Một năm đầy khó khăn trong công tác thi hành án dân sự
Công tác thi hành án dân sự (THADS) vốn có nhiều khó khăn do mang tính chất đặc thù, nay bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 nên 'khó khăn chồng chất khó khăn', dẫn đến không hoàn thành chỉ tiêu công tác năm 2021. Để hiểu rõ hơn điều này, phóng viên Báo Sóc Trăng đã có buổi trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Uốt - Cục trưởng Cục THADS tỉnh Sóc Trăng.
Phóng viên: Đồng chí cho biết về tình hình công tác THADS năm 2021?
Đồng chí Nguyễn Văn Uốt:Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Cục THADS linh động đưa ra nhiều kế hoạch, giải pháp thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế. Theo đó, chú trọng đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo điều hành; tập trung củng cố, kiện toàn các chức danh lãnh đạo cơ quan THADS hai cấp; quyết liệt chỉ đạo các chấp hành viên cơ quan THADS hai cấp đẩy nhanh tiến độ tổ chức thi hành án. Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan và chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ. Chỉ đạo cơ quan THADS hai cấp đảm bảo việc ra quyết định thi hành án đúng thời hạn và chính xác; thực hiện đúng quy định pháp luật trong việc xác minh, phân loại án có điều kiện, chưa có điều kiện.
Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng do chịu nhiều tác động dịch bệnh cùng với những khó khăn, công tác THADS năm 2021 (tính từ ngày 1-10-2020 đến ngày 30-9-2021) không hoàn thành chỉ tiêu. THADS hai cấp thụ lý 14.321 việc và đã giải quyết xong 8.188 việc có điều kiện thi hành, đạt 75,11% (giảm 6,46% so với cùng kỳ; còn thiếu 6,39% so với chỉ tiêu của Tổng cục THADS giao). Về tiền, đã thụ lý trên 1.901 tỉ đồng và đã thi hành xong trên 258 tỉ đồng, đạt 31,02% (giảm 12,35% so với cùng kỳ; còn thiếu 9,08% chỉ tiêu được giao). Cơ quan THADS hai cấp ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với 176 trường hợp (giảm 20 trường hợp so với cùng kỳ), trong đó, có 111 cuộc cưỡng chế có huy động lực lượng liên ngành (giảm 52 trường hợp so với cùng kỳ).
Phóng viên: Được biết nhiều năm liền, THADS tỉnh luôn hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu của Tổng cục THADS giao. Vậy khó khăn chủ yếu nào dẫn đến việc THADS hai cấp không hoàn thành nhiệm vụ năm 2021, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Văn Uốt:THADS là hoạt động trực tiếp tác động đến các quyền nhân thân, tài sản; quyền, lợi ích thiết thân và gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người phải THADS cùng gia đình họ. Do vậy, các đương sự thường phản ứng gay gắt, quyết liệt và tìm mọi cách để chống đối, cản trở việc thi hành án, làm cho các quyền, nghĩa vụ trong bản án, quyết định của tòa án chậm được thực hiện hoặc không thực hiện được. Như vậy, THADS thực sự là lĩnh vực khá phức tạp, nhạy cảm và người làm công tác này chịu sự rủi ro, áp lực cao nhưng thiếu chế độ đãi ngộ nên hàng năm đều có công chức thi hành án xin chuyển công tác theo nguyện vọng sang đơn vị khác.
Hiện nay, biên chế vẫn còn thiếu (thiếu 12), chấp hành viên phải kiêm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ khác. Trong 50 chấp hành viên của toàn tỉnh thì có 34 chấp hành viên giữ vai trò quản lý, lãnh đạo tại Cục THADS, chi cục THADS và lãnh đạo phòng, do kiêm nhiệm nhiều mặt công tác khác nên chất lượng giải quyết án từng lúc, từng bộ phận bị quá tải, làm giảm năng suất, chất lượng. Còn cơ sở vật chất không đảm bảo, có đơn vị không có trụ sở, phải thuê nhà dân (Chi cục THADS huyện Mỹ Xuyên) hoạt động; nhiều đơn vị không có kho vật chứng (phải thuê) nên gặp nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ.
