Một năm hoạt động tích cực, trách nhiệm

Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến trực tiếp đối với các dự án luật phức tạp, còn nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau để xem xét thấu đáo, trong đó tổ chức lấy ý kiến 7 dự án luật, tiếp xúc cử tri chuyên đề đối với 3 dự án luật và lấy ý kiến góp ý bằng văn bản 13 dự án luật ...

Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thanh Thúy- Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh phát biểu trong phiên thảo luận tại một kỳ họp Quốc hội. Ảnh: Thanh Trung

Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thanh Thúy- Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh phát biểu trong phiên thảo luận tại một kỳ họp Quốc hội. Ảnh: Thanh Trung

Với tinh thần trách nhiệm cao, năm 2022, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tây Ninh và từng ĐBQH đã thực hiện rất tốt vai trò là người đại biểu nhân dân, tham dự đầy đủ các kỳ họp, phiên họp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tích cực thảo luận, chất vấn sôi nổi tại nghị trường và nhiều hoạt động khác. Qua đó, góp phần vào sự thành công của các kỳ họp Quốc hội và truyền tải đầy đủ nguyện vọng của cử tri tỉnh nhà.

Thực hiện tốt công tác xây dựng luật và giám sát

ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy- Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh cho biết, đối với công tác xây dựng luật, lãnh đạo Đoàn chú trọng bám sát chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết năm 2022 của Quốc hội, làm tốt các khâu từ xây dựng kế hoạch, tổ chức lấy ý kiến đóng góp đến việc xây dựng báo cáo và tham gia phát biểu góp ý trên diễn đàn Quốc hội.

Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến trực tiếp đối với các dự án luật phức tạp, còn nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau để xem xét thấu đáo, trong đó tổ chức lấy ý kiến 7 dự án luật, tiếp xúc cử tri chuyên đề đối với 3 dự án luật và lấy ý kiến góp ý bằng văn bản 13 dự án luật đối với chuyên gia, các sở, ban, ngành liên quan chịu ảnh hưởng của các dự án luật; tổng hợp 23 báo cáo với hơn 241 ý kiến đóng góp đối với các điều luật của dự thảo gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về công tác giám sát, Đoàn đã thực hiện 6 cuộc giám sát trên địa bàn tỉnh, trong đó có 4 giám sát chuyên đề theo yêu cầu của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 2 cuộc giám sát chuyên đề của Đoàn ĐBQH.

Sau các đợt giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có văn bản báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương nhiều vấn đề nhằm khắc phục những hạn chế trong quản lý, điều hành và góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật

Riêng hai cuộc giám sát chuyên đề của Đoàn đều lựa chọn những nội dung rất sát với tình hình thực tế bức xúc tại địa phương. Giám sát thi công và hiệu quả sử dụng tuyến đường tuần tra biên giới trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Đoàn ĐBQH và lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan đã đi thực địa 130km toàn tuyến đường biên giới trên địa bàn tỉnh.

Sau khi khảo sát, đoàn giám sát làm việc với Ban Quản lý dự án đường tuần tra biên giới Quân khu 7 để nêu rõ thực trạng, nguyên nhân khách quan, chủ quan gây hư hỏng, xuống cấp một số đoạn đường tuần tra biên giới và đề nghị Ban Quản lý dự án rút kinh nghiệm để thi công công trình giai đoạn 2 tốt hơn.

Giám sát việc ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước và phát triển chính quyền số, Đoàn đã kiểm tra thực tế tình hình hoạt động tại Phòng Chỉ huy điều hành - UBND tỉnh, Trung tâm Giám sát, điều hành kinh tế, xã hội tập trung tỉnh, Trung tâm Hành chính công tỉnh, bộ phận Một cửa phường 1 thành phố Tây Ninh.

Trên cơ sở kiểm tra và làm việc với UBND thành phố Tây Ninh, Sở Thông tin và Truyền thông, Đoàn ghi nhận kết quả đạt được và đề nghị UBND tỉnh, ngành chức năng có giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại để việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh ngày càng hiệu quả, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát chuyên đề ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan Nhà nước và phát triển chính quyền số. Ảnh: Thanh Trung

Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát chuyên đề ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan Nhà nước và phát triển chính quyền số. Ảnh: Thanh Trung

PHÁT HUY VAI TRÒ NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN

Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh tham dự đầy đủ các phiên họp của Quốc hội, các vị đại biểu trong Đoàn luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và phát huy tốt vai trò trách nhiệm người đại biểu nhân dân.

