Một năm đồng lòng chống dịch

Cùng với cả nước, năm 2020 vừa qua, Ðắk Nông đã phải 'gồng mình' phòng chống dịch Covid-19 và bạch hầu. Ðằng sau trận tuyến chống dịch là bao nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Y tế và sự góp sức của cộng đồng.

Chống "giặc Covid"

Trong khi thế giới vẫn căng sức chống chọi với đại dịch Covid-19, có một Việt Nam kiên cường, trở thành một trong những quốc gia hiếm hoi có được cuộc sống "bình thường mới". Đó là nhờ sự quyết tâm “chống dịch như chống giặc” của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Đắk Nông cũng không nằm ngoài bối cảnh chung của cuộc chiến chống "giặc Covid".

Với vị trí đặc biệt quan trọng, có tuyến quốc lộ 14 và 28 trải dài, và với hơn 141 km biên giới giáp với nước bạn Campuchia, nên khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Đắk Nông trở thành địa phương có nguy cơ cao bị dịch xâm nhập. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu khi những ca bệnh đầu tiên được ghi nhận ở Việt Nam, tỉnh Đắk Nông đã nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 từ cấp tỉnh đến tận cấp xã, phường, thị trấn. Tất cả các đơn vị, địa phương đều lên dây cót, chuẩn bị kịch bản, phương án sẵn sàng cho cuộc chiến chống "giặc Covid" mới trong thời bình, bảo vệ sức khỏe người dân.

 Ban Chỉ đạo phòng chống dịch thăm và kiểm tra các chốt quản lý biên giới và kiểm soát dịch dọc tuyến biên giới Đắk Nông - Mondulkiri.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch thăm và kiểm tra các chốt quản lý biên giới và kiểm soát dịch dọc tuyến biên giới Đắk Nông - Mondulkiri.

Đi đầu trên mặt trận chống dịch Covid-19, ngành Y tế, đã dồn sức tổng lực cho cuộc chiến nguy hiểm này. Với phương châm “ngăn chặn - cách ly - khoanh vùng triệt để - dập dịch quyết liệt và điều trị tích cực”, hệ thống y tế dự phòng và điều trị khắp cả nước nói chung và Đắk Nông nói riêng được nhanh chóng kích hoạt. Những chiến sĩ áo trắng từ tỉnh, huyện, thành phố đến xã, phường, thị trấn không ngại khó khăn, vất vả, bất kể ngày đêm để điều tra, truy vết từng người, từng đối tượng nghi nhiễm, liên quan đến Covid-19.

Chống "giặc" Covid-19 cũng đồng nghĩa với việc các chiến sĩ biên phòng một lúc thực hiện 2 nhiệm vụ, vừa bảo vệ biên giới, vừa ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào địa phương. 20 chốt kiểm dịch khu vực biên giới của 12 đồn biên phòng được thành lập, với hàng trăm cán bộ, chiến sĩ vượt lên những vất vả, thiếu thốn, “ăn lán, ngủ rừng”, dầm mưa, dãi nắng, bám trụ biên giới ngăn chặn đại dịch để bảo vệ sự bình an cho Nhân dân, làm sáng lên hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong cuộc chiến mới không kém phần khốc liệt...

Trung úy Ngô Xuân Thắng, phụ trách chốt quản lý biên giới và chống dịch của Đồn biên phòng Cửa khẩu Bu Prăng, xã Quảng Trực (Tuy Đức) hiện vẫn đang ngày đêm cùng đồng đội bám chốt. Anh Thắng tâm sự: "Bằng ý chí của người lính, dù khó khăn, gian khổ đến mấy chúng tôi cũng gắng sức vượt qua, quyết không để lọt đối tượng trốn cách ly y tế hoặc nhập cảnh trái phép vào địa bàn".

Với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, những chiến sĩ công an, cán bộ phụ nữ, đoàn viên, thanh niên cũng có mặt khắp mọi nẻo đường, góp sức chống dịch, đẩy lùi Covid-19. Chị Trần Thị Thúy Vân, Bí thư Huyện đoàn Cư Jút nhớ lại: "Tuổi trẻ chúng tôi đã đóng góp một phần công sức vào cuộc chiến chống "giặc" Covid-19 đầy cam go. Vượt lên những khó khăn, vất vả, đoàn viên, thanh niên đã thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện, sẵn sàng có mặt ở nơi cần thiết nhất, không để Covid-19 xâm nhập vào Đắk Nông".

