Một năm đồng hành cùng Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đúng nghĩa là tiếng nói của cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục.

Mỗi ngày, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam luôn mang đến cho bạn đọc gần xa (nhất là bạn đọc ngành giáo dục) những tin tức, những bài viết nóng hổi mang tính thời sự mà không kém phần sâu sắc.

Lĩnh vực giáo dục là mảng chủ đề lớn, xuyên suốt của Báo. Biết bao nhiêu vấn đề đã và đang đặt ra cho ngành giáo dục, từ tầm vi mô đến tầm vĩ mô, tất cả lần lượt được các nhà giáo, nhà báo, bạn viết khắp nơi phản ánh, bình luận, lý giải…

Nhà báo Nguyễn Tiến Bình - Tổng biên tập Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận lẵng hoa chúc mừng từ Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: Tùng Dương.

Nhà báo Nguyễn Tiến Bình - Tổng biên tập Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận lẵng hoa chúc mừng từ Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: Tùng Dương.

Những vấn đề nóng luôn được đặt lên hàng đầu như vấn đề sách giáo khoa mới và quy định chọn lựa sách giáo khoa cho các trường.

Không phải đơn giản là chọn sách nào cũng được, cũng chừng ấy kiến thức, chừng ấy kỹ năng cần đạt được mà phía đằng sau việc biên soạn cho đến khâu phát hành là cả một “mê hồn trận” mà “người trần mắt thịt” khó mà thấy được, biết được.

Hoặc những tiêu cực trong nhà trường, nguồn gốc, nguyên nhân và những bài học đáng nhớ… Có phải do cơ chế chăng? Vì mỗi hiệu trưởng, dù lớn dù nhỏ đều là một chủ tài khoản.

Có ý kiến cho rằng, việc phân cấp chủ tài khoản như thế này vừa dễ làm thất thoát tiền nhà nước vừa dễ làm hư hỏng, làm mất cán bộ quản lý.

Vì sao? Vì mọi hiệu trưởng chưa phải là Bồ tát, thấy tiền không “xao động tâm can” mà luôn tìm mọi kẽ hở để trục lợi.

Họ quan niệm rằng, “cờ đến tay ai người ấy phất” nhưng có nhiều người lại “phất” lia lịa, “phất” không theo một quy định nào cả nên hậu quả cuối cùng là bị xử lý kỷ luật.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bên cạnh phản ánh, viết về những mặt trái, những tiêu cực của ngành giáo dục còn kịp thời biểu dương những tấm gương tốt.

Đó là những hiệu trưởng công tâm, hết lòng vì nhà trường, vì sự nghiệp giáo dục… Đó là tấm gương những giáo viên vùng sâu, vùng miền núi, vượt qua mọi gian khổ, thiếu thốn, bám lớp, bám trường, thương yêu học sinh, tất cả vì học sinh thân yêu…

Báo cũng thẳng thắn đấu tranh cho quyền lợi hợp pháp của cán bộ, nhân viên ngành giáo dục.

Câu chuyện xét biên chế chẳng hạn, biết bao nhiêu giáo viên dạy hợp đồng với đồng lương còm cõi nay mong mỏi xét vào biên chế để yên tâm công tác hơn.

Trong lúc chờ đợi, họ lăn xả vào làm những công việc đồng áng, chăn nuôi, buôn bán… để có đồng tiền trang trải cuộc sống hàng ngày.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đúng nghĩa là tiếng nói của cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục.

Đó là tiếng nói có lý có tình, tiếng nói đồng lòng, đồng thuận từ cơ sở nhằm tạo dựng nên một môi trường giáo dục lành mạnh, công bằng, dân chủ…

Đó là tiếng nói kiên trì, tiếng nói mềm dẻo nhưng kiên quyết trước những vấn nạn đang xâm nhập vào môi trường “trồng người”.

Tất cả cùng nhằm mục đích là xây dựng nên một nền giáo dục hiện đại, tiên tiến, giàu bản sắc dân tộc để góp phần đưa vị thế đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu”…

LÊ ĐỨC ĐỒNG

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/mot-nam-dong-hanh-cung-bao-dien-tu-giao-duc-viet-nam-post205813.gd