Thị trường bất động sản tại TP. Sóc Trăng ở một số phường có nhiều chuyển biến tích cực, các tài sản đưa ra bán đấu giá đã có người tham gia mua nhưng sau khi xử lý tài sản của người phải thi hành án xong thì vẫn chưa đảm bảo nghĩa vụ phải thi hành. Còn ở các địa phương tuyến huyện, thị trường bất động sản vẫn còn trầm lắng, tài sản kê biên bán đấu giá nhiều lần không người mua làm mất nhiều thời gian, công sức, chi phí kê biên, bán đấu giá mà không thu hồi được, làm chậm tiến độ giải quyết án. Cụ thể, toàn tỉnh có tổng số việc bán đấu giá chưa thành là 196 việc, tương ứng 195.890.528.000 đồng, có vụ việc bán trên 10 lần (12 vụ). Việc xác minh, kê biên, bán đấu giá đối với tài sản thi hành án liên quan đến đất đai còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Đặc biệt, do tác động của dịch bệnh Covid-19 là nguyên nhân quan trọng nhất không thể đẩy nhanh tiến độ thi hành án.
Phóng viên: Đồng chí có thể nói rõ hơn về những khó khăn do chịu sự ảnh hưởng, tác động của dịch bệnh Covid-19 trong THADS?
Đồng chí Nguyễn Văn Uốt:Từ khoảng tháng 5-2021 đến nay, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh buộc phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg, Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và phân loại vùng theo mức độ nguy cơ ảnh hưởng của dịch bệnh. Do đó, nhiều cuộc cưỡng chế huy động lực lượng phải tạm hoãn, do không được tập trung đông người. Đồng thời, ảnh hưởng dịch bệnh từ nhiều tháng trước và kéo dài đến nay, nhiều địa phương (khóm, ấp) từ chối phối hợp, tham gia giải quyết án do e ngại lây nhiễm dịch bệnh. Đối với công tác THADS không có sự phối hợp từ các cơ quan hữu quan để xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp trao đổi, động viên, thuyết phục đương sự thì khó mà thi hành án được. Với lại, kinh tế, thu nhập của đương sự bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên không có khả năng thi hành án, nhất là trường hợp thỏa thuận nộp tiền thi hành án vào từng đợt hàng tháng… Ngoài ra, án thụ lý luôn tồn tại năm sau cao hơn năm trước mà chỉ tiêu giao phải thi hành lại tăng. Năm 2021, cấp trên giao cơ quan THADS Sóc Trăng phải thi hành đạt trên 81,50% về việc (tăng 1,50% so với chỉ tiêu năm 2020) và 40,10% về tiền (tăng 2,10%) nên THADS hai cấp không thể hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ.
Phóng viên: Đơn vị có hướng khắc phục nào để đẩy mạnh tiến độ giải quyết án nhằm hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao, nhất là trước tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay?
Đồng chí Nguyễn Văn Uốt: Cục THADS sẽ tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho công chức, người lao động tại các đơn vị trong tỉnh nhằm chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật. Khi tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, các hoạt động trở lại bình thường, Cục THADS sẽ tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các đợt cao điểm rút án; đẩy nhanh tiến độ tổ chức thi hành các vụ việc có giá trị lớn, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng, án tham nhũng, các vụ việc phức tạp, kéo dài. Thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với chấp hành viên, kế toán, thủ quỹ, thủ kho; phân bổ lại biên chế cho các phòng chuyên môn, chi cục THADS; xây dựng đề án kiện toàn các phòng chuyên môn, chi cục THADS. Tiếp tục cử công chức đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng THADS theo yêu cầu của Tổng cục THADS. Tranh thủ từ các cơ quan chức năng để bổ sung nguồn nhân sự; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn đồng chí!