Đánh thắng bạch hầu

Khác với dịch Covid-19 mang yếu tố xâm nhập từ nước ngoài, bệnh bạch hầu phát hiện tại Đắk Nông vào 8/6/2020. Ngay sau khi nhận được thông tin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã nhanh chóng truy vết, điều tra, khoanh vùng ca bệnh, theo dõi điều trị và thực hiện các biện pháp cần thiết để dập dịch. Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy, hầu hết các bệnh nhân chưa tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu, hoặc có tiêm chủng nhưng không đủ liều theo quy định, bạch hầu thường xuất hiện tại vùng sâu, vùng xa.

Bác sĩ Nguyễn Ly Sắc, Trưởng Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) là một trong những chiến sĩ áo trắng tiên phong trong cuộc chiến đánh bạch hầu chia sẻ: "Đang trong cuộc chiến chống Covid-19 thì nhận được tin những ca bệnh bạch hầu đầu tiên, đội ngũ y tế Trung tâm tạm giao lại mặt trận này cho y tế tuyến huyện và tiếp tục lên đường chống bạch hầu. Bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, khi có tin là lại xách ba lô lên đường. Anh em y tế thực hiện phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng chống dịch” với bà con ngay tại các ổ dịch".

 Các y bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong vượt qua bao vất vả đưa vắc xin phòng bệnh bạch hầu đến tiêm cho người dân tại ổ dịch Cụm 12 xã Đắk R'măng.

Các y bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong vượt qua bao vất vả đưa vắc xin phòng bệnh bạch hầu đến tiêm cho người dân tại ổ dịch Cụm 12 xã Đắk R'măng.

Bạch hầu không nguy hiểm bằng Covid-19 nhưng để điều tra, truy vết lại khó khăn hơn nhiều vì bệnh xảy ra tại các xã vùng xa, chủ yếu là vùng đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Bà con đa phần không biết tiếng phổ thông, ý thức tiêm chủng phòng bệnh còn thấp, chỉ nghĩ đây là bệnh thông thường tự sinh, tự diệt. Vì thế, khi người bệnh tìm đến bác sĩ thì đã khá muộn và đó là nguyên nhân dẫn đến cái chết của 2 em bé.

Lan tỏa tinh thần nhân ái

Nhìn lại nỗ lực chống "giặc Covid-19" và bạch hầu xuyên suốt một năm qua, nổi bật là tinh thần đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn thể người dân, cộng đồng. Tất cả các cấp, các ngành, các hội đoàn thể từ tỉnh đến địa phương cùng nhau phối hợp nhịp nhàng trong việc tuyên truyền, vận động người dân chủ động khai báo y tế, nâng cao ý thức phòng chống dịch, góp sức cùng ngành Y tế tỉnh đẩy lùi dịch bệnh.

Đặc biệt, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau", tinh thần tương thân tương ái, ấm áp nghĩa đồng bào trong đại dịch thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết.

Đó là hình ảnh những người mẹ, người em gom góp từng thùng mì tôm, chai nước lọc để động viên những chiến sĩ biên phòng, công an và các lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ chốt chặn kiểm soát dịch.

Đó là người dân phố huyện sẵn sàng nhường quán cơm ven đường của mình để làm bếp ăn dã chiến cho lực lượng chức năng chống dịch.

Đó là những bao gạo, thùng mì tôm, những chai dung dịch, bánh xà phòng diệt khuẩn được trao đến tận tay bà con nghèo trong những ngày thực hiện cách ly toàn xã hội.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Đắk Nông, trong hoạn nạn mới hiểu lòng nhau, tinh thần đoàn kết, đồng lòng của cả cộng đồng lan tỏa, phát huy trong đại dịch.

Với sự vào cuộc ngay từ sớm của cả hệ thống chính trị và sự đoàn kết, đồng thuận cao của người dân, Đắk Nông đã thực hiện đúng như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc căn dặn: “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi ngôi nhà, thôn bản, xóm, làng, khu phố là một pháo đài chống dịch”.

Bài, ảnh: Ngô Đồng

294

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/xuan-tan-suu-2021/mot-nam-dong-long-chong-dich-84526.html