xuất khẩu điều lớn, ông Sơn mong mỏi, năm 2023 sản lượng xuất khẩu điều của công ty sẽ tăng khoảng 10%, doanh thu có thể giữ nguyên vì giá xuống. “Lợi nhuận năm nay, hòa được là thắng”, ông Sơn bộc bạch.

Đồng thời, lấy bài học từ ngành dệt may, để nâng cao tính cạnh tranh của Long Sơn nói riêng và doanh nghiệp điều nói chung, Chủ tịch Hội điều Bình Phước cho rằng cần chú trọng đến xu hướng tiêu thụ sản phẩm có xuất xứ sạch, sử dụng năng lượng tái tạo từ các nước phương Tây.

Theo ông Sơn, vấn đề trên không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu của một số khách hàng với công ty. Đã có nhiều đối tác yêu cầu Long Sơn phải chứng minh được mỗi năm công ty giảm tiêu dùng điện, tiêu thụ các năng lượng có thể làm trái đất nóng lên, hiệu ứng nhà kính.

“Trong việc cắt giảm khí thải, chúng tôi đang có chính sách sử dụng điện áp mái. Một số nhà máy lắp rồi và tiếp tục hoàn thiện để chứng minh cho các khách hàng của Long Sơn thấy hằng năm chúng tôi giảm được điện năng tiêu thụ, dùng năng lượng tái tạo. Đó là chiến lược của Long Sơn”, ông Sơn nói.

Một xu hướng cũng được vị doanh nhân này đề cập đó là tăng cường hàng hóa hữu cơ và đẩy mạnh sử dụng công nghệ chế biến sâu. Ông Sơn cho rằng, sự hỗ trợ của khoa học công nghệ sẽ đem lại lợi nhuận tốt cho hạt điều.

Ngoài ra, ông Sơn cho rằng cần đẩy mạnh liên doanh, liên kết các doanh nghiệp chế biến, cung ứng điều để tương hỗ phát triển và phát huy hiệu quả mối liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất, chế biến với nhà nông và kênh thu mua, tiêu thụ. Để làm được điều này, những người trồng điều, nhà chế biến hạt điều cần đoàn kết trong mọi công đoạn; phát huy mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế và sự hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư phát triển bền vững ngành điều.

Chủ tịch Hội điều Bình Phước cho rằng cần chú trọng đến xu hướng tiêu thụ sản phẩm có xuất xứ sạch, sử dụng năng lượng tái tạo.

Chủ tịch Hội điều Bình Phước cho rằng cần chú trọng đến xu hướng tiêu thụ sản phẩm có xuất xứ sạch, sử dụng năng lượng tái tạo.

Một vấn đề cũng được doanh nhân Vũ Thái Sơn trăn trở đó là định vị thương hiệu hạt điều Việt Nam trên trường quốc tế.

“Thương hiệu điều Việt Nam đa số được hiểu là điều được sản xuất tại Việt Nam chứ không phải là thương hiệu điều xuất xứ từ Việt Nam. Hiện nay điều sản xuất gần như đáp ứng được yêu cầu của mọi tầng lớp khách hàng cao cấp, trung cấp, thấp cấp. Cũng vì vậy điều xuất xứ từ Việt Nam chưa có gì đặc sắc”, ông Sơn thẳng thắn nhìn nhận vấn đề.

Với diện tích 175.000 ha, Bình Phước được xem là thủ phủ hạt điều cả nước. Hiện nay, Bình Phước đang xây dựng thương hiệu riêng, trong đó tập trung nâng cao giá trị gia tăng của các chuỗi sản phẩm thông qua chế biến sâu, sản xuất hàng hóa và xây dựng các cơ chế để khuyến khích doanh nghiệp và người trồng điều có quan hệ bền vững hơn.

Ông Sơn nhận định, điều được trồng tại Bình Phước có hương vị rất thơm ngon, đây là điểm rất riêng. “Chính vì vậy, chúng tôi cố gắng làm chỉ dẫn địa lý và để làm sao để mọi người tiêu dùng trên thế giới biết đến hương vị thơm ngon của điều Bình Phước. Để làm được điều đó, chúng tôi đang cố gắng từng bước để làm tăng giá trị của điều, nhấn mạnh giá trị của hạt điều trồng tại Việt Nam trên trường quốc tế”, ông Sơn kỳ vọng.

Phương Anh - Ngọc Tân

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/mot-nam-ca-biet-cua-nganh-dieu-a630199.html