Tại các kỳ họp, phiên họp của Quốc hội, UBTVQH, ĐBQH đã chuyển tải những tâm tư, nguyện vọng của cử tri tỉnh nhà đến Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Trung ương. Trong năm qua, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có 32 lượt ý kiến phát biểu tại tổ và 12 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường.

Đặc biệt, hoạt động chất vấn tại các phiên họp, kỳ họp, các ĐBQH phát huy cao tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, dân chủ. Các nội dung chất vấn được đại biểu nghiên cứu kỹ, ngắn gọn đúng trọng tâm, sát thực tiễn, chuyển tải được những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm bức xúc kiến nghị.

Tại các kỳ họp Quốc hội và các phiên chất vấn của UBTVQH năm 2022, Đoàn có 2 vấn đề tranh luận trực tiếp, 3 câu chất vấn trực tiếp tại hội trường. Đơn cử tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV vừa qua, ĐBQH Trần Hữu Hậu chất vấn Thủ tướng Chính phủ liên quan đến quy định của Luật Đầu tư công; đại biểu Huỳnh Thanh Phương chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ về tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong thực hiện các thủ tục hành chính có xu hướng tăng, nhất là trong quan hệ giao dịch về xây dựng, đất đai, kinh doanh; đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy tham gia góp ý dự án Luật Giá (sửa đổi) và Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Hoạt động tiếp xúc cử tri được Đoàn quan tâm đổi mới. Ngoài tiếp xúc cử tri tại điểm huyện, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri tại các điểm xã để được gặp gỡ cử tri tại cơ sở để lắng nghe sâu sát ý kiến của cử tri các địa phương; ĐBQH ở các đơn vị bầu cử luân phiên tiếp xúc tại các điểm bầu cử khác nhau kể cả nơi không ứng cử để nắm bắt thực tiễn được toàn diện và lắng nghe ý kiến cử tri các địa phương, từ đó có đề xuất kiến nghị toàn diện và sâu sắc hơn.

Trong năm, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức để các ĐBQH tiếp xúc cử tri tại 40 điểm với hơn gần 4.500 cử tri tham dự. Đoàn ghi nhận 143 lượt cử tri phát biểu với 246 nội dung liên quan đến vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của Trung ương và chính quyền địa phương. Các ý kiến cử tri được Đoàn tổng hợp chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết đúng quy định.

Cử tri Lê Văn Khải (phường 3, thành phố Tây Ninh) cho biết: “Tôi đánh giá cao chất lượng kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vừa qua và phấn khởi trước những kết quả khả quan của tình hình kinh tế, xã hội đất nước- nhất là trong bối cảnh khó khăn do lạm phát toàn cầu.

Qua theo dõi kỳ họp, các vị đại biểu Quốc hội đã chất vấn, tranh luận sôi nổi nhiều vấn đề cử tri quan tâm, bức xúc liên quan trực tiếp đến đời sống như tăng lương cơ sở, tăng lương hưu và một số trợ cấp, phụ cấp, tình hình xăng dầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, thiếu thuốc bảo hiểm y tế, đã nói lên được tâm tư, nguyện vọng của người dân”.

Ngoài các hoạt động nghị trường, tiếp xúc cử tri, tiếp dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, các ĐBQH còn là thành viên các Ủy ban của Quốc hội, tham dự đầy đủ các phiên họp toàn thể Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc, tham dự các cuộc họp do Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tổ chức và có nhiều ý kiến đóng góp.

Lãnh đạo Đoàn ĐBQH, các vị ĐBQH thường xuyên trả lời phỏng vấn các cơ quan thông tấn, báo chí liên quan đến các nội dung của kỳ họp và những vấn đề khác của địa phương. Bên cạnh đó, đoàn thăm, tặng quà gia đình chính sách, người có công với cách mạng, trao tặng học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và nhiều hoạt động xã hội khác, góp phần thắt chặt mối quan hệ gắn kết giữa đại biểu với cử tri tỉnh nhà.

Tuệ Lâm

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/mot-nam-hoat-dong-tich-cuc-trach-nhiem-a151833.html